Sự kiện - chuyên đề:

Biến phế thải thành vật dụng hữu ích

VHDN: “Phế thải – “Vàng mười” đấy!”. Anh Giáp Ngọc Hùng (38 tuổi, ở thôn 10, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang) bảo với tôi như vậy khi chỉ tay vào đống phế thải đủ các loại chai lọ, xô, chậu… Từng tốt nghiệp Trường Đào tạo nghề cơ điện và hóa chất Bắc Giang, chuyên ngành hóa chất nhưng anh lại chọn ngã rẽ sang nghề sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà, tính đến nay đã tròn 10 năm.

Anh Hùng chăm chú bên “đồ nghề” với công đoạn lắp vỏ, tạo khung cho bếp bễ.

Với anh Hùng, công việc tái chế đặc biệt ở chỗ sử dụng những phế thải để tạo thành những vật dụng hữu ích cho con người. Trong đó, bếp bễ và bình phun thuốc trừ sâu là hai sản phẩm thông dụng nhất, gần gũi hơn cả với bà con nông dân.

Ưu điểm của hai sản phẩm trên cũng khác nhau. Đối với bếp bễ: Đó là loại bếp tiết kiệm thời gian đun nấu, phù hợp với các nguyên liệu đốt, như: Mùn cưa, gỗ, than, vật liệu tổng hợp… Đặc biệt với những nguyên liệu ẩm ướt (củi tươi) vẫn có thể đốt cháy bình thường. Đối với bình phun thuốc sâu, hiệu suất phun tưới đạt mức cao do dung tích của bình lớn và có thể tiết kiệm thời gian di chuyển của bà con trong quá trình phun tưới.

Anh Hùng thường tận dụng phế thải từ: Máy điện tử, tivi đen trắng, đầu đĩa cũ, bóng đèn huỳnh quang hỏng, các vật liệu máy in… để chế tạo thành những vật dụng khác nhau theo ý muốn. Tiện ích lớn nhất của những phế thải này không chỉ dừng lại ở việc giảm chi phí đầu vào mà còn tiết kiệm thời gian và không phải chế tạo lại cuộn biến thế.

Ngoài hai sản phẩm chính nói trên, tùy theo mục đích sử dụng của người dùng anh còn chế tạo ra các sản phẩm thân thiện khác như: máy tuốt lúa, máy quạt thóc, máy băm rau lợn, quạt thông gió… Những sản phẩm này đều được tạo ra từ chiếc máy bơm hỏng, đã qua sử dụng.

Đặc biệt với chiếc quạt thông gió có thể hút và thải toàn bộ không khí bị ô nhiễm do con người và nhiệt bức xạ nóng của thiết bị máy móc thông qua hệ thống dàn trao đổi nhiệt. Đồng thời, do được lắp đặt hệ thống quạt hút gió nên rất phù hợp với trẻ sơ sinh vì có thể điều chỉnh tốc độ to, nhỏ tùy ý. Hơn nữa ngoài việc chạy bằng điện lưới thông thường, khi mất điện sản phẩm này vẫn có thể chạy bằng ắc quy.

Anh luôn xem thành quả của mình là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” bởi hậu thuẫn bên anh luôn có vợ con. Cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn song anh chưa khi nào “sờn lòng, nhụt chí” trước công cuộc chế tác của mình.

Được biết ý nguyện của anh Hùng trong thời gian không xa là có thể gửi đề tài về chế tạo sản phẩm đồ điện gia dụng từ phế thải để tham dự trên kênh khoa học công nghệ VTV2 Đài THVN. Ngoài ra, anh muốn truyền lại nghề này cho những ai thật sự tâm huyết.

Ái Liên

10:18:16 11-11-2020

VHDN: “Phế thải – “Vàng mười” đấy!”. Anh Giáp Ngọc Hùng (38 tuổi, ở thôn 10, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang) bảo với tôi như vậy khi chỉ tay vào đống phế thải đủ các loại chai lọ, xô, chậu… Từng tốt nghiệp Trường Đào tạo nghề cơ điện và hóa chất Bắc […]

Đối tác của chúng tôi