Sự kiện - chuyên đề:

Buôn Ma Thuột sau 48 năm giải phóng

VHDN: Cách đây 48 năm (10 -3 -1975), chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu với chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó, cùng với cả nước, Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng từng bước vượt qua nhiều khó khăn, bước vào hành trình dựng xây quê hương đổi mới và phát triển.

Buôn Ma Thuột là thành phố của tỉnh Đắk Lắk, thành phố có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh của tỉnh và khu vực Tây Nguyên; diện tích tự nhiên 377,18km2, chiếm gần 3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; dân số khoảng hơn 330.000 người gồm 31 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Êđê chiếm 11,1%. Sau ngày được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột đã đồng sức, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khó, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để xây dựng TP. Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển. Ghi nhận và khẳng định những thành tích rất đáng tự hào đó, Trung ương đã công nhận thị xã Buôn Ma Thuột trở thành TP. Buôn Ma Thuột và là đô thị loại III vào năm 1995, đô thị loại II vào năm 2005, đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010. TP Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm, chiến lược quan trọng, vì thế, ngày 27-11-2009 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020.

Nhờ ở vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Nguyên, với nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi, là vùng đất bazan màu mỡ trù phú bậc nhất Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột có nhiều loại trái cây, rau củ, quả và hạt tiêu, hạt điều, cây cao su. Đặc biệt, cà phê Buôn Mê là sản phẩm đã nổi tiếng từ lâu, chiếm lĩnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và chất lượng cà phê có hương vị đậm đà và thơm ngon. Bên cạnh đó, hạ tầng, giao thông, kinh tế, y tế, văn hoá… cũng có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt, như đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên… Hiện nay, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài 117,5 km với tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng đang bước vào quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2026, có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối Đắk Lắk và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần không nhỏ vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố và tỉnh. Về sản xuất công nghiệp, thành phố đã hình thành cụm công nghiệp Tân An với 84 dự án đăng kí đầu tư, đến nay có 63 dự án đi vào hoạt động. Các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển mới. Riêng lĩnh vực văn hóa, thành phố đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các chương trình lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phục dựng nhằm phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên theo tinh thần của Kết luận số 60.

Hoạt động văn hoá không thể không nhắc đến chính là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Từ năm 2005, thành phố kết hợp cùng Công ty cà phê Trung Nguyên đã tổ chức lễ hội cà phê định kỳ hai năm một lần và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này. Bên cạnh các hoạt động trao đổi về quy trình, cách thức, sản xuất, chế biến cà phê, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Ở đây, có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội chợ – triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt, hội thi pha chế cà phê, hành trình du lịch cà phê,… Lễ hội cà phê Buôn Ma thuột lần thứ tám được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2023). Ngoài các hoạt động quảng bá, tôn vinh sự kiện sẽ còn có Lễ hội đường phố; Hội thi nhà nông đua tài; Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản; Lễ hội ánh sáng; Ngày hội cà phê miễn phí… và đặc biệt là Hội voi Buôn Đôn; Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk; du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mới.

Ngày 24-12-2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ công bố TP Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, diện mạo nông thôn của TP Buôn Ma Thuột có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, thu nhập của Nhân dân được nâng cao, các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa không ngừng được gìn giữ và phát triển, chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện, an ninh trật tự được đảm bảo, người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần… Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 96,3 triệu đồng, tăng 39,3 triệu đồng so với năm 2015.

Để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/ TW “về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tin rằng, với quy hoạch hợp lí, sự đầu tư kịp thời của Trung ương và các cấp, sự nỗ lực của Nhân dân, thành phố sẽ sớm trở thành trung tâm của Tây Nguyên.

Nguyễn Văn Cuông

14:09:28 10-03-2023

VHDN: Cách đây 48 năm (10 -3 -1975), chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu với chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó, cùng với cả nước, Đắk Lắk nói chung và […]

Đối tác của chúng tôi