Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, những người làm báo đã luôn khích lệ, động viên và sát cánh với các doanh nghiệp và doanh nhân mọi lúc, mọi nơi trong đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn thông tin quý giá của báo chí không chỉ ca ngợi, phản ánh một chiều mà còn đề cập đến những vấn đề bất cập, làm hạn chế nguồn lực, tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, đòi hỏi các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, sửa đổi kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất – kinh doanh. Những điển hình tập thể, cá nhân được báo chí tôn vinh đã góp phần cổ vũ các doanh nghiệp và doanh nhân khắc phục khó khăn, vượt qua mọi rào cản trên con đường hướng tới mục tiêu xây dựng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển bền vững. Không ít các doanh nghiệp đã trực tiếp về với nông dân xây dựng cơ sở vật chất, chế biến nông sản nâng cao giá trị kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đó chính là những hình mẫu tốt mà các doanh nghiệp, doanh nhân trao đổi học hỏi, vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của mình. Việc các nhà báo phát hiện, phê phán thậm chí lên án những đơn vị và cá nhân quản lý, lãnh đạo làm ăn kém hiệu quả, gây lãng phí xã hội và vi phạm pháp luật, làm sai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng rất cần thiết, đó là còn những lời cảnh tỉnh, răn đe có tác dụng tốt đối với các doanh nghiệp, doanh nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế của quá trình đổi mới đất nước, xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới giữa kinh tế và xã hội, giữa các chính sách và tính khả thi, giữa người sử dụng lao động và người lao động hay mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các địa phương, các ngành… Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng phát hiện các mâu thuẫn mới nảy sinh đó và có lý trí sáng suốt để vượt qua. Trong bối cảnh đó phản ánh một hiện tượng không dễ, cần có những kiến thức đa diện về luật pháp, kinh tế, xã hội, dựa trên những hiểu biết rõ ràng về những sự việc cần phản ánh. Sự thiếu trung thực, khách quan, thói vụ lợi của một số ít nhà báo hay lối làm ăn chộp giật, chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo lý, pháp luật của một số doanh nhân đều mang lại sự nghi ngờ, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Như vậy các nhà báo phải rất dày công nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng thực tế, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau. Bất kỳ một hành động vội vã, hấp tấp nào cũng có thể dẫn đến việc phản ánh, đưa tin thiếu khách quan, không xác thực. Nó gây tâm lý hoài nghi trong xã hội và mất đi niềm tin của con người, nhất là đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong những năm qua, lúc thuận lợi cũng như thời kỳ khó khăn, nhiều nhà báo đã đến với doanh nghiệp động viên, chia sẻ trách nhiệm với các doanh nghiệp và doanh nhân. Hơn ai hết các nhà báo thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của người lao động và người lãnh đạo, quản lý. Có lẽ khác với nhiều lĩnh vực khác, các nhà báo và tờ báo là nơi các doanh nghiệp, doanh nhân có thể gửi gắm những tâm sự cuộc đời, công việc sản xuất, kinh doanh với tất cả nỗi vui, buồn. Bởi vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân nên thu hút, chọn lựa làm bạn với nhiều nhà báo. Tình bạn đó là cuộc giao lưu không vụ lợi giữa những người bình đẳng, tin cậy lẫn nhau.
Để cuộc giao lưu đồng hành với báo chí bền vững, lâu dài, nắm bắt và sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin báo chí, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là ở chỗ thân tình, cởi mở mà cái chính là phải tuân thủ đúng luật pháp trong sản xuất, kinh doanh. Sự khuất tất trong làm ăn, vi phạm pháp luật thì không ai bảo vệ được mình. Bởi vậy mở rộng giao lưu với báo chí sẽ thấy rõ trách nhiệm làm việc tốt hơn, chỉn chu hơn trong cuộc sống, chỉ đạo sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp mãi là cuộc giao lưu chân thành, thẳng thắn, không vụ lợi giữa những người tiên phong, tôn trọng lẫn nhau trong thời kỳ mới.
Báo chí đồng hành cùng các doanh nghiệp như đã nêu trên cũng chính là góp phần thiết thực vào việc cổ vũ, động viên các doanh nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Suy cho cùng, văn hóa cao nhất của con người là ý thức, trách nhiệm và hiệu quả trong lao động sản xuất, chấp hành pháp luật, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, thông qua đời sống vật chất và tinh thần, đạo đức xã hội.
Hiện nay, việc đầu tư cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động, nhất là đối với lớp trẻ. Thiết chế văn hóa nhằm định hướng cho mỗi con người lao động sáng tạo, được hưởng thụ đời sống tinh thần văn minh, mang tới niềm vui và hạnh phúc còn bất cập… Trong điều kiện đó, báo chí cần bám sát thực tiễn cuộc sống người lao động, biểu dương những hình mẫu tốt, những doanh nhân quan tâm chăm lo đời sống văn hóa ở các doanh nghiệp. Không thể nói đến CNH, HĐH trong thời đại khoa học và công nghệ, thời đại sinh thái hóa lại thiếu những gương mặt các doanh nhân có phong cách làm việc, ứng xử văn hóa, hiểu biết nhu cầu văn hóa của con người, tạo nên giá trị mới trong cuộc sống. Báo chí không chỉ thông tin mà còn phải góp phần xây dựng niềm tin văn hóa doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, văn minh.
Nguyễn Thắng
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)
VHDN: Báo chí đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng chính là góp phần thiết thực vào việc cổ vũ, động viên các doanh nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, những người làm báo đã luôn khích lệ, […]