Sự kiện - chuyên đề:

Chỗ dựa của người lao động

VHDN: Trong câu chuyện với tôi về chính sách BHXH, BHYT, thỉnh thoảng chị Nguyễn Thị Thu Hạnh lại nhắc: “Đóng BHXH để khi về già không trở thành gánh nặng cho con, cháu”. Đó như một phương châm sống mà cô chủ cửa hàng tạp hóa luôn tâm niệm.

Cán bộ BHXH đến tận nơi sản xuất để tuyên truyền cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Tấm lòng nhân hậu

Sau khi học xong phổ thông ở quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, Nguyễn Thị Thu Hạnh đi làm nghề tự do. Tuổi trẻ thích trải nghiệm, năm 2010, cô vào Đà Nẵng làm việc cho một Công ty, có tham gia BHXH, BHYT đầy đủ. 7 năm sau, cô quyết định nghỉ việc, quay ra Hà Nội. Nghĩ chẳng đi làm Công ty nữa, nên sau đó cô quyết định rút BHXH một lần, nhận về khoản tiền hơn 40 triệu. “Ngày ấy, cũng chỉ nghĩ đơn giản, không làm nữa thì rút tiền về, để làm gì sẽ tính sau. Lúc đó, cũng chưa hiểu rõ chính sách BHXH quan trọng, cần thiết thế nào, cũng chưa biết tham gia BHXH sẽ được hưởng những quyền lợi ra sao…” – Hạnh bộc bạch.

Quay ra Hà Nội chưa biết kiếm việc gì làm, nhưng đang có hơn 4 chục triệu trong tay, cô mạnh dạn chung vốn cùng một người bạn thuê cửa hàng nhỏ bán Tạp hóa. Với trải nghiệm lần này, công việc buôn bán khá hợp duyên, suôn sẻ. Giờ đây công việc của cô chủ yếu là điều hành, quản lý.

“Một lần, tình cờ có bà chị làm cơ quan nhà nước hỏi: Có BHXH, BHYT chưa? Khi biết em chưa tham gia, chị ấy phân tích thiệt hơn và khuyên nên tham gia, vừa để bảo vệ sức khỏe, vừa chủ động được cuộc sống, nhất là lúc về già. Từ năm 2020, em chọn mức đóng BHXH tự nguyện hơn 1 triệu đồng/tháng, chuyển khoản vào tài khoản thu của BHXH quận Hai Bà Trưng, cũng thấy nhanh và thuận tiện” – Hạnh chia sẻ.

Hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết và ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, đã nhiều năm qua cô không những tham gia BHXH, BHYT tự nguyện cho mình, mà hằng năm còn mua thẻ BHYT biếu tặng bố mẹ mình. Cô kể: Năm ấy, mẹ cô không may bị chấn thương sọ não phải vào Bệnh viện Quân y Trung ương 108 điều trị gần 3 tháng. Rất may có thẻ BHYT, được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí, nên gia đình cô đã đỡ được “gánh nặng” khoảng 300 triệu đồng trong lúc khó khăn.

Từ những trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống, cô chủ cửa hàng Tạp hóa ngày càng thấy giá trị của BHXH, BHYT. Thấy tâm đắc với chính sách nhân văn mang ý nghĩa “cộng đồng chia sẻ rủi ro”, cô đã giới thiệu, hướng dẫn và khuyên nhủ nhiều người quen- khách hàng cùng tham gia BHXH, BHYT tự nguyện. Bởi cô muốn niềm vui và hạnh phúc đến được với nhiều người, để nhiều người khi về gìa không trở thành gánh nặng cho con, cháu.

Rút BHXH một lần – Lợi trước mắt, hại lâu dài

Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh chỉ là một trong số nhiều người sau khi nhận BHXH một lần đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng bên cạnh đó, còn rất nhiều người khác, thấy khó khăn trước mắt, thấy chặng đường đóng BHXH đến lúc hưởng lương hưu quá dài (tới 20 năm)…, đã vội nản lòng, rút BHXH một lần và cũng không tham gia BHXH tự nguyện, nên bỏ tuột mất quyền lợi an sinh.

Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước đã có hơn 208.000 lượt người rút BHXH một lần. Nhiều chuyên gia an sinh nhận định, tình trạng gia tăng rút BHXH một lần đã có từ nhiều năm trước và ngày càng gia tăng do khó khăn trong dịch bệnh. Nhưng dù ở thời điểm nào, chung quy, lựa chọn rút BHXH một lần, vẫn là cách nhìn: Mới thấy cái lợi trước mắt mà chưa thấy cái thiệt lâu dài.

Có thể thấy rõ từ sự so sánh, với nam giới, tuổi thọ trung bình 71 tuổi thì sau nghỉ hưu trung bình sẽ có khoảng 11 năm hưu trí (khoảng 126 tháng hưởng lương hưu), ngoài ra được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đối với nữ giới tuổi thọ trung bình 76,3 tuổi thì sau nghỉ hưu trung bình có hơn 20 năm hưu trí (khoảng 227 tháng hưởng lương hưu), ngoài ra được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Đối với người đang hưởng lương hưu cả nam và nữ, khi qua đời, được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở theo quy định hiện hành và trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng tại thời điểm chết. Ngoài ra, hằng tháng thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất nếu đủ điều kiện. Đáng chú ý, người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao đến 95% chi phí khám chữa bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy- Phó trưởng phòng Hưu trí, Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), với quy định về cách tính BHXH một lần và cách tính lương hưu hiện nay thì với một NLĐ đóng BHXH 20 năm nếu rút BHXH một lần sẽ nhận được khoản tiền luôn ít hơn tổng số tiền nếu họ nhận lương hưu.

Song, một số người vẫn băn khoăn cho rằng, cách tính đóng – hưởng hiện nay khiến NLĐ khi về hưu nhận được số tiền ít ỏi, không tương xứng với giá trị của đồng tiền thời điểm mà họ đóng vào do lạm phát, trượt giá…. Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Thúy, suy nghĩ này có thể do chỉ nhìn vào kết quả tính lương hưu của một số trường hợp thấp điển hình mà chưa nhìn vào những lợi ích khác của chế độ hưu trí.

Thực tế quy định của chính sách đã tính đến yếu tố lạm phát, trượt giá… đối với tiền lương đóng BHXH của NLĐ không chỉ khi tính lương hưu mà còn đảm bảo trong suốt quá trình hưởng lương hưu, để người hưởng lương hưu cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Thực tế, chúng ta đã thấy lương hưu của NLĐ liên tục được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Ngay năm 2021, dù tình hình kinh tế của đất nước rất khó khăn, nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức tăng chung là 7,4% kể từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, nếu sau khi điều chỉnh theo mức chung mà lương hưu, trợ cấp  BHXH hằng tháng vẫn thấp dưới 2.500.000 đồng/tháng thì còn tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia an sinh nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận BHXH một lần tăng là do chính sách BHXH hiện hành vẫn còn rào cản và chưa hấp dẫn NLĐ tham gia. Nhận rõ những bất cập này, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để tránh gia tăng tình trạng nhận BHXH một lần và thu hút được nhiều người tham gia vào hệ thống BHXH, chính sách BHXH cần quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí thấp hơn nữa. Cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về nhận BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH, điều chỉnh cách tính lương hưu, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng- hưởng, tăng sức hấp dẫn và liên kết giữa các chế độ BHXH…, nhằm hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.

Châu Anh

09:10:33 17-06-2022

VHDN: Trong câu chuyện với tôi về chính sách BHXH, BHYT, thỉnh thoảng chị Nguyễn Thị Thu Hạnh lại nhắc: “Đóng BHXH để khi về già không trở thành gánh nặng cho con, cháu”. Đó như một phương châm sống mà cô chủ cửa hàng tạp hóa luôn tâm niệm. Tấm lòng nhân hậu Sau […]

Đối tác của chúng tôi