Sự kiện - chuyên đề:

Đam mê chữa bệnh cứu người, lãng quên việc lớn của nhà

VHDN: Hơn 30 năm kế thừa “Bài thuốc gia truyền Ông Nội” với sự sáng tạo đam mê, phát triển giá trị của nó, lương y Nguyễn Thị Tâm (tức Tâm Nguyễn) làm việc như một “con ong thợ phi thường”, cứ lặng lẽ đến với người bệnh hiểm nghèo, người bệnh nghèo khó, người bệnh đang trong cơn tuyệt vọng (bởi nguy kịch) để rồi hy vọng “tai qua nạn khỏi” và nhờ đó rất nhiều người đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Lương y có phẩm chất cao cả, quý giá như chính cái tên cha mẹ sinh ra, đặt từ lúc lọt lòng: Nguyễn Thị Tâm.

 

Lương y Nguyễn Thị Tâm sinh ra trong một gia đình trí thức, nho giáo ở xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội là cụ Nguyễn Quỹ, (tức cụ Chánh Thức), một nhà nho, tham gia cách mạng, hoạt động bí mật trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng thời làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người thật sự bằng cái tâm. Trong cải cách ruộng đất, cụ bị tử hình oan do tổ chức nghi ngờ hoạt động cho địch. Cụ ra đi để lại những bài thuốc được bố mẹ Nguyễn Thị Tâm lưu giữ để cô cháu nội (Tâm Nguyễn) có duyên kế thừa. Cha Nguyễn Thị Tâm là một nhà giáo. Ông từng dạy những học trò sau này trở thành cán bộ các cấp, có người là nhà khoa học nổi tiếng như Phan Đình Diệu,v.v…

Lương y Tâm Nguyễn.

Là người con gái khi đang độ trưởng thành, bỗng căn bệnh hiểm nghèo ập đến đối với Nguyễn Thị Tâm do bị ung thư vú. Đi các bệnh viện điều trị ròng rã 4 năm không khỏi. Bố mẹ khi đó đã qua đời, Nguyễn Thị Tâm chợt nhớ ra mẹ dặn có gói tài liệu của ông nội. Tâm giở ra tìm được vật báu là bài thuốc quý. Nguyễn Thị Tâm vận dụng, đi mua các vị ghi trong bài thuốc, thiếu cái gì vào rừng tìm hái rồi tự sắc uống nhiều ngày. Không ngờ, bằng cách ấy cô khỏi bệnh hoàn toàn. Thế là, Nguyễn Thị Tâm nung nấu ý tưởng dùng bài thuốc này vào việc chữa bệnh cho mọi người.

Nguyễn Thị Tâm lấy chồng là chàng trai Triệu Văn Chương. Vợ chồng sau đó chuyển vào thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà lập nghiệp, làm căn nhà cấp 4 ở số 32 đường Bửu Đoá, phường Phước Long và chỉ chú tâm vào chế thuốc chữa bệnh hiểm nghèo cho đến ngày nay. Chồng và các con cũng một mực theo nghề, tận tụy phục vụ người bệnh.

Mở Phòng khám ở thành phố Nha Trang nhưng Tâm Nguyễn nhiều năm qua đi khắp mọi miền đất nước, ra cả đảo Phú Quốc với các bệnh nhân đang chờ. Cô dấn thân vào cả vùng dịch COVID-19, cung cấp thuốc cho hàng nghìn người sử dụng và khỏi bệnh. Mấy năm gần đây, theo vẫy gọi của một số cán bộ ở các cơ quan Trung ương, lương y Tâm Nguyễn ra Hà Nội thuê địa điểm để tham gia chăm sóc sức khoẻ cộng đồng khu vực phía Bắc.

Phương pháp chẩn trị của lương y Tâm Nguyễn là chỉ qua hồ sơ chứ không cần trực tiếp gặp người bệnh để khám. Bằng công nghệ thông tin, người bệnh kết nối zalo gửi bệnh án, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, quay video, chụp ảnh gửi, đối thoại để lương y nghiên cứu, chẩn đoán rồi chỉ định, kê đơn, nấu thuốc nước đóng chai (đông lạnh) gửi về địa chỉ người bệnh bằng vận chuyển qua đường bộ.

Với phương pháp riêng biệt ấy, hàng ngày có hàng chục người bệnh, người thân của họ gọi điện trình bày, kể bệnh với lương y. Vì thế mà bà Tâm bận rộn “hơn cả con mọn”. Suốt ngày tiếp chuyện người bệnh, nhiều đêm thao thức mất ngủ, có những đêm thức trắng để giải đáp, trả lời, cân nhắc kê đơn thuốc. Bằng cách đó, lương y Tâm Nguyễn đã chữa khỏi nhiều loại bệnh ung thư, bệnh tai biến, đột quỵ,v.v…cho hàng nghìn người trong những năm qua. Gần đây, lương y còn chữa khỏi chứng “đại thực bào”, một loại bệnh nguy hiểm hơn cả ung thư, trở thành điều kì diệu trong giới y học cổ truyền. Một số người nước ngoài bị ung thư nặng, điển hình là bệnh nhân ở Hoa Kỳ tên là Kevin Nguyễn đã được lương y chuyển thuốc cho sử dụng đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong khi người này tưởng không qua khỏi cái chết kề bên, nay đi làm việc được.

