Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vào năm 2006. Trong đó, cổ phần Nhà nước tham gia tại doanh nghiệp là 1.000.000 cổ phần chiếm 20% vốn điều lệ. Còn theo Báo cáo số 139/BC-BTC ngày 26/12/2014 của Bộ Công thương thì Công ty Gang thép Thái Nguyên là cổ đông lớn nhất của Công ty Gia Sàng khi nắm giữ 39,66% cổ phần.
Sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ, Công ty Gia Sàng được tổ chức thi hành án và bán đấu giá tài sản. Kết quả, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng là đơn vị trúng đấu giá đăng ký mua tài sản. Tuy nhiên, sau khi Thép Gia Sàng “lọt vào tay” Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng thì Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận chỉ rõ nhiều điểm không được khách quan, minh bạch trong hoạt động bán đấu giá này.
Cụ thể, Ngày 30/07/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ký văn bản số:28/KL-TTR Kết luận thanh tra về việc xác minh nội dung tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh đối với việc tổ chức thi hành án và bán đấu giá tài sản, liên quan đến việc tổ chức thi hành Quyết định số 07/2014/QĐST-KMTM ngày 08/01/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Về nội dung tố cáo “hoạt động bán đấu giá tài sản không khách quan, minh bạch, cụ thể là đưa vào Quy chế bán đấu giá những điều kiện bắt buộc trái pháp luật với người tham gia đấu giá”. Qua Thanh tra thấy rằng, về Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 55/2016/HĐBĐG được ký kết giữa Chi cục THADS và Trung tâm với tên gọi của Hợp đồng không đúng quy định.
Hợp đồng bán đấu giá còn sử dụng cụm từ “Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản” chưa đúng tên gọi theo quy định tại Điều 25 Nghị định 17/NĐ-CP quy định về Hợp đồng bán đấu giá tài sản. Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 7 Hợp đồng quy định về thời hạn, địa điểm, phương thức giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản quy định: “Thời hạn giao tài sản: Bên A bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá khi người trúng đấu giá nộp đủ tiền tài sản” cho thấy: Nội dung thỏa thuận về thời hạn của các bên là không rõ ràng, nên dẫn đến việc phải ký bổ sung Phụ lục Hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi bán đấu giá tài sản ngày 07/07/2016 đến ngày 12/07/2016, Trung tâm và Chi cục THADS mới tiến hành bổ sung Hợp đồng bán đấu giá điều khoản về “Thời hạn giao tài sản: Trong 30 ngày kể từ ngày nhận được tiền mua tài sản thì bên A phải bàn giao toàn bộ tài sản…” là thực hiện không đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, tại thời điểm Đoàn thanh tra làm việc, Trung tâm không xuất trình được hồ sơ năng lực của người đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng. Qua rà soát cho thấy, sau khi nhận được hồ sơ năng lực của người đăng ký tham gia đấu giá, Trung tâm đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Chi cục THADS…thực hiện Kết luận của Chánh thanh tra Bộ Tư pháp tại cuộc họp ngày 06/06/2017, Trung tâm đã đề nghị Chi cục THADS chuyển trả hồ sơ để xuất trình cho Thanh tra Bộ Tư pháp kiểm tra. Về việc này, Thanh tra Bộ Tư pháp nhận định, Trung tâm thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ bán đấu giá tài sản, vi phạm Khoản 2 Điều 18 Thông tư 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp “các loại quy định tại khoản 1 Điều này và hồ sơ công việc phải được lưu trữ giữ tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản”.
Về quy định thời gian bán đấu giá thì tại Khoản 1 Phần IV của Quy chế bán đấu giá quy định về: Thời gian tổ chức bán đấu giá nhưng không quy định thời gian cụ thể mà quy định chung chung: “Thời gian tổ chức bán đấu giá, thông báo sau khi đăng ký tham gia đấu giá” là chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về bán đấu giá tài sản kê biên “việc bán đấu giá đối với bất động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng”.
