Sự kiện - chuyên đề:

Chuyện về vị tướng, Anh hùng Năm Chữ

VHDN: Mãi hơn một giờ chiều, chúng tôi mới về tới ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ). Cô út, em vợ ông Năm Chữ vừa từ trong bếp chui ra. Nhìn mấy anh em, gương mặt út sáng lên rạng rỡ, gọi rối rít: “Anh Năm về nè má! Giờ quá chiều rồi! Cả nhà chờ anh Năm hoài à”. “Thằng Năm đâu! Tội nghiệp!”. Giọng một cụ bà chậm chạp vẳng ra từ phía trong.

Má Năm (mẹ vợ ông Năm Chữ – Nguyễn Minh Chữ, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, Anh hùng LLVT) ở trong ngôi nhà mái bằng một tầng, hình như đã có từ xa lắc – cũ kỹ và ẩm thấp. Má đã gần chín mươi tuổi, đang nằm trên chiếc giường gỗ tróc màu sơn. Nghe tiếng chúng tôi, má khó nhọc gượng hai tay xuống đầu giường ngồi dậy. Vừa ngồi má vừa dơ cả hai bàn tay gầy yếu nhong nheo về phía chúng tôi, giọng chân tình, ấm áp: “Mấy con bạn thằng Năm hả, ở Hà Nội vào hả? Tội nghiệp, thương quá thương!”. Tôi nói với má là chúng tôi đi bị trễ giờ, lần đầu tiên về Thới Lai cái gì cũng mới, cũng lạ, dừng lại coi nên về trễ. Má gật đầu miệng lẩm bẩm “Tội nghiệp, Tội nghiệp!”.

Má Năm có chồng ra Bắc tập kết từ năm 1954 vào thế kỷ trước. Khi ấy má mới gần ba mươi tuổi ở lại miền Nam với hai cô con gái… Thời ấy, gia đình có người thân tập kết miền Bắc mặc nhiên bị qui vào cộng sản. Mà đã thân cộng sản, sống trong vùng địch tạm chiếm thì chết nghẹt trong kìm kẹp. Suốt năm, suốt tháng hết ấp trưởng rồi lính bảo an, dân vệ o ép, quản thúc hành cho thân tàn ma dại. Má Năm và má đẻ ông Năm Chữ (cũng bị coi là thành phần cộng sản), là hai chị em cùng cảnh ngộ thân thiết từ lâu. Cả hai thường bị địch bắt vô tù như cơm bữa. Bất kể trong ấp có chuyện gì xẩy ra, từ vài người dân tụ tập biểu tình đến các cuộc tập kích nhỏ lẻ của du kích đánh vào đồn địch hay trật tự trị an ở ấp có chuyện, là các má lại bị bắt vô đồn. Mà đã vô đồn thì chúng tra tấn, hành hạ khổ sở. Năm Chữ và cô Hai nhà má Năm sau bảy nhăm trở thành vợ chồng cũng có gốc rễ sâu xa từ tình thương của hai bà má thuở ấy…

Con kênh trước nhà má Năm đang mùa nước nổi, thuyền bè qua lại khá tấp nập. Lâu lắm rồi, có dễ phải ngót nghét hai chục năm tôi mới có dịp trở lại miền Tây. Vào dịp này, ông Năm Chữ bảo: “Bà con ở các ấp bắt đầu thu hoạch hải sản, thóc gạo, hoa quả tươi chất lên xuồng mang về chợ nổi Cái Răng bán”. Nhìn những chiếc xuồng to có, nhỏ có đầy ắp hàng hóa, nổ máy inh ỏi lướt nhanh trên mặt các con kênh, rạch chằng chịt dọc, ngang ở vùng đất trù phú này, tự dưng trong tôi dấy lên một tình cảm đặc biệt…

