Sự kiện - chuyên đề:

Bảo tồn các nghề thủ công truyền thống ở Đắk Lắk trong quá trình hội nhập

VHDN: Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp ngày càng phát triển, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ hơn, số lượng lớn hơn. Mặt khác, người trẻ hiện nay cũng không còn quá mặn mà với nghề truyền thống nên những nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là tìm ra các giải pháp để bảo tồn và có hướng duy trì các nghề này.

 

Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong đó có các nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ như: Ê Đê, M’nông… Những ngành nghề thủ công truyền thống (TCTT) đã gắn bó ngàn đời với người dân các dân tộc M’nông, Gia Rai, Ê Đê… Đó không đơn thuần là những vật dụng mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, phong tục tập quán và tâm hồn, tâm linh của cư dân tại chỗ nơi đây.

Một số nghề TCTT còn duy trì được đến ngày nay có thể kể đến như nghề dệt thổ cẩm, nghề dệt chiếu, nấu rượu cần, mây tre đan, gốm thủ công, nghề mộc, điêu khắc tượng… Có thể kể đến một số nghề phổ biến hơn cả như dệt chiếu cói của người Ê Đê các vùng huyện Krông Ana, huyện Lắk… hay thành thương hiệu nổi tiếng như rượu cần Y Miên. Những sản phẩm này không chỉ là niềm tự hào của bà con các dân tộc nơi đây, làm nên bản sắc văn hóa của các dân tộc và của tỉnh mà còn góp phần mang lại thu nhập cho bà con.

Khai giảng lớp làm gốm cho bà con huyện Lắk.

Tuy nhiên, sản phẩm của TCTT không thể phong phú như sản phẩm công nghiệp, bởi làm mất nhiều thời gian. Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp ngày càng phát triển mẫu mã đẹp, giá thành rẻ hơn nhiều, số lượng lớn hơn. Mặt khác, người trẻ hiện nay cũng không còn quá mặn mà với nghề truyền thống nên những nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là tìm ra các giải pháp để bảo tồn và có hướng duy trì các nghề này. Một số giải pháp hiện nay cần được chú trọng như:

Tỉnh cần có chủ trương, kế hoạch tăng cường sự liên kết trong sản xuất và giữa khâu sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp với làng nghề và mở rộng các hình thức dịch vụ cho làng nghề, đồng thời tăng cường sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích giữa 3 nhà: nhà nghiên cứu khoa học với các nghệ nhân và nhà doanh nghiệp. Sự liên kết, phối hợp hiện đòi hỏi diễn ra 2 chiều giữa một bên là khối sản xuất và một bên là khối sáng chế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm. Trước mắt Đắk Lắk cần xúc tiến thành lập Qũy phát triển Ngành nghề nông thôn và thành lập trung tâm chuyên nghiên cứu mẫu mã, kiểu dáng chủng loại sản phẩm và chuyển giao công nghệ-môi trường về các làng nghề thủ công.

Liên kết, hợp tác với các hợp tác xã, làng nghề truyền thống của địa phương trong việc tổ chức các đợt trình diễn nghề tại khu vực trải nghiệm của Bảo tàng Đắk Lắk nhân các dịp lễ, Tết trong năm. Trong đó, chú trọng việc thực hành trải nghiệm cho du khách và giúp du khách tạo ra được các sản phẩm của chính họ, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk.

Gắn kết nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đều có những sản phẩm du lịch gắn với sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách, nhiều nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch trong tỉnh cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, gắn kết giá trị văn hóa truyền thống (như trang phục, không gian văn hóa của người bản địa, các món ẩm thực đặc sản Tây Nguyên) với các dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan, khám phá và nghỉ ngơi. Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh du lịch, du khách đến với Đắk Lắk, nhất là khách quốc tế rất thích thú với các sản phẩm như: dệt thổ cẩm, rượu cần…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp với các huyện tổ chức khai giảng lớp truyền dạy và thực hành nghề cho bà con dân tộc thiểu số tại địa bàn xã để động viên cho tất cả nghệ nhân truyền dạy lại cho các thế hệ, phối hợp vận động tất cả chị em tham gia lớp học để tiếp tục học hỏi từ các nghệ nhân nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy nghề.

Giáo dục niềm tự hào, sự yêu thích văn hóa truyền thống của chính thế hệ trẻ người dân tộc bản địa, từ đó khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà…

 

Nguyễn Văn Cuông

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2024)

08:50:13 09-06-2024

VHDN: Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp ngày càng phát triển, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ hơn, số lượng lớn hơn. Mặt khác, người trẻ hiện nay cũng không còn quá mặn mà với nghề truyền thống nên những nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, vấn đề cấp […]

Đối tác của chúng tôi