Sự kiện - chuyên đề:

Chủ cơ sản xuất đồ gỗ Triệu Thảo: Dựng nhà cổ, dựng lại ký ức xưa

VHDN: Với sự tài hoa và niềm đam mê, anh Nguyễn Chí Triệu ở thôn Phù Yên, xã Trường Yên (Chương Mỹ- Hà Nội) đã cùng các nghệ nhân phục dựng nhiều ngôi nhà gỗ truyền thống mang đậm nét văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Hình ảnh nội thất bên trong ngôi nhà thờ của một gia đình, được dựng tại thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Chúng tôi ghé thăm xưởng gỗ của vợ chồng anh Nguyễn Chí Triệu và chị Nguyễn Thị Thảo vào một buổi sáng trong tiết Thanh minh tháng 3. Dọc hai bên đường dẫn vào xưởng, mọc lên những ngôi nhà cao tầng vững trãi và hiện đại. Một vùng quê làm nghề gỗ truyền thống, nên những thứ gỗ rất tinh túy mang dấu ấn tâm linh truyền thống của đất trời. Đi sâu vào trong xưởng là hình ảnh những tốp thợ đang miệt mài với công việc bào cột, chà nhám, đục, chạm hoa văn trên kèo, xà. Tiếng máy bào gỗ, máy chà nhám ù ù, tiếng búa đục đẽo lách cách không ngớt…

Là người được kế thừa nghề mộc truyền thống chạm khắc đồ gỗ của ông, cha để lại, ngay từ những ngày còn nhỏ, lớn lên được tiếp cận với âm thanh của tiếng bào, tiếng đục, cùng với mùi thơm của các loại gỗ đã khơi dậy tình yêu với nghề trong anh. Anh Triệu đã miệt mài học và làm, vì vậy đã nhanh chóng nắm bắt được các công đoạn và kỹ thuật thiết kế nhà gỗ. Sau đó, anh mở rộng xưởng và chính thức nhận làm những công trình nhà gỗ dáng cổ từ hơn chục năm nay. Mặc dù, thời gian đầu anh gặp khó khăn về tài chính nhưng với quyết tâm bám trụ với nghề, đến nay xưởng sản xuất nhà gỗ của anh đã có hơn 20 thợ lành nghề. Sản phẩm của cơ sở đã khẳng định được uy tín trên thị trường, số lượng khách hàng ngày một nhiều hơn.

Các hoa văn, họa tiết được người thợ đục chạm bằng tay.

Nghề làm nhà gỗ đã hun đúc, tôi luyện, thể hiện tài hoa của nghệ nhân; những thớ gỗ tưởng chừng như vô tri, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Theo anh Triệu, trước khi làm là phải trực tiếp đo đạc diện tích khuôn đất dựng nhà, sau đó vẽ bản thiết kế chi tiết ngôi nhà và tính toán chính xác khối lượng gỗ để làm. Cấu kiện nhà cổ gồm rất nhiều chi tiết đòi hỏi phải tinh tế và tỉ mỉ như cột cái, cột con, quá giang, câu đầu, kẻ ngồi, kẻ hiên, giác hương, rường hiên… đố vỏ măng phải là các bức chạm nổi hoặc chạm lộng, các họa tiết theo các tích cổ… Ngoài ra, người thợ cũng phải tư duy nhiều mẫu hoa văn ở từng thời kỳ lịch sử, từ đó có những nét sáng tạo trong các tiểu tiết điêu khắc, qua đó làm sáng tỏ ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Nhà cổ không chỉ là nơi thờ phụng, mà khi bước chân vào ngôi nhà cổ cảm giác giống như một người xa quê hương lâu ngày, nay được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

“Dựng nhà gỗ cổ truyền là một nghề khó. Một ngôi nhà cổ được coi là đẹp khi khách thăm quan cảm “đọc” được gia thế của chủ nhà, dòng tộc. Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi cả sự dụng công và dụng tâm thì tác phẩm làm ra mới đạt độ tinh xảo. Ngoài ra, cần phải am hiểu về thuật phong thủy, có tâm sáng và am hiểu các điển tích để có sự kết hợp các hoa văn một cách hài hòa thì mới làm được nghề. Đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết đều làm bằng gỗ, thay vì dùng đinh, vít để liên kết, người thợ sẽ sử dụng mộng, các cấu kiện được chạm trổ hoa văn mềm mại, tinh tế. Điều quan trọng nhất là phải biết điều chỉnh kích thước, vị trí của cột, kẻ, chếnh… cho phù hợp với không gian, diện tích của ngôi nhà”, anh Triệu nhấn mạnh.