Có ai đó bảo rằng, trước khi người Việt (Chữ Việt mô phỏng theo công cụ lao động là chiếc Rìu – khai phá; và Mễ – ngũ cốc, lúa nước, canh tác) di cư tới khai phá vùng đất này từ lâu đã có người sinh sống. Nhưng  người bản địa chủ yếu quen với việc canh tác trên ruộng cao (ruộng bậc thang). Người Việt vốn có truyền thống dùng lúa nước làm nghề chính từ miền Bắc, Thuận Hóa theo đường biển vào và ngay lập tức họ thích nghi với điều kiện địa lý và khí hậu nơi đây. Những cư dân Việt đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, gồm đủ mọi thành phần: Nông dân nghèo lưu trú, lính bỏ ngũ, tù nhân lưu đày, người mở rộng làm ăn và người do triều đình chiêu mộ đi khai hoang. Khi những người này đến đây tồn tại của dân bản địa rất ít. Người Việt hòa nhập cùng dân bản địa, tạo thành một nền văn hóa đa dạng và đặc sắc. Có lẽ do đặc điểm đất đai trù phú, rộng lớn và dễ khai phá, cư dân lại sống tự phát, không bị ràng buộc vào các quy chế, không hình thành các gia tộc lớn, làng xóm rời rạc, vì vậy đã tạo nên một tính cách Nam bộ cởi mở, phóng túng, sống dễ dãi, giàu tính phiêu lưu mạo hiểm, không bị ràng buộc nghiêm ngặt… Rồi nữa, các đời Chúa Nguyễn lại cho thực thi một chính sách cởi mở, phóng khoáng hợp qui luật tự nhiên, đất đai rộng rãi hoang hóa, nên ngày càng thu hút nhiều cư dân phía Bắc lưu tán dần về phương Nam…

Đứng trước miền đất mênh mông lúa gạo, bát ngát hoa trái xanh tươi với  một vùng sông nước rộng lớn, trù phú, tôi không thể cầm lòng. Chợt nhớ câu thơ của Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ “Từ độ mang gươm đi mở cõi…”. Tổ tiên đã đổ biết bao xương máu, đánh đổi cả cuộc đời để có từng tấc đất, từng ngọn cây, vạt cỏ dành dụm cho thế hệ mai sau. Nếu cháu con không thể bảo toàn, không thể đưa đất nước lên văn minh giàu có, mà mãi ngập chìm trong cũ kỹ giáo điều tệ nạn, trong tham nhũng, suy thoái, yếu kém mọi mặt, để mặc cho lòng tham, phe nhóm, vụ lợi tầm thường trỗi dậy thì thật là một trọng tội …

Từ nhà má vợ tới nhà ông Năm Chữ chỉ độ hai cây rưỡi số. Ở trước ngôi nhà cấp bốn, nơi ông sinh ra nhìn về phía kênh Ông Tám (kênh Ngàn Ba Tám Thuận), ông Chữ kể: “Con kênh này nhiều lần cứu sống tôi. Nhớ nhất là vào năm 1961-1962 gì đó, tôi vừa ra khỏi nhà, đang trên đường đến nơi tập trung đội du kích thì bỗng trên đầu hai chiếc trực thăng gào rú lao tới. Hoảng quá nhảy đại xuống bờ kênh cứ thế ép mình vào bờ chạy. Tụi Mỹ rượt tôi suốt từ sáng tới chiều, thế mà kỳ lạ thay tôi vẫn sống và thoát chết. Khi về tới nhà, ba má tôi như người mất hồn”… Năm Chữ vào du kích từ năm 1960. Ông bảo hối ấy đang học tiểu học. Mà lại là một trong ba người học giỏi nhất vùng lúc bấy giờ. Bỏ học đi theo du kích cũng chẳng có chuyện gì to tát. Chỉ là hận với đám lính bảo an. “Nó đánh ông cụ nhà tôi nhừ tử vì cụ chống lại, không chịu vô ấp chiến lược”. Vốn là dân Quảng Ngãi, sẵn mang theo cốt cách rắn chắc, kiên cường của người xứ Quảng, ông cụ kiên quyết ở lại bảo vệ nhà cửa, ruộng đất, vườn tược mà một đời cụ lao tâm tổn sức lập nghiệp. Thế là chúng vu cho móc nối, tiếp tay với cộng sản. Thời ấy quả là khó sống…

Ông Mười Đáng, một cựu du kích thời những năm sáu mươi, một tay súng bắn tỉa khét tiếng, từng làm cho đám bảo an, dân vệ khắp vùng nghe đến tên đã khiếp đảm. Gặp chúng tôi trong căn nhà sơ sài bên con rạch ngầu nước phù sa, ông luôn miệng xít xoa: “Trời đất Thằng Năm về hồi nào vậy? Mừng quá mừng! Sao mà mày còn sống ha?, Cái thằng hiền lành như cục đất ngày xưa, đánh nhau miết tưởng chết vậy mà giờ vẫn còn sống đó”. Rồi ông Mười xòe bàn tay ra ngang thắt lưng, quay sang phía tôi giải thích: “Hồi đó nó vô du kích bé bằng từng này này. Chút xíu vậy mà gan lì hổng có sợ chi hết”. Ngày đó, Ông Tám kể, đánh nhau mù trời mù đất. Cứ thấy địch đến là đánh miết, suốt ngày suốt đêm vậy đó. Địch càn chỗ này du kích né sang chỗ khác, máy bay quần thảo thì chui vô rặng trâm bầu vừa ẩn vừa chạy, đồng đất mênh mông. Du kích bám vào dân hoạt động, bạ đâu ngủ đó, bạ đâu ăn đó, thỉnh thoảng lại tổ chức vài trận đột kích vô đồn. Tụi bảo an dân vệ mất ăn mất ngủ mà không làm chi được. Có lần dân chúng tổ chức cả một đoàn hơn 700 người kéo nhau lên đồn Bà Đầm đấu tranh vũ trang. Lính đồn đặt hai khẩu súng bắn như vãi đạn mà không ai chết. Thằng Năm lì lắm, còn làm súng giả bằng bắp chuối hù lại tụi lính, gan hung à…

Vào du lích được ba năm, đến đầu năm 1964, Năm Chữ được huyện đội gọi lên tập trung. “Hồi ấy có biết chi đâu, huyện tập trung số du kích trẻ rồi nửa đêm cả đoàn  lần theo kênh rạch mà đi, mấy ngày sau đến nơi tập kết mới biết mình biên chế vào tiểu đoàn Tây Đô – Bộ đội chủ lực tỉnh. Đánh nhau dăm trận, cuối 1964 cả tiểu đoàn hành quân lên miền Đông Nam bộ, chính thức gia nhập bộ đội chủ lực miền, thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 9.”. Ông Năm Chữ kể: “Vừa chân ướt chân ráo vào chủ lực đã đụng đầu ngay tụi Mỹ. Mới đánh nhau ở Lai Khê, Đất Cuốc xong thì cả sư đoàn mở trận tập kích vào lính Mỹ đóng dã ngoại ở Bầu Bàng. Hồi đó, tôi là y tá đại đội 8, tiểu đoàn 5, trận đánh kéo dài đến hơn ba giờ, lính Mỹ bị tập kích bất ngờ không kịp trở tay, tháo chạy tán loạn, chết chồng chất lên nhau. Bên ta cũng thương vong vô kể. Nhưng đây là trận đánh Mỹ đầu tiên của chúng tôi ở chiến trường Đông Nam bộ, Cũng là đòn chiến thắng phủ đầu. Nó làm cho lính Mỹ hoang mang và quân ta được khích lệ tinh thần, không sợ chi Mỹ và đánh thắng Mỹ”.

Suốt những năm 1965 đến 1975, trong cuộc đời chiến trận của mình, ông Năm Chữ bảo không thể nhớ hết bao nhiêu trận đánh, chỉ biết quần nhau với địch tối ngày. Bị thương vào bệnh xá chữa trị rồi ra đánh tiếp, ăn xong chưa kịp nghỉ đã có lệnh xuất kích, vừa chợp mắt đã bật dậy nhao vô chiến hào, suốt ngày mù mịt trong lửa đạn. Mà đánh giặc miết rồi cũng thành quen, cũng giống như đi cày ruộng, có lúc nào rảnh tay, chân đâu. Những năm 66-67 và nhất là sau Mậu Thân 68, Mỹ điên cuồng huy động lực lượng lớn đánh vào các căn cứ của quân ta. Cơ sở cách mạng và bộ đội địa phương bị tổn thất lớn phải dạt lên biên giới, nhiều vùng ta giải phóng trước đây bị địch chiếm lại. Có thể nói đó là thời kỳ gian khổ ác liệt vô cùng. Quân ta gặp khó khăn, thương vong nặng nề, thiếu thốn đủ thứ, bữa ăn toàn củ sắn, củ nằn, củ chụp, quả rừng thay cơm mà vẫn quần nhau với địch cả ngày… Tôi nhớ nhất là trận đánh vào đồn Ka-ra-pao bên Căm- pu -chia. Vào khoảng đầu năm bẩy mươi, Mỹ bắt tay với quân Lon Non lật đổ Xi-ha-núc. Sau đó, chúng huy động hàng vạn quân sang Căm-pu-chia tiến công sâu vào vùng biên giới. Mục đích của Mỹ là tiêu diệt khối cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở miền Nam và khối bộ đội chủ lực Miền. Về trận đánh này, lịch sử Sư đoàn 9 ghi: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở trung đoàn 2 có anh hùng Nguyễn Minh Chữ (sau này là thiếu tướng, phó tư lệnh quân khu 9), bị thương nặng vẫn không rời trận địa. Trong trận đánh Tà Xia tháng 3 năm 1970, Nguyễn Minh Chữ được giao làm trung đội trưởng, kiêm y tá đại đội. Khi đơn vị đang tiếp cận trận địa thì bị lộ, địch bắn ra dữ dội, hai trung đội lạc đường, đồng chí Chữ đã băng qua hỏa lực địch, tìm và đưa hai bộ phận bị lạc về đội hình chiến đấu kịp thời. Nguyễn Minh Chữ chỉ huy nhanh nhẹn, dũng cảm, vừa tiêu diệt địch, vừa băng bó, cấp cứu cho đồng đội. Trận đánh kết thúc, địch trút pháo như mưa xuống trận địa, đồng chí xung phong ở lại tìm kiếm, băng bó lần lượt chuyển toàn bộ thương binh ra nơi an toàn, đưa được cả súng của thương binh về đơn vị…”. Trận đánh này quân ta tiêu diệt một tiểu đoàn hỗn hợp thuộc lực lượng Kỵ binh bay của Mỹ. Sau đó, Nguyễn Minh Chữ chuyển lên chỉ huy đại đội. Mấy ngày sau đó, ông tham gia tiếp trận đánh lớn vào một tiểu đoàn địch. Đơn vị ông được giao đánh chiếm công sự đầu cầu. Trận này một tiểu đoàn ta đọ với một tiểu đoàn địch. Đây là trận đánh ta tổn thất nhiều. Nguyên nhân là trinh sát tiếp cận thực địa không tốt, lúc đầu cứ nhằm hướng hỏa lực địch rồi chạy qua đường lớn tấn công lên. Bộ đội lên đến đâu bị đánh bật ra đến đấy, hy sinh vô số mà không thể tiêu diệt được lô cốt địch. “Không thể dấn quân vào chỗ chết mãi như thế” . Năm Chữ nghĩ thầm và ngay lập tức ông táo bạo quyết định bỏ phương án tác chiến theo hế hoạch, bí mật đưa lực lượng áp sát bìa rừng, vòng sang phía bên đánh tập kích từ phía sau và ngang hông địch. Trận này quân ta thắng lớn, diệt gọn một tiểu đoàn địch, cũng là trận then chốt mở màn cho chiến dịch phản công của các đơn vị thuộc lực lượng Miền. Cũng bắt đầu từ đây quân ta làm chủ chiến trường, phá vỡ những phòng tuyến, phòng thủ mạnh của địch, tiêu diệt cấp chiến đoàn và nhiều chiến đoàn quân Ngụy, buộc Mỹ- Ngụy phải co cụm về sâu bên trong biên giới Việt Nam…

Ngày 19/5/1972, Năm Chữ được tuyên dương Anh hùng LLVT Nhân dân. Ông bảo “lúc đó thật nhiều cảm xúc nhưng đánh nhau miết, còn thời gian đâu nữa!…”. Năm Chữ là vậy, mọi vinh quang và cay đắng cũng thoáng đi qua, cũng bình thản và lì lợm như khi đứng trước họng súng quân thù, không ồn ào khoa trương, cũng không dễ dàng khuất phục. Những người từng là đồng đội, đồng chí với ông có chung nhận xét: Lì lợm mà linh hoạt, táo bạo mà cẩn trọng, quyết đoán, nói và làm, dám chịu trách nhiệm…