Ông Kevin ở California (Mỹ) bị căn bệnh ung thư quái ác, do được uống thuốc của ông nội Tâm Nguyễn, nay đã khỏe mạnh.

Với những thành công đặc biệt, sáng giá, lương y Tâm Nguyễn đã hai lần được mời tham dự hội nghị quốc tế về Y học tự nhiên, được gửi tham gia các bản báo cáo khoa học về phương pháp “Điều trị bệnh nan y và ung thư bằng thuốc thảo mộc Việt Nam” (tại Paris nước Pháp tháng 7 năm 2023 và tại Barcelona nước Tây Ban Nha tháng 7 năm 2024) được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.

Hoạt động như thế, đáng lẽ gia đình bà có thể giàu có, thậm chí rất giàu. Tuy nhiên, tại phường Phước Long, TP. Nha Trang, cả nhà vẫn chỉ có căn nhà cấp 4, tiền của không có tích luỹ, nguồn thu được bao nhiêu dồn vào mua dược liệu làm thuốc. Cách đây hơn 30 năm vợ chồng lương y được chuyển nhượng lô đất và dự định làm nhà cho con, cháu nhưng đến nay vẫn trống trơ và còn bị lấn chiếm, tranh chấp. Đó là thửa đất số 236 tờ bản đồ số 17 tại 32A đường Bửu Đoá, phường Phước Long, TP Nha Trang với diện tích 60,6 m2 (theo bản đồ địa chính năm 2011). Lô đất này của ông Nguyễn Đăng Hải (Trung uý Hải quân) chuyển nhượng cho vợ chồng Triệu Văn Chương – Nguyễn Thị Tâm từ ngày 3/2/1990 có diện tích 75 m2 (theo Giấy sang nhượng đất thổ cư do ông Hải lập). Trong thời gian đó ông Nguyễn Đăng Hải cũng chuyển nhượng lô đất liền kề cho vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Hảo (Trường Tiểu học Phước Long 2) và họ làm nhà ở trước. Trong khi vợ chồng bà Nguyễn Thị Tâm thường xuyên đi xa, vợ chồng ông, bà Phan Văn Minh – Nguyễn Thị Hảo xây nhà đè lên phần móng nhà thuộc đất của bà Nguyễn Thị Tâm, lấn chiếm hơn chục m2.

Vợ chồng lương y Nguyễn Thị Tâm khiếu nại, UBND phường Phước Long đã xác nhận, lập biên bản, khẳng định rõ sai phạm nhưng người mẹ cô giáo Hảo và vợ chồng ông bà Minh, Hảo van lạy xin được bỏ qua. Vì lòng thương người nên vợ chồng bà Tâm sẵn sàng cho họ và đề nghị UBND phường đo đạc, xác định lại diện tích 60.6 m2 để được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vợ chồng ông, bà Minh – Hảo chây ì, cố tình không kí xác nhận hộ liền kề. Đã nhiều lần UBND phường mời ra hoà giải, họ cố tình trốn tránh và còn toan tính chiếm đoạt lô đất này.

Trong cuộc đời lương y Nguyễn Thị Tâm, niềm hạnh phúc lớn lao là cứu chữa, đem lại sự sống, bình an cho hàng nghìn người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng việc nhà là lô đất được chuyển nhượng đã 35 năm, đóng thuế liên tục từ đó đang bị rắc rối, chưa giải quyết dứt điểm được. Có người cho lời khuyên phải kiện ra toà án nhưng lương y Nguyễn Thị Tâm vẫn chờ đợi thái độ ứng xử phải đạo của vợ chồng ông Phan Văn Minh (đảng viên) và bà Nguyễn Thị Hảo (giáo viên) nghĩ đến tình làng nghĩa xóm mà biết điều cầu thị, đừng làm phức tạp thêm vụ việc và cố tình làm khó cho chính quyền địa phương.

 

Kim Phú Hà

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2025)

16:44:53 08-07-2025

VHDN: Hơn 30 năm kế thừa “Bài thuốc gia truyền Ông Nội” với sự sáng tạo đam mê, phát triển giá trị của nó, lương y Nguyễn Thị Tâm (tức Tâm Nguyễn) làm việc như một “con ong thợ phi thường”, cứ lặng lẽ đến với người bệnh hiểm nghèo, người bệnh nghèo khó, người […]

Đối tác của chúng tôi