Dự kiến hôm nay, 12-6, Tổng cục Du lịch làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an, trên cơ sở đó sẽ có đề xuất cụ thể về cách thức mở cửa du lịch.

Đề xuất bay thẳng, nghỉ dưỡng ở khu khép kín

Trong ngày 11-6, theo thông tin từ Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi các đại lý, hãng có thể mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 1-7 đến các thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia. Các đường bay khu vực Đông Nam Á có tần suất bay tăng so với Hàn Quốc, Đài Loan…

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp du lịch; xây dựng để kịp thời triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; điều chỉnh giải pháp về truyền thông, quảng bá du lịch phù hợp với tình hình mới; chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tổng cục Du lịch đang xây dựng các kịch bản để đón khách quốc tế khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Nếu dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường trọng điểm, tổng cục sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng hạn chế, khởi động lại việc quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về kiểm soát y tế. Khu vực ASEAN và Ðông – Bắc Á có thể là những thị trường cần tập trung thu hút trước tiên. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm lại phải tính đến phương án khác bởi thực tế tình hình dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cụ thể. TAB nhấn mạnh Việt Nam cần đi trước một bước hoặc ít nhất là ngang bằng về thời điểm so với những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Trước hết, Việt Nam cần có 1 bộ thủ tục mở lại thị trường gồm các tiêu chí: Mở lại các đường bay và bảo đảm chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (do vậy có thể cần thiết cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ); miễn visa du lịch; yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế và đo thân nhiệt; thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam; các biện pháp bảo đảm an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn; thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.

Khi mở cửa với mỗi thị trường, Việt Nam cần chắc chắn thị trường đó đã đạt được những tiêu chí đáng tin cậy để bảo đảm an toàn cho người dân trong nước. Việt Nam cần đàm phán trước hết với các quốc gia châu Á, khu vực châu Đại Dương. Một giải pháp nữa được TAB đưa ra là xem xét và mời chào các khu nghỉ dưỡng trọn gói, biệt lập, an toàn, thỏa mãn các tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng. Liên quan đến bước đi trên, cần sẵn sàng thực hiện một chương trình quảng bá định vị Việt Nam như một “thiên đường an toàn”.

Du khách tham quan thủ đô Hà Nội trước dịch Covid-19. Ảnh: YẾN ANH

Cần sự đồng thuận của người dân

Ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Dolphin Tour, cho rằng cần nắm bắt cơ hội đi trước thế giới một bước trong mở cửa du lịch nhưng không nên nóng vội. Chỉ mở cửa cho các thị trường không có người nào nhiễm bệnh trong vòng 30 ngày qua, có biện pháp tránh dịch quay trở lại; phải nằm trong số những quốc gia đã thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, có đường dây nóng để xử lý những phát sinh trong quá trình đi lại của công dân 2 nước, xử lý các sự vụ phát sinh dựa trên quan điểm tôn trọng quan hệ song phương, không kỳ thị. Người dân các nước mở cửa cũng phải được tuyên truyền đầy đủ, có ý thức tốt và cam kết thực hiện nghĩa vụ cách ly (nếu có) của nước sở tại.

Theo ông Ngô Minh Thiện, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi, phải tính đến tâm lý lo lắng của người dân khi khách nước ngoài có thể mang theo mầm bệnh khó xác định. Để tránh việc người dân kỳ thị khách nước ngoài, nên có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ cũng như tuyên truyền rộng rãi.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho hay từ giữa tháng 5-2020, công ty đã bắt đầu làm việc với đối tác để tính chuyện đón khách quốc tế trở lại.

“Cả doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài đều chuẩn bị cho mùa phục vụ khách quốc tế năm sau, từ khoảng tháng 3-2021. Riêng về sản phẩm, công ty đang làm mới những sản phẩm hiện có” – ông Dũng phân tích.

Mới đây, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã ca ngợi điểm đến Việt Nam sau thành công trong khống chế dịch Covid-19. Thậm chí, một số quốc gia còn khuyến khích nếu đi du lịch có thể chọn Việt Nam. Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, những yếu tố trên góp phần tạo thuận lợi rất lớn trong thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề chính là mức độ mở cửa như thế nào, khi Việt Nam an toàn nhưng các nước xung quanh vẫn còn diễn biến phức tạp từ dịch.

“Chúng ta chỉ thu hút khách quốc tế khi đã thật sự bảo đảm an toàn. Với quy định khách từ nước ngoài vào Việt Nam phải cách ly sau khi nhập cảnh 14 ngày như hiện nay thì cũng rất khó đón khách du lịch tới” – ông Duy nói.

Để tận dụng cơ hội “vàng” quảng bá, xúc tiến với khách quốc tế, các doanh nghiệp cho rằng cách tốt nhất là truyền thông liên tục thông tin về tình hình du lịch ở Việt Nam, người dân đi du lịch bình thường… là minh chứng rõ ràng nhất tạo niềm tin về sự an toàn cho khách quốc tế khi tới Việt Nam du lịch.