Trải qua 15 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn cả nước nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng, được cả hệ thống chính trị vào cuộc và đông đảo Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Đến nay, toàn huyện bình quân số tiêu chí đạt được là 17,86 tiêu chí/xã; có 29/37 xã đạt chuẩn NTM, 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã (xã Thanh Lĩnh) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về Giáo dục năm 2023; có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP (trong đó có 32 sản phẩm đạt 3 sao, 02 sản phẩm đạt 4 sao OCOP); xây dựng thành công được nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như cam, chè, bí xanh, khoai tây, ngô ngọt…
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024 Thanh Chương sẽ có 35/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại xã Thanh Xuân: Từ thực tế đặc điểm địa bàn của xã, Đảng ủy đã xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác và phát triển kinh tế trang trại. Thanh Xuân quyết tâm chỉ đạo có hướng đi mới, đưa sản xuất cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế có thu nhập kinh tế và mang tính hàng hóa, đưa cây bí xanh vào sản xuất và từng bước triển khai trên diện rộng, chỉ đạo quy hoạch đưa vào trồng các loại cây công nghiệp như chè, cam, bưởi… phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu hút các nhà máy, để phát huy tốt những thế mạnh của địa phương.
Hiện Thanh Xuân có nhiều mô hình có thu nhập trên 100 triệu đến 2 tỷ đồng/ năm như: mô hình nuôi hươu lấy nhung và sinh sản của hộ ông Nguyễn Quang Huấn, xóm Kim Sơn cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ năm; mô hình trồng bí xanh của ông Nguyễn Quang Hà, ở xóm Ngũ Cẩm, cho thu nhập từ 400-600 triệu/năm; mô hình mộc dân dụng của anh Nguyễn Văn Học, xóm Kim Sơn từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ năm. Phát huy ưu thế vùng địa hình đồi núi, xã tiếp tục chỉ đạo phát triển đàn gà đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao, thương hiệu gà Thanh Chương và mô hình nuôi dê cái sinh sản…
Xã Thanh Hương là xã thuần nông, những năm qua, địa phương đã tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, xây dựng mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, liên kết sản xuất và kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, Thanh Hương đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả; trong đó, điển hình là mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ anh Ngô Trí Long; anh Nguyễn Văn Thu; anh Ngô Trí Minh; Ngô Trí Khai…
Xã Thanh Liên tự hào là địa phương có nhiều mô hình, sản phẩm được người tiêu dùng trong nước biết đến, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014 của tỉnh Nghệ An như: sản phẩm của Làng nghề hương trầm Liên Đức. Hiện tại, làng nghề hương trầm đã trực tiếp giải quyết cho 20 lao động tại cơ sở chính và hơn 35 hộ gia đình trong làng với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của làng nghề đạt chất lượng OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Thanh Chương.
Theo Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Phan Bá Ngọc, sau 70 năm thành lập, được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh trao tặng, bên cạnh sức mạnh của Nhân dân trong xã, thì cấp ủy, chính quyền đã huy động được trí tuệ, sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cốt cán đương chức và nghỉ hưu trên địa bàn cùng con em xa quê trên các vùng, miền luôn hướng về đóng góp xây dựng quê hương.
Thanh Lâm là xã vừa nằm xa trung tâm huyện lỵ, còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính cái khó đã giúp Thanh Lâm có nhiều sáng tạo, kiên quyết trong điều hành, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, Thanh Lâm đã có bước đột phá trong phát triển kinh tế. Điển hình là mô hình “Nuôi gà công nghệ cao” được khởi công xây dựng từ tháng 3/2024 do 10 hộ nông dân liên kết với Tập đoàn Greenfeed triển khai thực hiện với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp. Mô hình có tổng diện tích chuồng trại hơn 1.500m, công suất thiết kế 10.000 con/ lứa, Sau hơn 3 tháng xây dựng, đến nay hệ thống chuồng trại, trang thiết bị đã hoàn thiện và đưa vào vận hành. Toàn bộ quy trình chăn nuôi được thực hiện khép kín và ứng dụng công nghệ hiện đại. Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương giải ngân cho vay nguồn vốn 1 tỷ đồng để thực hiện dự án này. Nguồn vốn này sẽ giúp hội viên nông dân của xã Thanh Lâm có thêm động lực và trách nhiệm trong quá trình đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thanh Mai: Nổi bật với mô hình sản xuất chè hữu cơ. Hội Nông dân huyện Thanh Chương liên kết phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.
Thanh Yên cũng là một trong số các địa phương trở thành điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật. Đặc biệt, tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao với nhiều đột phá tích cực; tổng nguồn lực huy động để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt 54,384 tỷ đồng.
Xây dựng bê tông hóa đường giao thông với tổng kinh phí 14,19 tỷ đồng. Xây mới mương Dung Danh, mương Trạm treo Quang Đình, mương Thì Luồng Hồng Bình, mương khu dân cư Hồng Bình, mương khu dân cư Mỹ Sơn. Đồng thời vận động xã hội hóa xây mới Nghĩa trang Liệt sỹ, Trạm Y tế và một số công trình nhỏ khác.
Lâm Oanh – Ngọc Lân
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2024)
VHDN: Xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc. Với phương châm “Quyết liệt chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả rõ nét”, với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, […]