Về hình thức đấu giá: Do hợp đồng bán đấu giá không quy định cụ thể về hình thức bán đấu giá theo quy định tại Điều 33 Nghị định 17/NĐ-CP, xong Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên không có thỏa thuận để thống nhất với Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên về hình thức bán đấu giá mà tự ý Quy định tại quy chế về hình thức đấu giá trả giá bằng hình thức bỏ phiếu kín 5 vòng là chưa thực hiện đúng Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định.
Về việc thông báo bán đấu giá tài sản Trung tâm đã không quy định thời gian bán đấu giá cụ thể, rõ ràng, không đảm bảo nguyên tắc công khai trong hoạt động bán đấu giá được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/NĐ-CP.
Ngoài ra, qua nghiên cứu hồ sơ và qua làm việc với bà Vũ Thị Kiều Oanh, Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên đều khẳng định quá trình Thông báo bán đấu giá có một số khách hàng là tổ chức, cá nhân đến tham khảo hồ sơ và quy chế bán đấu giá, trong đó có bà Tạ Thị Hồng Vân (Công ty Cổ phần thương mại Đại Nam) có văn bản kiến nghị là cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ của Công ty thép Gia Sàng nhưng không được biết việc bán đấu giá theo con đường chính thức, mà qua con đường không chính thức. Bà Vân đề nghị Trung tâm cung cấp Quy chế bán đấu giá và các tài liệu liên quan, đồng thời đề nghị được tham gia đấu giá; bà Vũ Thị Kiều Oanh (người có đơn khiếu nại) đến tham khảo hồ sơ và đề nghị cung cấp Quy chế bán đấu giá, tham gia đấu giá và là người có đơn khiếu nại đến Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên về việc kê biên, bán đấu giá tài sản không đúng pháp luật, Quy chế bán đấu giá còn có sự nhập nhèm, đưa ra điều kiện bán đấu giá không đúng…
Một góc Nhà máy thép Gia Sàng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 17/2010/NĐ-CP: “Trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một người đăng ký mua tài sản bán đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc bán đấu giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó, nếu người có tài sản bán đấu giá đồng ý. Việc bán tài sản trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết, thông báo công khai, trưng bày tài sản và không có khiếu nại liên quan đến trình tự, thủ tục cho đến khi quyết định bàn tài sản”.
Như vậy, quá trình tổ chức bán đấu giá bà Vũ Thị Kiều Oanh là người có đơn khiếu nại, do vậy việc bán đấu giá đối với trường hợp này là vi phạm Khoản 2 Điều 37 Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Từ những phân tích lập luận trên cho thấy, trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bị kê biên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá có nhiều vi phạm, thiếu sót: Tên gọi của Hợp đồng không đúng quy định; Ký phụ lục hợp đồng sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản; Quy chế bán đấu giá làm hạn chế người tham gia đăng ký mua tài sản; Quy chế bán đấu giá quy định thời gian bán đấu giá không cụ thể, rõ ràng, quy định hình thức bán đấu giá không có sự thống nhất của người có tài sản bán đấu giá; Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ bán đấu giá tài sản; Thông báo bán đấu giá không thông báo cụ thể, rõ ràng thời gian bán đấu giá tài sản. Bán đấu giá tài sản khi có một người đăng ký nhưng lại đang có khiếu nại về quá trình thi hành án, bán đấu giá tài sản.
Những tồn tại vi phạm nói trên của Trung tâm phần nào là nguyên nhân dẫn đến tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh với nội dung việc bán đấu giá không khách quan, minh bạch.
Từ những kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp như đã nêu trên, phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần có văn bản hủy kết quả trúng đấu giá của Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng để đảm bảo thượng tôn pháp luật?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc kỳ sau…
L.Q
VHDN: Sau khi Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng “lọt vào tay” Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng, thì Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ ra “hoạt động bán đấu giá tài sản có nhiều vấn đề không khách quan, minh bạch”. Công ty cổ phần luyện cán thép […]