Sau này, khi ông lên chỉ huy Trung đoàn, rồi phụ trách những chức vụ cao hơn, cái tính cách người lính trận trong ông năm xưa vẫn không thay đổi. Anh em ở Quân đoàn 4 kể, hồi Quân đoàn mới từ Căm-pu-chia về, bao nhiêu đất đai trước đây được địa phương giao cho Quân đoàn để sản xuất cải thiện đời sống, khi đi nhờ địa phương quản lý giúp, đều bị dân chiếm hết. Quân đoàn mất bao công sức, tìm đủ cách vào dân đòi đất nhưng không thành. Nhiều vùng công giáo quá khích còn dùng cả vũ khí, gậy gộc, đánh bộ đội. Vậy là Năm Chữ một mình với lái xe đến tận vùng căng thẳng nhất, ông nói với bà con: “Tôi cũng như bà con, đều là nông dân cả, cái gì của mình mình sài, cái không phải của mình trả lại. Tôi đến đây chỉ có một mình, không có quân, không có vũ khí chi hết, bà con đánh thì tôi xin thua. Nhưng bà con phải trả lại đất cho bộ đội. Bộ đội lo đi đánh giặc, nhờ bà con trông coi đất giúp, giờ hòa bình trở về, bà con cho xin lại để bộ đội có chỗ ở, chỗ sản xuất. Nếu không đi đánh giặc, tụi nó đến đây cướp đất, thì bà con còn đất đâu mà tranh giành? Bộ đội có chỗ ở, có tăng gia sản xuất thì cùng bà con chia sẻ đói no. Bà con chiếm đất của bộ đội thế này là sai, là vi phạm pháp luật rồi…”. Cứ thế ông một mình một xe đi khắp các vùng, kiên trì thuyết phục nhân dân, cuối cùng toàn bộ đất đai quân đoàn thu lại được hết mà không xẩy ra phiền phức hay chống đối nào. Thế mới biết với kẻ thù là một chuyện, còn với dân, những người từng sẻ chia miếng cơm manh áo, thậm chí cả máu và nước mắt với mình thì dù họ sai cũng không thể cậy quyền mà cứng nhắc mà bất chấp đạo lý làm người được…

Chính vì có tấm lòng chân thành, tin dân và nghe dân mà Năm Chữ được dân trọng, dân thương… Ngay như chuyện những năm chín mươi, cả Quân đoàn xẩy ra nạn dịch kỳ lạ. Bộ đội bỗng nhiên mắc bệnh phù hàng loạt. Ông đề nghị quân y vừa điều trị vừa làm rõ nguyên nhân nhưng không kết quả gì. Tự nhiên đêm nằm nghĩ miên man, ông nhớ đến  câu chuyện người thân tù Côn Đảo kể lại bệnh phù do ăn phải gạo hẩm mốc. Năm Chữ ngay lập tức cho quân y mang gạo đi kiểm tra, hóa ra gạo cấp phát theo hệ thống hậu cần tồn kho lâu ngày hết hạn, đã biến chất. Nguyên nhân của bệnh phù là ở đó. Ngay lập tức ông cùng lãnh đạo Quân đoàn đề nghị không nhận gạo cấp phát theo hệ thống hậu cần nữa, Quân đoàn tự bỏ tiền mua nhà máy xay, mua kho, mua thóc về xay cấp phát gạo tại chỗ cho bộ đội. Gạo Quân đoàn tự cấp vừa mới, vừa chất lượng cao, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với gạo hậu cần. Từ đấy dịch phù mới chấm dứt. Một lần khác, do đóng quân ở nhiều vùng khác nhau, bộ đội đau ốm thường phải gửi đi điều trị ở tuyến trên. Và cũng nhân chuyện một đại gia ở Bình Dương, vì yêu mến Năm Chữ đã năm lần, bảy lượt đề nghị đến Quân đoàn tặng riêng ông số tiền 4 tỷ đồng. Năm Chữ đưa chuyện này ra Bộ tư lệnh, chuyển toàn bộ số tiền trên vào xây bệnh viện cho Quân Đoàn. Hồi ấy việc xây bệnh viện tốn kém. Cũng may được nhiều đơn vị ủng hộ, nên chỉ một thời gian bệnh viện khánh thành đi vào sử dụng hiệu quả. Thế nhưng, cũng có người bảo ông là ngang, là tự tiện xây bệnh viện không báo cáo cấp trên. Cũng như việc trồng cao su. Quân đoàn có nhiều đất chưa sử dụng đến, đời sống bộ đội còn khó khăn. Ông bàn với anh em không xin tiền ngân sách, quân đội cũng không cấp cho đồng nào. Nhưng Quân đoàn có cách làm hiệu quả. Cứ mỗi lô cao su trồng xuống, khoảng đất giữa các lô bỏ không, Quân đoàn cho bà con nông dân tận dụng canh tác và khoán luôn cho họ quản lý, chăm sóc. Dân có đất canh tác thì mừng hết nói. Họ bỏ công sức vừa trồng hoa màu thu hoạch vừa chăm bón cao su cho Quân đoàn. Vì vậy gía thành một héc ta cao su Quân đoàn trồng chỉ bằng một phần mười gía thành của các đơn vị cùng trồng cao su vào thời điểm đó. Một cán ở Quân đoàn 4 bình luận về việc này : “ Không kêu ca, không chạy chọt xin xỏ, không tham ô, lãng phí và cũng không thể tiết kiệm hơn…” . Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn và cũng là vốn liếng, là tài lớn nhất mà Quân đoàn có được từ sau thống nhất đất nước… Ấy thế mà thiếu chút nữa Năm Chữ bị kỷ luật …

