Sự kiện - chuyên đề:

Anh Sơn trồng thử nghiệm thành công cây khoai tây vụ Đông ở vùng biên giới

VHDN:Với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng biên giới, giúp bà con đồng bào dân tộc Thái có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vụ đông năm nay huyện Anh Sơn đã đưa vào trồng thử nghiệm 3,2 ha giống khoai tây Marabel của Đức theo mô hình liên kết “4 nhà” tại bản Vều 3, sau 3 tháng trồng đến nay khoai tây đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao, mở ra hướng đi mới cho người dân vùng biên giới.

Người dân tộc Thái xã Phúc Sơn trồng thử nghiệm thành công mô hình cây khoai tây

Có mặt trên cánh đồng bản Vều 3 xã Phúc Sơn, bà con nông dân đang háo hức ra đồng thu hoạch khoai tây vụ đông, những củ khoai tây to, căng tròn, vàng ươm vừa thu hoạch, đang chuẩn bị được chuyển dần lên xe cho công ty. Gia đình bà Vi Thị Hồng ở bản Vều 3 là một trong những hộ gia đình trồng nhiều khoai tây nhất bản với diện tích 8 sào, bà Hồng chia sẻ: Những năm trước trên diện tích đất này gia đình chủ yếu trồng ngô. Năm nay chính quyền địa phương triển khai trồng thử nghiệm khoai tây, gia đình đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Ban đầu những hộ dân ở đây lưỡng lự, do dự lắm. Bởi chúng tôi quen với nếp nông nghiệp cũ, chưa đưa loại cây mới vào trồng bao giờ nên không dám mạo hiểm. Nhưng rồi được các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động nên gia đình đăng ký trồng. Theo bà Hồng so với các giống cây trồng khác thì trồng khoai tây bước đầu cũng thuận lợi, ít công hơn, chi phí đầu tư ít hơn và dễ chăm sóc hơn. Ngoài được hỗ trợ 70% giống, 50% phân bón và bao tiêu sản phẩm thì trong quá trình xuống giống, còn có cán bộ xuống tận đồng hướng dẫn kỹ thuật nên bàn con rất phấn khởi. Hiện nay gia đình bà đang thu hoạch khoai tây, năng suất bình quân đạt 1 tấn/sào, được công ty thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí cho gia đình bà Hồng thu về gần 40 triệu đồng.

Để thu hoạch kịp thời vụ cùng với các gia đình trong bản, những ngày này gia đình chị Nguyễn Thị Huế bản Vều 3 cũng đang huy động nhân lực ra đồng thu hoạch hơn 7 sào khoai tây. Chị Huế cho biết: Khi đăng ký tham gia trồng thử nghiệm khoai tây, gia đình được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần quốc tế An Việt. Nhờ được tập huẫn bài bản nên gia đình chị đã áp dụng theo đúng hướng dẫn từ khâu bố trí thời vụ trồng, làm đất, lên luống, bón phân, chăm sóc; nhận biết một số sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại và hu hoạch. Kết quả mô hình cho thấy, giống sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao. Gia đình chị bắt đầu xuống giống ngày 16/12 đến nay sau 3 thángđã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 1– 1,2 tấn/sào, đây là năm đầu tiên đưa vào trồng thử nên theo chị Huế năng suất như vậy là đã đạt. Với giá thu mua ngang tại ruộng 7.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí sản xuất cũng cho bà con thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào.

Từ mô hình này hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho bà con dân tộc nơi đây.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng- Phó chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Bản Cao Vều xã Phúc Sơn là bản biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, bản gồm 4 bản nhỏ là Vều 1, Vều 2, Vều 3 và Vều 4, phần lớn là đồng bào Thái, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất và phong tục tập quán còn lạc hậu. Chính vì vậy, trong những năm qua, huyện Anh Sơn và xã Phúc Sơn đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho vùng biên giới. Đặc biệt quan tâm dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; chuyển giao khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt trong vụ đông năm nay, xã Phúc Sơn đã đưa mô hình trồng khoai tây vào bản Vều 3. Mô hình được UBND xã Phúc Sơn giao cho hội LHPN xã đảm nhận. Với diện tích 3,2 ha và 17 hộ dân ở vùng biên giới tham gia trồng, hộ trồng ít nhất là 1 sào, hộ nhiều nhất là 8 sào. Đây là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông triển khai đầu tiên trong xã. Để mô hình này mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, xã Phúc Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện và kết nối với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế An Việt tại Hà Nội trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, hỗ trợ về phân bón để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây và cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm, với giá 7.000 đồng/kg.Qua 3 tháng trồng trên vùng đất biên giới, cho thấy khoai tây rất thích hợp với thổ nhưỡng ở đây, năng suất đạt 20 – 22 tấn/ha, sau khi trừ chi phí cũng cho bà con thu lãi từ 80- 100 triệu đồng/ha. Mô hình trồng khoai tây được triển khai đã giúp người dân vùng biên giớiCao Vều thay đổi tư duy sản xuất, có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Vụ đông 2020 thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng huyện Anh Sơn đã đưa cây khoai tây Marabel của Đức vào trồng với diện tích là 14 ha, trong đó xã Tam Sơn trồng 10 ha và xã Phúc Sơn 4 ha. Đây là loại giống mới được chọn lọc theo phương pháp nội nhập từ nước ngoài, có năng suất, chất lượng vượt trội hơn so với các giống khoai tây khác, năng suất trung bình mỗi vụ từ 1,2- 1,5 tấn/sào, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 90- 100 ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Để khuyến khích các hộ dân tham gia trồng, huyện Anh Sơn đã phối hợp với Công ty cổ phần quốc tế An Việt hỗ trợ 70% tiền giống và 50% tiền phân NPK cho bà con bản Vều 3 xã Phúc Sơn và 1 phần diện tích ở xã Tam Sơn. Hiệu quả từ việc đưa cây khoai tây vào trồng ở 2 xã Phúc Sơn và Tam Sơn là cơ sở để huyện Anh Sơn tiếp tục phát huy tiềm năng phát triển cây khoai tây trong những vụ tiếp theo, để loại cây này trở thành cây mũi nhọn tại địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

                                                                           PV

Chia sẻ
19:45:41 24-03-2021

VHDN:Với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng biên giới, giúp bà con đồng bào dân tộc Thái có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vụ đông năm nay huyện Anh Sơn đã đưa vào trồng thử nghiệm 3,2 ha giống khoai tây Marabel của Đức theo mô […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi