Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mỗi năm nước ta có khoảng 1,6 triệu trẻ sơ sinh ra đời, trong đó tỷ lệ trẻ bất thường chiếm khoảng 2%, cứ 100 trẻ sẽ có 2 trẻ có vấn đề về sức khoẻ hoặc tật nguyền ở mức độ hoà nhập cuộc sống kém, hoặc không thể hoà nhập được, thậm chí tử vong. Nếu không có sự can thiệp của sản khoa thì số trẻ sinh ra bị tật nguyền sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ khi làm chủ kỹ thuật can thiệp bào thai, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã điều trị một số dị tật bẩm sinh cho hàng nghìn thai nhi.
Hơn 4 năm qua, với kết quả triển khai kỹ thuật can thiệp trong buồng ối để “sửa chữa” thai nhi bị bệnh đã mang đến hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng tưởng chừng đã mất con, hoặc sinh con ra bị dị tật nay được chữa lành lặn. Trong 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mạnh dạn triển khai các kỹ thuật mới sửa chữa các tổn thương của bào thai như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi… Trong tương lai là kỷ nguyên ứng dụng liệu pháp tế bào gốc và gene để điều trị một số bệnh cho thai nhi. Hằng năm, Bệnh viện cũng đã thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo về Y học bào thai cho các bác sĩ không chỉ chuyên ngành sản phụ khoa mà cả những chuyên ngành liên quan đến y học bào thai trên toàn quốc. Ngoài ra, Bệnh viện cũng gửi các bác sĩ đi đào tạo tại Pháp để về triển khai những kỹ thuật mới nhất, khó nhất trong lĩnh vực can thiệp bào thai, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật mới tại Trung tâm Can thiệp bào thai, tăng cơ hội chữa bệnh cho thai nhi trong thời gian tới.
Các kỹ thuật can thiệp bào thai đã và đang giúp cứu sống được nhiều trẻ em và mang lại những giá trị lớn lao cho xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai can thiệp bào thai cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những thách thức đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình phẫu thuật. Can thiệp bào thai thường được thực hiện qua các thủ thuật, phẫu thuật qua ổ bụng vào trong buồng tử cung, vì vậy rủi ro của ca phẫu thuật sẽ rất cao, các thao tác sẽ tăng độ khó hơn đặc biệt là trong trường hợp của thai nhi chỉ mới 16-17 tuần tuổi. Ngoài ra, can thiệp bào thai còn đòi hỏi các bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâm sàng, cần phải kết hợp cả siêu âm và phẫu thuật nội soi trong buồng ối.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, lĩnh vực y học bào thai ngày càng được chú trọng. Cùng với sự phát triển của chuyên ngành Sản phụ khoa, Y học bào thai là một lĩnh vực không ngừng phát triển trên toàn thế giới nhằm đem lại cơ hội phát hiện, chăm sóc và cứu sống tốt nhất cho những thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối trong chỉ đạo tuyến lĩnh vực sản khoa, phụ trách toàn bộ tuyến sản của thành phố Hà Nội, 5 tỉnh phía Bắc và nhiều đơn vị khác trong cả nước đều gửi mẫu đến xin hội chẩn, hỗ trợ. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang nỗ lực tiếp cận những kỹ thuật chuyên sâu hàng đầu thế giới nhằm mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho sản phụ khoa Việt Nam.
Với mong muốn thúc đẩy lĩnh vực Y học Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trân trọng tổ chức Hội nghị Thường niên Y học Bào thai lần thứ I với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh: từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh” – một bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện cao và là thách thức không chỉ trong sàng lọc, chẩn đoán, can thiệp trước sinh mà còn trong các chiến lược phối hợp quản lý, hồi sức sau sinh với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành về Y học Bào thai trên thế giới và tại Việt Nam. Chương trình dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21,22/8/2023.
Thông tin đăng ký tham dự tại:
Ban tổ chức Hội nghị Thường niên Y học Bào thai lần thứ I.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, 929 đường La Thành, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
ĐT: 0243.7759.850
FAX: 0243.8343181
Email: vfm.support@hogh.vn
Thiên Quý
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)
VHDN: Trước đây, thai nhi mắc các hội chứng như truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng trong tử cung, song thai không tim, ứ nước bể thận, tràn dịch màng phổi, cạn ối, đa ối, thiếu máu bào thai…, đều dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật vĩnh […]