Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Đề xuất chi hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hóa
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, chương trình được thời gian thực hiện trong 11 năm. Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng và giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Nguyễn Đắc Vinh đề nghị xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Ngoài ra, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc về khả năng đạt được các mục tiêu này”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.
Chưa ổn và quá muộn
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quốc gia, tập trung những thứ mà từng bộ, từng ngành, từng địa phương không làm được, phải có quốc gia làm. Theo ông nên tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa.
Theo tinh thần nay, Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất nên giảm bớt vấn đề xây dựng. “Tiền bỏ ra xây không biết bao nhiêu cho đủ. Xây xong không phát huy hiệu quả thì không nên xây. Bảo tồn, bảo tàng, di tích thì cần tôn tạo, nhưng xây thêm, xây hoành tráng ra, rồi bỏ không đấy.”
Đi vào cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc bố trí vốn của năm 2025 vì khi Quốc hội thông qua chương trình đã là thời điểm tháng 11/2024. “Bố trí vốn được không và có tiêu được không?”
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, chương trình xác định giai đoạn 1 của chương trình (2026-2030) tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua “là chưa ổn, đề nghị phải có bước đột phá phát triển. Trong khi đó giai đoạn 2 thuộc kỳ trung hạn lại muộn quá”.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, thực tế cho thấy khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt chương trình mục tiêu quốc gia trước đây là rất khó khăn.
Ông Mạnh dẫn chứng thêm: Giai đoạn 2012 – 2015 chương trình mục tiêu 7.968 tỷ đồng, “thực tế chỉ thực hiện được 1.786 tỷ đồng”. Giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến 10.620 tỷ đồng, “nhưng thực tế bố trí được 2.700 tỷ đồng”.
“Đây là lý do chúng tôi quan ngại khi quy mô vốn lớn, trong khi thực tiễn không giải ngân được”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu quan điểm.
Nguồn: Báo Công lý
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc bố trí vốn của năm 2025, vì khi Quốc hội thông qua chương trình đã là thời điểm tháng 11/2024. Liệu “bố trí vốn được không và có tiêu được không?”. Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, sáng […]