Với các biện pháp quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Thanh tra Thành phố, Sở LĐ-TB và XH, BHXH Thành phố, thời gian qua, công tác TTKT về thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở Hà Nội được tiến hành đồng bộ từ các quận, huyện tới Thành phố, đã đem lại kết quả đáng kể.
Các đoàn đã thực hiện 766 cuộc TTKT theo kế hoạch và 210 cuộc TTKT đột xuất. Sau thanh tra, kiểm tra, số tiền các đơn vị đã nộp để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 85,7 tỷ đồng (đạt 81,9%).
Đáng chú ý, qua công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra liên ngành, BHXH Thành phố, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND Thành phố xử phạt hành chính hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với 10 đơn vị, DN với số tiền 1.054.657.886 đồng.
Từ thực tiễn 5 tháng đầu năm, lãnh đạo BHXH Hà Nội nhận định, công tác TTKT chính là công cụ hữu hiệu để kiềm chế và kéo giảm tình trạng chậm đóng BHXH, đồng thời đảm bảo tiến độ công tác thu. Cụ thể, đến nay, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT toàn thành phố là: 5.838,7 tỷ đồng (bằng 8,26% số phải thu); trong đó, số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.944,9 tỷ đồng (bằng 2,75%). Trong khi, Hà Nội đã thu BHXH, BHYT đạt 25.912,2 tỷ đồng. Con số này tuy tăng 2.522,2 tỷ đồng (tương đương tăng 10,78%) so với cùng kỳ năm 2023, nhưng mới đạt 37% kế hoạch năm 2024.
Trước tình hình trên, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, nhất là chỉ tiêu thu và giảm chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế 5 tháng qua. Ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Giám đốc BHXH Thành phố yêu cầu các đơn vị cũng như cán bộ, viên chức, người lao động (NLĐ) thuộc BHXH Thành phố cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, lề lối làm việc, quản lý điều hành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, viên chức bám sát địa bàn, cập nhật nắm chắc thông tin những đơn vị, doanh nghiệp mình phụ trách để cùng tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu cao nhất là đôn đốc thu đúng, thu đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật, giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, không để phát sinh nợ mới và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NLĐ. Phấn đấu trong tháng 6/2024 thu 6.700 tỷ đồng, lũy kế số thu 6 tháng đạt 33.500 tỷ đồng; giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi dưới 2,65%.
Ông Phan Văn Mến cũng yêu cầu các đơn vị triển khai hiệu quả Nghị quyết số 03/2022/ NQ-HĐND, Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND; Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND. Thường xuyên rà soát cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Công tác tuyên truyền phải đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm…
Đồng thời, khai thác, phát huy hơn nữa công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; Tổ chức TTKT chuyên ngành; TTKT đột xuất và theo kế hoạch để phát hiện kịp thời những vi phạm, xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tham gia…
Châu Anh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2024)
VHDN: Chỉ tính trong tháng 5/2024, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Nội đã tiến hành 185 cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT); lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đã tiến hành 976 cuộc TTKT. Qua đó, thu hồi 85,7 tỷ đồng chậm đóng BHXH từ các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa […]