Với sự quan tâm đầu tư ấy, đến nay hệ thống thủy lợi, trạm bơm tập trung, điện, giao thông ngày càng hiện đại, đồng bộ, góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, luân canh tập trung, quy mô lớn, từ đó kéo theo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới… để đầu tư xây dựng hệ thống ô đê bao, xây dựng các trạm bơm, duy tu, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt, nạo vét các tuyến kênh, xây dựng lộ cầu, đường đáp ứng tốt việc vận chuyển phân, thuốc, các mặt hàng nông sản… Qua đó, từng bước giúp hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại; kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ sản xuất, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân ngày một phát triển, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Nông dân Trần Văn Nam (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Trước đây, khi hệ thống ô đê bao chưa khép kín cũng như chưa có các trạm bơm, hễ thấy trời mưa to, lúa trên đồng có nguy cơ ngập sâu là người dân cứ nơm nớp âu lo. Nhưng hiện tại thì khác rồi, chỉ cần vận hành các trạm bơm là chỉ trong thời gian ngắn tình trạng ngập cục bộ đã được xử lý xong. Bên cạnh đó, bà con không còn phải lo chuyện vận chuyển lúa giống, phân, thuốc…, bởi đường sá đã được xây dựng đồng bộ, lộ làng thẳng tắp nên không chỉ giúp nông dân thuận tiện đi lại chăm sóc mà lúa bán cũng được giá hơn so với trước”.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 1.368 tuyến kênh (29 cấp I, 380 cấp II, 959 cấp III vượt cấp) với tổng chiều dài hơn 5.854km phủ khắp 3 tiểu vùng sản xuất; trên 169 cống, bọng phục vụ tưới tiêu; gần 62 trạm bơm điện và khoảng 270 ô thủy lợi khép kín. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, sản xuất nông nghiệp cũng từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với tín hiệu thị trường, tiên tiến hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững. Quy mô sản xuất của các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa và xuất khẩu ngày càng mở rộng, đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Có thể nói, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là đầu tư có tác động kép, không chỉ là động lực để chuyển dịch cơ cấu ngành, địa phương mà còn kéo theo sự thu hút đầu tư vào khu vực này. Cơ sở hạ tầng càng hoàn thiện thì quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương và sản xuất nông nghiệp càng có điều kiện mở rộng và nâng cao hiệu quả. Không chỉ vậy, hoạt động này còn kéo theo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo “đòn bẩy” để ngành Nông nghiệp bứt phá, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân… Ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) phấn khởi nói: “Hiện nay, ngoài chuyện giá cả lên, xuống theo nhu cầu thị trường thì nông dân bị động, còn lại các hoạt động sản xuất, liên kết bao tiêu… đều diễn ra rất suôn sẻ. Nhờ vậy mà vài năm trở lại đây đời sống kinh tế của nông dân ngày càng phát triển đi lên”.
Thực tế cho thấy, những địa phương nào có cơ sở hạ tầng yếu kém thì khó thu hút các nhà đầu tư, và khi không thu hút được các nhà đầu tư thì khả năng cải tạo cơ sở hạ tầng càng hạn chế. Từ đó tạo nên một vòng luẩn quẩn là vùng nào cơ sở hạ tầng yếu kém thì ngày càng tụt hậu, phát triển không đồng đều giữa các vùng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến khâu sau thu hoạch được cơ giới hóa đạt hơn 90%. Qua đó, giảm lượng thất thoát sau thu hoạch còn như chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn tạo điều kiện để tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Những kết quả trên cho thấy, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. “Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp thông qua việc ban hành thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp – nông thôn và huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp – nông thôn”, ông Phạm Văn Mười – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
Phát huy kết quả này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và phát triển hạ tầng thủy lợi nhiều hơn nữa gắn với “đa mục tiêu” vừa phục vụ tốt cho sản xuất lúa, vừa chủ động cấp nước cho con tôm và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu 46.000 ha.
Nguyễn Chí
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1-2/2025)
VHDN: Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nên những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn được các bộ ngành Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thủy lợi. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực […]