Sự kiện - chuyên đề:

Bỏ phố lên rừng lập nghiệp ở tuổi 50

VHDN:Với ý chí dám nghĩ, dám làm không ngại khó, ngại khổ, ông bỏ phố lên rừng với quyết tâm thực hiện đam mê cháy bỏng của mình là chinh phục vùng đất cằn cỗi khi tuổi đã xế chiều. Ông chính là Nguyễn Viết Chiểu, “đại gia chân đất” làm giàu trên đất Mường.

Ông Nguyễn Viết Chiểu đang chăm sóc cây trong vườn.

Từ một công nhân của Viện Nghiên cứu Cơ khí những năm 80 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Viết Chiểu được cấp trên cử đi lao động và học tập tại Đức. Sau khi trở về nước những năm 90, ông đã đi rất nhiều nơi và nhận ra rằng đất đai của nước ta màu mỡ phì nhiêu và rộng lớn, chính điều đó đã thay đổi tư duy của ông. Sẵn có niềm đam mê về đất, với ý chí dám nghĩ, dám làm, ông vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình và bạn bè, ông quyết định rời phố lên rừng. Mảnh đất ông chọn làm nơi “lập nghiệp” nằm tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là một vùng núi thấp, địa hình tương đối phức tạp, chủ yếu là đồi núi. Với số vốn ít ỏi có trong tay, ông mạnh dạn mua 3,5ha đất rừng để khai hoang. Nhìn mảnh đất khô cằn pha trộn đá và cây rừng rậm rạp, ai cũng sẽ cảm thấy chán nản, nhưng với tinh thần khát khao và đam mê cháy bỏng, ông đã kiên trì lao động, cuốc xới và tỉ mỉ nhặt từng viên đá nhỏ bỏ vào bao tải còn những hòn đá to vương vãi ông vận chuyển đi nơi khác bằng xe cải tiến. Hành trình “giành giật” lại thổ nhưỡng của đất mà người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi vốn có dáng người phốp pháp sau bao nhiêu năm tháng vất vả, gian nan đã gầy xọp đi nhưng đôi mắt vẫn ánh lên tinh thần luôn lạc quan. Cải tạo đất xong, ông lại suy tính việc tiếp theo là trồng cây gì cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng này. Ông bắt tay vào trồng thử nghiệm các loại cây như: tre bát bộ, cam Canh, cam Vinh, nhãn, bưởi Diễn, mít, hồng xiêm… sau một thời gian theo dõi sự phát triển của các loại cây, ông nhận ra cây bưởi Diễn rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên ông đã tập trung đầu tư phát triển chuyên sâu về loại cây này.

Sau bao năm vất vả, lăn lộn, phải trả giá bằng cả máu và nước mắt, những loại cây ông trồng đã vươn mình xanh tốt. Ông xúc động chia sẻ: “Vất vả nhất là giai đoạn chọn lựa giống cây nào cho phù hợp, mình vốn ít phải tính trồng các loại cây lấy ngắn nuôi dài. Có những đêm nằm trằn trọc không ngủ được, tuổi mình đã ngoài 50 rồi không biết sự lựa chọn con đường mình đi có đúng không ?” Ông đã đặt ra nhiều câu hỏi với bản thân mình, nhưng kinh nghiệm sống và quyết tâm vì niềm đam mê với đất không cho ông nản chí. Nhìn những mầm cây xanh mướt ông lại tự dặn lòng mình phải cố gắng vững tâm, một ngày không xa những chồi non đó sẽ đơm hoa kết trái báo đáp lại những vất vả của ông.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sau 10 năm vun vén chăm sóc, cây đã cho những trái ngọt đầu tiên. Với 2,5 ha diện tích bưởi Diễn xum xuê quả, 100 gốc mít thái, 50 gốc hồng xiêm trên diện tích gần 1ha cho thu nhập 400 triệu/năm. Những năm gần đây, ông tận dụng trồng xen canh dưới tán cây ăn quả, quanh bờ rào những cây dược liệu có giá trị về y học cao như: giảo cổ lam, bồ công anh, bông mã đề và xạ đen… cũng cho thu nhập gần 100 triệu mỗi năm. Hiện tại, vườn cây ăn quả với diện tích gần 3,5ha cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều khi ông nói vui “Tôi năm nay ngoài 70 tuổi rồi mới đến ngưỡng cửa đại gia”.

Để được như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến người phụ nữ bên cạnh ông, đã đồng hành và chia sẻ những đắng cay ngọt bùi cùng ông ngay từ những năm tháng đầu khai hoang phục hóa đó là bà Nguyễn Thị Thanh – người vợ hiền tần tảo sớm hôm chăm lo cho ông, là động lực lớn để ông có cơ nghiệp như ngày hôm nay. Bà Thanh vốn người vùng này được ông thuê làm cỏ cho cây, thấy ông vất vả, thương ông một mình ăn uống thất thường bà đã ngỏ ý giúp đỡ và bén duyên với ông từ đó. Bà Thanh tâm sự: “Những năm tháng đầu vất vả tự làm tự bươn chải ăn mì tôm cân, làm không giờ giấc. Đôi tay chai sạn, đôi chân bị trầy xước chỉ hai vợ chồng già nơi hoang vắng nương tựa, chăm sóc, động viên nhau. Sức trẻ khởi nghiệp người ta chỉ cần bỏ ra 100% sức lực để biến không thể thành có thể, còn ông nhà tôi tuổi đã ngoài 50 phải bỏ sức lực gấp đôi mới có ngày hôm nay”. Ông tiếp lời: “Hai mươi năm nếm mật nằm gai, nhìn lại tôi thấy tự hào về bản thân mình, thật là một kỳ tích. Hiện tại, tôi đang tạo việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 40 triệu đồng/người/năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động mùa vụ góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”.

Ông Nguyễn Viết Chiểu bên cạnh người vợ hiền.

Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ gia đình khác trong thôn, xã về vốn, cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông đã giúp đỡ được rất nhiều hộ gia đình khác trong thôn thoát nghèo và nay đang vươn lên thành hộ khá, giàu trong thôn.

Nụ cười hiền hậu, đôi mắt sáng ngời của ông làm ấm lòng những người trẻ như tôi. Đối với tôi, được viết về ông – một đại gia thực thụ hội tụ được cả Tâm – Đức – Tài – Trí là một kỷ niệm đẹp. Ông là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đương đầu thử thách, vượt qua khó khăn vất vả, tự lập tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam.

Ngọc Lân

10:47:42 10-05-2021

VHDN:Với ý chí dám nghĩ, dám làm không ngại khó, ngại khổ, ông bỏ phố lên rừng với quyết tâm thực hiện đam mê cháy bỏng của mình là chinh phục vùng đất cằn cỗi khi tuổi đã xế chiều. Ông chính là Nguyễn Viết Chiểu, “đại gia chân đất” làm giàu trên đất Mường. […]

Đối tác của chúng tôi