Sự kiện - chuyên đề:

Câu hỏi lớn mà Thủ tướng đặt ra cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra một câu hỏi lớn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã để có thể đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như nhiều chủ trương, chính sách phát triển khu vực kinh tế này. Theo Thủ tướng, trên thế giới, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là hợp tác xã, là mô hình kinh tế phổ biến, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.

Vậy, “Câu hỏi đặt ra là ở nước ta, phải làm sao thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 – kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao?”, Thủ tướng nêu.

Để trả lời cho câu hỏi này, thời gian qua, Thủ tướng nhận thấy tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã…

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Đại hội sáng 22/12.

Vì vậy, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh hợp tác xã các cấp, với chức năng là tổ chức đại diện cho hơn 8,1 triệu thành viên và hơn 30 triệu người lao động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cần thiết của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.

“Đây là khâu quan trọng, các cơ chế, chính sách, pháp luật phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về khu vực quan trọng này, nhất là vấn đề vốn, đất đai và đào tạo con người”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng tham quan Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Ngoài ra, cần tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trong quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; từng bước quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh và thích nghi với thay đổi của thị trường; đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị hợp tác xã.

“Đặc biệt là người đứng đầu hợp tác xã không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân, mà còn phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng. Hợp tác xã kiểu mới là một thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thu hút thành viên, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương. Xây dựng qui hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, vùng, địa phương gắn với doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, hệ thống Logistics và siêu thị.

 Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Không những thế, phải tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, kinh nghiệm, khoa học và công nghệ từ các tổ chức quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hợp tác quốc tế toàn diện, mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm, kêu gọi, mở rộng đối tác và khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế phục vụ việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Thủ tướng tin tưởng rằng trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và vai trò quản lý, định hướng, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển của Nhà nước, với việc phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ và đột phá, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây đề ra.

Theo PLVN

Chia sẻ
14:11:43 22-12-2020

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra một câu hỏi lớn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi