5 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW chính là giai đoạn cao điểm BHXH Hà Nội tập trung cho công tác cải cách hành chính. BHXH Thành phố đã kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị BHXH Việt Nam sửa đổi những thủ tục hành chính (TTHC) phù hợp với thực tế. Cụ thể: thay thế 4 TTHC thuộc lĩnh vực tham gia BHXH, bãi bỏ 1 thủ tục; thay thế 18 TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết và thanh toán chế độ BHXH, bãi bỏ 1 thủ tục so với giai đoạn trước năm 2019. Đặc biệt, từ ngày 9/4/2020, BHXH Hà Nội triển khai tính năng cho phép người tham gia nộp tiền đóng tiếp BHXH tự nguyện thông qua các ứng dụng (E-banking trên website và phần mềm trên thiết bị di động) hoặc tại quầy giao dịch của các ngân hàng.
Cùng với việc sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, BHXH Hà Nội đã chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có phẩm chất đạo đức tốt, tận tâm phục vụ Nhân dân. Từ năm 2018, BHXH TP.Hà Nội đã xây dựng và triển khai phần mềm “Đánh giá kết quả công việc của viên chức, người lao động (NLĐ) theo vị trí việc làm hàng tuần, tháng, quý”. Qua đó, đánh giá hiệu quả làm việc của viên chức, NLĐ dựa trên khối lượng, chất lượng công việc, đảm bảo khách quan, công bằng.
Từ năm 2020, việc triển khai ứng dụng “VssID- BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động đã trở thành dấu ấn quan trọng trong cải cách hành chính của toàn ngành BHXH. Hà Nội là địa phương triển khai ứng dụng VssID đầu tiên trong cả nước và hiện cũng có số người đăng ký sử dụng ứng dụng VssID lớn nhất cả nước. Tính đến hết tháng 4/2023, toàn thành phố có 3.724.860 người đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cài đặt ứng dụng VssID.
Thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử là giải pháp rất hiệu quả để hóa giải áp lực tình trạng số đơn vị, số người tham gia BHXH ngày càng lớn, số hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ BHXH ngày càng tăng trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, 99,8% đơn vị tham gia BHXH ở Hà Nội thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. 5 năm qua, BHXH Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 50.863.596 hồ sơ, bình quân mỗi năm tăng 10%; tỷ lệ hồ sơ chậm muộn luôn duy trì dưới 1%.
Trên thực tế, Hà Nội là địa phương có số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước; số đơn vị và đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách lớn, thường xuyên biến động, đối tượng thụ hưởng chế độ chính sách về BHXH rất đa dạng, là nơi có nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh… nghỉ hưu. 5 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, BHXH Hà Nội đã rất chú trọng cải tiến công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng sao cho vừa quản lý tốt đối tượng và nguồn tiền chi trả, vừa đảm bảo an toàn, đúng kỳ, đúng đối tượng. Nhiều năm qua, người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH ở Hà Nội luôn được chi trả trước ngày 10 hàng tháng với 2 hình thức: Qua hệ thống Bưu điện và qua tài khoản thẻ ATM (tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua ATM đạt 40,41%).
Theo lãnh đạo BHXH Hà Nội, những kết quả trên là “hành trang” quan trọng để BHXH Thành phố tiếp tục cải cách tổ chức thực hiện chính sách BHXH, tạo thuận lợi cho người dân. Qua đó, người dân sẽ tăng niềm tin của vào chế độ chính sách và tăng mức độ hài lòng đối với cơ quan tổ chức thực hiện.
Châu Anh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)
Sau 5 năm (2018 – 2023) thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, BHXH TP. Hà Nội đạt được nhiều kết quả, trong đó nổi bật là cải cách tổ chức thực hiện chính sách BHXH, […]