Chùa Đông Nhạc (tỉnh Ninh Thuận).

Là một thợ lành nghề còn rất trẻ, anh Nguyễn Chí Sơn cho biết – anh đã làm thợ ở đây ngót chục năm nay, công ăn việc làm và thu nhập ổn định, lại gần nhà nên rất thuận tiện. Anh rất yêu mến công việc này.

Hiện nay, phần lớn khách hàng đang ưa chuộng các mẫu nhà cổ truyền thống của 3 miền Bắc – Trung – Nam như: Nhà kèo chồng kiểu Bắc bộ, nhà 3 gian 2 chái kiểu Nam Trung bộ… Nét văn hóa truyền thống trên ngôi nhà gỗ thể hiện qua hoa văn, đường nét chạm trổ các loài cây biểu tượng của 4 mùa trong năm là bộ “tứ quý”: Tùng, cúc, trúc, mai hoặc hình con rồng, chim phượng, chim hạc trên kèo, xà. Tùy vào từng loại gỗ và diện tích căn nhà, số lượng hoa văn chạm trổ, mỗi căn nhà gỗ có giá từ vài trăm triệu đồng đến cả chục tỷ đồng.

Thấu hiểu cặn kẽ các giá trị của ngôi nhà và cả phong tục truyền thống, anh Triệu cùng vợ mình đã phục dựng và mở rộng công trình kiến trúc chùa Đông Nhạc (tỉnh Ninh Thuận), làm mới ngôi nhà cổ ba gian hai chái 100% nguyên liệu gỗ mít cho một doanh nhân nổi tiếng ở Hải Phòng, cùng nhiều hạng mục và các công trình khác trên địa bàn thành phố.

Hai vợ chồng chủ xưởng sản xuất đồ gỗ, nhà cổ Triệu Thảo.

Song song với việc làm nhà cổ, anh Triệu còn nhận sửa chữa, phục chế các hạng mục liên quan đến nhà cổ, cũng như các hạng mục nội thất khác. Đồng thời, vợ chồng anh Triệu cũng tích cực hưởng ứng các cuộc vận động như ủng hộ quỹ vì người nghèo, quyên góp tặng hiện vật cho học sinh vùng đồng bào miền núi khó khăn ở tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, bằng tấm lòng thơm thảo, hướng về cộng đồng, đại diện chủ xưởng gỗ Triệu Thảo đã trao tặng 500 lọ cồn sát khuẩn cho cư dân chung cư Hapulico và Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện chủ xưởng gỗ Triệu Thảo (bên trái) trao tặng 500 lọ cồn sát khuẩn cho cư dân chung cư Hapulico.

Với tay nghề thành thạo, những hoa văn tinh xảo trên từng thân gỗ, anh Triệu cùng các nghệ nhân đã thổi hồn mình vào từng tác phẩm. Qua việc phục dựng nhà cổ, không chỉ tạo việc làm cho lao động ở địa phương mà còn góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Anh Nguyễn Chí Triệu, xóm Đồi, thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Liên Khoa

 

 

15:43:57 17-04-2020

VHDN: Với sự tài hoa và niềm đam mê, anh Nguyễn Chí Triệu ở thôn Phù Yên, xã Trường Yên (Chương Mỹ- Hà Nội) đã cùng các nghệ nhân phục dựng nhiều ngôi nhà gỗ truyền thống mang đậm nét văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của vùng Đồng bằng Bắc bộ. Chúng tôi […]

Đối tác của chúng tôi