“ Sao kỳ vậy, lý do gì chứ?” Tôi hỏi lại ông Năm Chữ. Chuyện là, Bộ Quốc phòng hồi đó nghe ai nói chi, cử đoàn vào thanh tra Quân đoàn.Thanh tra, kiểm tra mãi không thấy cá nhân nào có chuyện tư túi riêng tư, thì họ qui Năm Chữ vào tội chấp hành kỷ luật không nghiêm, tùy tiện làm kinh tế không báo cáo cấp trên. Ông không đồng ý, không ký vào văn bản thanh tra, mặc Thanh tra làm gì thì làm. Ông bảo, làm nhà máy xay lo gạo cho bộ đội, xây bệnh viện chữa bệnh cho bộ đội, trồng cao su để có thu nhập, cải thiện đời sống bộ đội còn đang khó khăn, thì có gì là sai, vậy mà mấy ông gán tội là sao, vô lý quá trời ! “Rồi sau có kỷ luật không” Tôi hỏi “Không!” Năm Chữ trả lời: “Hồi đó may mà “cụ” Đoàn Khuê và Lê khả Phiêu biết rõ tình hình Quân đoàn. Các “cụ” có nguồn thông tin riêng. Khi Thanh tra về báo cáo bị các cụ chất vấn lại. Vụ việc bỏ qua…

Năm Chữ là thế. Thời cơ đến, cái gì có lợi, có ích là làm. Làm rồi đúng sai báo cáo cấp trên sau, bí quá bị kỷ luật cũng ráng chịu chứ biết sao. Nói vậy, nhưng mỗi việc làm của ông đều suy nghĩ, cân nhắc cẩn trọng về mọi thứ, nên việc gì cũng đến nơi đến chốn. Cũng như hồi chiến tranh, mỗi trận đánh phải tính toán chi ly sao đó để  thắng mà ít tổn thất xương máu nhất. Nói về chuyện này, một sĩ ở Quân đoàn 4 đã nghỉ hưu nói với tôi: “Ông Năm Chữ là vị Tư lệnh chỉ có xây chứ không có phá, ông xây đủ thứ, để lại cả một vốn liếng, cơ ngơi cho Quân đoàn, lính tráng được thừa hưởng từ ông nhiều. Nhưng cũng có ông thì ngược lại, chỉ phá chứ không xây, không làm được việc gì lớn cả, cuộc đời kỳ thế đấy…

