Trận này là một đòn đánh bất ngờ, đòn hiểm của ta khiến cho kẻ thù không kịp trở tay và dẫn đến một loạt những thất bại liên tiếp, nhanh chóng của giặc trên tất cả các mặt trận. Quân địch choáng váng, buộc phải rút khỏi Tây Nguyên. Chiến thắng đã tạo sức mạnh toàn diện mới trên chiến trường; tạo ra sự thay đổi về tinh thần, tư tưởng. Quân địch hoang mang, bạc nhược, tháo chạy còn quân ta khí thế hừng hực, thừa thắng xốc tới, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Việc chọn Buôn Ma Thuột làm trận mở màn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là thị xã lớn nhất Tây Nguyên, lại nằm trên trục đường 14 và 21 (nay là Quốc lộ 26) thuận lợi cho việc thực hiện chiến dịch và mở rộng đến các tỉnh Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Đánh vào Buôn Ma Thuột sẽ làm đảo lộn thế phòng thủ của Mỹ, Ngụy ở Tây Nguyên, trực tiếp uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn. Thắng lợi to lớn, toàn diện của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, tạo ra thế và lực mới để ta giành thắng lợi từ bộ phận đến giành thắng lợi hoàn toàn, xuất hiện thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam nhanh hơn, chín muồi hơn. Đó là cơ sở để Đảng ta bổ sung quyết tâm chiến lược, rút ngắn thời gian kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm xuống còn 55 ngày đêm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các hướng chiến trường nắm thời cơ huy động toàn bộ lực lượng tiến lên giành thắng lợi quyết định trước mùa mưa năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đúng 02h sáng ngày 10/3/1975, bộ đội đặc công của ta nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã, kho Mai Hắc Đế, mở màn cho cuộc tấn công Buôn Ma Thuột. Lực lượng tinh nhuệ của ta phá hỏng 7 máy bay, chiếm một góc sân bay Hòa Bình và kho Mai Hắc Đế. Vào lúc 07h15, pháo binh của ta đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch. Sở chỉ huy tiểu khu và khu thiết giáp. 9h bộ binh của ta được xe tăng yểm trợ đánh chiếm sở chỉ huy tiểu khu. Quân địch chống trả quyết liệt. Nhưng không chống cự nổi trước tấn công linh hoạt, thiện chiến của bộ binh, sức công phá của xe tăng. Đến 13h30, phút quân ta làm chủ hoàn toàn sở chỉ huy tiểu khu tỉnh Đắk Lắk. 07h30 ngày 11/3, pháo binh của ta nổ súng vào Sư đoàn bộ sư đoàn 23. Không chịu nổi sức tấn công của quân ta, 8h15 tên Sư đoàn Phó tham mưu bỏ chạy. Tìm được 2 hầm ngầm, quân ta bắt được Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Đắk Lắk – Đại tá Nguyễn Trọng Luật và một số sĩ quan. Sau đó quân ta bắt Sư đoàn Phó, Đại tá Vũ Thế Quang ngoài đồn điền cao su. Thừa thắng quân ta đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 45, giải phóng khu quân cảnh, cảnh sát. Đúng 10h30 ngày 11/3/1975, quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, bắt hàng nghìn quân địch, thu nhiều vũ khí, trang bị.
Chiến thắng ngày 10.3.1975 đã mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau hơn 21 năm bị chia cắt, tàn phá.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 3/2024
(Nguyễn Văn Cuông)
VHDN: Những ngày tháng 3 trên mảnh đất Tây Nguyên, âm vang của chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử lại dội về. Đây là một trong những chiến thắng tiêu biểu và oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trận này là một đòn đánh bất ngờ, đòn hiểm của […]