Sự kiện - chuyên đề:

BHXH Việt Nam: Phần tư thế kỷ xây dựng sự nghiệp an sinh xã hội

VHDN: Ngành BHXH đã có chặng đường phát triển 1/4 thế kỷ, liên tục có những điều chỉnh, thay đổi về chính sách cũng như những nhiệm vụ mới theo từng giai đoạn phát triển của đất nước với mục tiêu lớn nhất đặt ra là góp phần xây dựng sự nghiệp ASXH bền vững, trong đó BHXH, BHYT là những trụ cột chính.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Cờ Thi đua đơn vị xuất sắc cho BHXH Việt Nam.

25 năm với rất nhiều thành tích đáng khích lệ đã được ghi nhận. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng nhanh, ổn định, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia BHXH thì đến nay là trên 15,76 triệu người (tăng hơn 7 lần). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, có hơn 6.000 người tham gia thì đến nay đã có trên 570.000 người, tăng gần 100 lần. Số người tham gia BH thất nghiệp cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 13,4 triệu người. Đặc biệt, tỉ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, với trên 85,4 triệu người tham gia, tương ứng với tỉ lệ bao phủ gần 90% dân số.

Đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Gần 5 triệu lượt người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp; có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người KCB BHYT; riêng năm 2019 là 186 triệu lượt người.

Vị thế của ngành BHXH cũng được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà cả trong nhận thức của người dân. Vị thế ngành BHXH được ghi nhận từ số người tham gia vào hệ thống, ghi nhận từ tình cảm của nhiều NLĐ đã từng gửi gắm đến cơ quan BHXH qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Vị thế của ngành BHXH được nâng cao trong đánh giá của cộng đồng DN và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước. Nhiều bảng xếp hạng từ các tổ chức này đã ghi nhận nỗ lực của BHXH Việt Nam trong cải cách TTHC, ứng dụng CNTT…

Qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH Việt Nam đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đóng góp và mang lại những thành quả an sinh xã hội đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng, tôi yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững. Xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng CNTT, kết nối liên thông trong thực thi chính sách, để cho BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động, với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của NLĐ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017). Hiện nay, bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành BHXH được cắt giảm từ 263 xuống còn 27 thủ tục; thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện TTHC về BHXH, BHYT của các DN giảm còn 51 giờ/năm…

Trong hệ thống chính trị, sự quan tâm đặc biệt đến chính sách BHXH, BHYT thể hiện qua nhiều văn bản quan trọng trực tiếp chỉ đạo, điều chỉnh các chính sách này được ban hành. Đảng đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng về ASXH, đó là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020, và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH. Những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể tại các văn bản này, cũng như việc luật hóa việc thực hiện chính sách đã tạo ra cơ hội lớn để ngành BHXH bứt phá trong phát triển đối tượng tham gia và mở rộng diện bao phủ BHXH, đồng thời khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong việc đảm bảo ASXH quốc gia.

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra , ngành BHXH cần bám sát các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/ TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng về chính sách BHXH, BHYT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội. Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp cải cách TTHC trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng đội ngũ CCVC có trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.

PV

14:38:46 14-03-2020

VHDN: Ngành BHXH đã có chặng đường phát triển 1/4 thế kỷ, liên tục có những điều chỉnh, thay đổi về chính sách cũng như những nhiệm vụ mới theo từng giai đoạn phát triển của đất nước với mục tiêu lớn nhất đặt ra là góp phần xây dựng sự nghiệp ASXH bền vững, […]

Đối tác của chúng tôi