Mấy ngày đi với Năm Chữ, tôi có cảm nhận đặc biệt về một người anh hùng hào hoa, phóng túng xứ miền Tây mênh mông sông nước. Ông về hưu đã ngót chục năm mà đến đâu cũng huynh đệ một lòng cốt tử. Về quê thì bạn già du kích sống chết thuở ấu thơ, ở Cần Thơ đồng đội nhường cơm sẻ áo thời bom rơi đạn lửa, xóm làng khu phố lại quây quần bạn hữu chiến binh một thời gối đất nằm sương. Họ ngồi với nhau, quần tụ bên nhau uống dăm chum rượu với vài món nhậu sơ sài, sống thanh thản, bình yên ấy cũng là phúc lộc tuổi già. Một lần, ngồi uống rượu cùng bạn hữu, ông nói vui: Tôi không làm quan to được cũng do cái tật cứ nâng ly lên là cạn, không biết đặt lại ly rượu chưa uống xuống bàn. Cũng như thời tuổi trẻ, đã đứng dậy là đi, đi miết, nếu biết lùi về phía sau, tính toán kỹ lưỡng một chút có khi đã khác. Ông bây giờ là dân thường, lại là thương binh hạng nặng, nhưng ngay cả chế độ khám, chữa bệnh ưu tiên của thành phố Hồ Chí Minh cũng không có tên. Còn cựu chiến binh thì ông không vào. Hỏi, vì sao? Ông bảo, làm gì có chuyện, người lính cả đời dấn thân trận mạc, nay về hưu lại bắt phải viết đơn xin vào Hội Cựu chiến binh. Mà ở đời cái gì đi xin là phải có lợi, có lợi rồi ắt có lộc. Mà lộc thì sinh đủ chuyện nhiêu khê. Người ta bày đặt vô lối làm khổ anh em. Lính tráng về hưu mặc nhiên là cựụ chiến binh rồi, chứ chả lẽ lại là cựu nông dân, cựu công nhân à? Đáng ra phải mời anh em vào, rồi nếu đất nước kha khá còn phải chăm lo tinh thần, vật chất cho họ. Lợi lộc gì mà mấy ông đặt ra nguyên tắc này nọ. Cái đất nước mình cũng lạ. Cứ ai có quyền thích làm gì cũng tùy. Qui định, chỉ thị này nọ đặt ra theo ý muốn cá nhân, chẳng đúng sai, đạo lý chi hết. Năm chữ tính tình bộc trực, thương ghét rõ ràng, và đặc biệt dị ứng với thói dối trá. Với ông, đúng là đúng, sai là sai. Mọi chuyện phải rõ ràng minh bạch như ban ngày. Cũng như hồi đánh giặc ở Căm-pu-chia có ông đại đội trưởng báo cáo “Hồi đêm đánh tan một đại đội quân Pôn pốt, tiêu diêt 5 tên, đề nghị cấp trên khen thưởng”. Khi đó ông là Chính ủy sư đoàn, ngay lập tức cùng liên lạc cắt đường rừng đi từ sáng đến chiều mới đến nơi. Ông không vào đại đội mà xuống thẳng tiểu đội nghe anh em nói rõ sự việc. Hóa ra đại đội báo cáo láo lấy thành tích khen thưởng. Hồi đêm đơn vị có nổ súng nhưng không diệt tên Pôn pốt nào. Thế đấy, người mình thích bệnh thành tích. Ham thành tích quá thì nói vống lên để lập công thành ra nói dối. Nói dối hoài thành quen, thành chuyện bình thường. Bây giờ thì đã là tệ nạn của cả xã hội. Trên dưới, anh em nói dối lẫn nhau, không tin vào nhau nữa. Một thảm họa của đất nước… nghĩ mà nhói lòng!

Vâng! Nói dối đã là thảm họa. Đó có lẽ không chỉ là nỗi niềm day trở của một người Anh hùng, một vị tướng từng xông pha trận mạc, mà còn là nỗi đau, nỗi day dứt của tất cả những người có suy nghĩ, có tâm huyết với dân với nước hôm nay…

Hà Nội, ngày thu, 2017

Trần Anh Thái

14:18:06 11-10-2017

VHDN: Mãi hơn một giờ chiều, chúng tôi mới về tới ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ). Cô út, em vợ ông Năm Chữ vừa từ trong bếp chui ra. Nhìn mấy anh em, gương mặt út sáng lên rạng rỡ, gọi rối rít: “Anh Năm về nè má! Giờ […]

Đối tác của chúng tôi