Sự kiện - chuyên đề:

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Cần quan tâm đầu tư an sinh xã hội vùng miền núi

Sáng 22/12, Hội thảo triển khai thực hiện chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn 3 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh đã diễn ra tại Thanh Hóa.

Cần tăng cường giải pháp 

Chương trình Hội thảo do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban dân tộc, Hội đồng dân tộc và Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trong triển khai công tác giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện thụ hưởng sớm cho các xã, thôn, các gia đình, người dân tộc thiểu số (DTTS), người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Bên cạnh đó, cần phải đưa ra được giải pháp giải quyết vấn đề về nhà ở, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt những nơi ảnh hưởng thiên tai, sạt lở đất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo hội thảo.

Bà Tòng Thị Phóng đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến về giải pháp thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em, chống bạo lực gia đình, đầu tư phát triển nhóm.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có các nhóm tộc người Ê đu, Đan lai, Khơ mú cần khảo sát điểm, xây dựng mục tiêu phát triển, bảo tồn nòi giống. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị thảo luận biện pháp đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm.

Cũng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS giai đoạn 2020-2030. Cụ thể: Phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; trên 85 % số xã có thôn vùng đồng bằng DTTS có đủ cơ sở hạ tầng, 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần quan tâm đầu tư an sinh xã hội vùng miền núi - 2

Đến năm 2030, khoảng 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề công nghiệp; phấn đấu 80% số hộ dân người DTTS làm kinh tế Nông – Lâm nghiệp, hàng hóa; xóa tình trạng nhà tạm, dột nát…

Ông Nguyễn Lâm Thành cũng đưa ra nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc cần làm để đạt được những mục tiêu trên như: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các thôn, xã khó khăn; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách Nhà nước là quan trọng nhất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện…

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các vấn đề an sinh xã hội cần quan tâm trong giai đoạn 2021-2030, như: Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, bảo đảm quyền con người; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng.

“Đồng thời, phát triển an sinh cần chú trọng tới chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; thực hiện giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều, bền vững nhất là khu vực đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần quan tâm đầu tư an sinh xã hội vùng miền núi - 3
Toàn cảnh hội thảo.

Tại buổi hội thảo, các Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT; Bộ Y tế, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng tham gia những ý kiến đóng góp cho dự kiến kế hoạch triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2020-2030.

“Tăng trưởng kinh tế là chìa khóa thoát nghèo”

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, giảm nghèo luôn là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm và luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, phong trào chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần quan tâm đầu tư an sinh xã hội vùng miền núi - 4
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội thảo

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2016-2020, cả nước đã đạt được kết quả nổi bật, cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 2%/năm; giai đoạn 2016-2020, đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 còn 3,75% vào cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo.

Việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều đã tác động tích cực, toàn diện đối với người nghèo: Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 2,3 lần; hàng triệu con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, học bổng…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, biểu dương trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có nhiều phấn đấu, đạt được thành tích đáng khen ngợi trong lĩnh vực giảm nghèo, thực hiện các chính sách dân tộc và xây dựng nông thôn mới.

Cả 3 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đề ra trong thời gian qua, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước giai đoạn 2016-2020 (1,47%/năm); nhiều xã, huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần quan tâm đầu tư an sinh xã hội vùng miền núi - 5
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà học bổng tới trẻ em nghèo vượt khó của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,51% năm 2015 xuống còn khoảng 2,3% năm 2020, bình quân giảm 2,8%/năm. Nghệ An: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,1% năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% năm 2020, bình quân giảm 2,2%/năm. Tỉnh Hà Tĩnh: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% năm 2015 xuống còn 3,5% năm 2020, bình quân giảm 1,97%/năm…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác giảm nghèo còn những hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là đồng bào DTTS và khu vực miền núi…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiệm vụ triển khai thời gian tới, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy hoạch về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Qua đó rà soát, ban hành đồng bộ các chính sách về khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi khi tham gia học nghề, khởi nghiệp, tìm kiếm tạo việc làm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư, thực hiện chính sách hỗ trợ. Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm: “Cần quan tâm đầu tư hạ tầng “cứng”: Giao thông, điện…Nhưng quan trọng hơn là đầu tư hạ tầng “mềm”, chính là dân sinh, dân trí và dân khí. Bên cạnh đó cần quan tâm nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Quy hoạch lại dân cư, xây dựng triển khai bản đồ chi tiết cảnh báo tai nạn, rủi ro, sạt lở đất, bão lũ… để di dân; tập trung phát triển bao trùm và bền vững”.

Ở đó bao gồm 3 vấn đề là kỹ năng lao động, việc làm, quan tâm an sinh bền vững, trên cơ sở của 2 trụ cột đó là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã trao học bổng tới trẻ em nghèo vượt khó ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỗi tỉnh nhận 300 suất học bổng có trị giá 900 triệu đồng.

Theo dantri

09:08:35 23-12-2020

Sáng 22/12, Hội thảo triển khai thực hiện chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn 3 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh đã diễn ra tại Thanh Hóa. Cần tăng cường giải pháp  Chương trình Hội thảo do Ủy ban các […]

Đối tác của chúng tôi