Sự kiện - chuyên đề:

Các nhà băng đã có “bước tiến thần tốc” xử lý nợ xấu?

Dường như việc xử lý nợ xấu của các TCTD đã có bước chuyển mang tính thần tốc trong quý 4/2018 khi đối chiếu tỷ lệ nợ xấu được báo cáo cuối năm 2018 với con số nợ xấu theo BCTC quý 3 của các nhà băng.

Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Chia sẻ về Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu sau hơn 1 năm triển khai Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp từng bước được kiện toàn, ngăn ngừa xung đột lợi ích; tình trạng sở hữu chéo được giảm thiểu.

“Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017”, bà Hồng thông tin.

Tuy nhiên, trước đó tại Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng thông tin, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017 là 2,5%).

Mặc dù các con số về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD là không đồng nhất, song tựu chung lại đều cho thấy bức tranh nợ xấu đã được cải thiện tích cực. Điều này trái ngược hẳn với nỗi lo nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trở lại sau khi báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng được công bố.

Theo các báo cáo này, không những nợ xấu tại các nhà băng đang tăng lên mà chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng rất mạnh. Đơn cử, chỉ tính riêng 3 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, số dư nợ xấu tuyệt đối đã tăng thêm 7.309 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể với Vietcombank, tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) của ngân hàng này là 7.424 tỷ đồng, tức tăng tới 1.215 tỷ đồng so với cuối năm trước; nợ xấu của BIDV cũng tăng thêm 2.978 tỷ đồng lên 17.042 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm; Vietinbank cũng không ngoại lệ khi mà 9 tháng đầu năm nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng thêm tới 3.116 tỷ đồng lên 12.127 tỷ đồng.

Nợ xấu của khối ngân hàng TMCP cũng tăng khá mạnh. Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến VPBank khi mà trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng này cũng tăng từ 3,39% lên 4,7%. Nợ xấu của VIB tăng 285 tỷ đồng lên 2.272 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 132 tỷ đồng lên 2002 tỷ đồng…

Còn nhớ tại thời điểm đó, có không ít ý kiến lý giải, việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nhanh là do các nhà băng chủ động mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý thông qua việc bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thu hồi nợ; hoặc xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro.

Hiện chưa có ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính năm 2018, song chiểu theo con số mà Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã công bố có thể hiểu, trong quý cuối năm 2018, các ngân hàng đã có một “bước tiến thần tốc” trong công tác xử lý nợ xấu, và ngành ngân hàng đã về đích trước hạn so với yêu cầu mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đặt ra là phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.

 Moody’s mới đây đã hạ triển vọng 12-18 tháng tới của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tích cực” xuống “ổn định”. Theo cơ quan này, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong vài năm gần đây có thể dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản khi các khoản nợ mới tới hạn.

Theo enternews

22:02:41 09-01-2019

Dường như việc xử lý nợ xấu của các TCTD đã có bước chuyển mang tính thần tốc trong quý 4/2018 khi đối chiếu tỷ lệ nợ xấu được báo cáo cuối năm 2018 với con số nợ xấu theo BCTC quý 3 của các nhà băng. Chia sẻ về Công tác tái cơ cấu […]

Đối tác của chúng tôi