Theo ông Phạm Minh Quang, đại diện Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương thì, Châu Âu và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều quy định mới liên quan đến phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Chuyên gia trao đổi về cơ hội của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Vấn đề cần phải xử lý gấp

Tại thị trường Liên minh Châu Âu (EU), hai quy định quan trọng là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định chống phá rừng (EUDR) đang tác động đến nhiều ngành. Bên cạnh đó, các yêu cầu về kinh tế tuần hoàn và kiểm soát chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn cũng đang ngày càng được siết chặt.

Tại thị trường Mỹ, quy định về thương mại xanh đang trở thành xu hướng. Đáng chú ý, chính phủ Mỹ ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đối với ngành gỗ, Việt Nam và Mỹ đã có thỏa thuận riêng nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.

“Những thay đổi này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, DN nào đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu, không chỉ dễ dàng tiếp cận thị trường EU và Mỹ mà còn thuận lợi mở rộng sang các thị trường khác”, ông Quang nhấn mạnh

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM chia sẻ: Ngành gỗ đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh từ rất sớm. Từ năm 2018, ngành này đã tích cực lồng ghép các tiêu chí phát triển bền vững vào chiến lược chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Khi doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn xanh, giá trị và uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng được nâng cao.

Năm 2024, ngành gỗ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với doanh số 16,3 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2023. Trong bối cảnh sức mua toàn cầu phục hồi nhẹ, nội lực của ngành vẫn được duy trì khá tốt.

Cơ hội và thách thức

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt đã có giải pháp chuyển đổi xanh đa dạng, mạnh mẽ, sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông Kỳ, mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng suy ngẫm. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhưng phần lớn doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức. Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính.

Chuyên gia trao đổi về cơ hội của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Chuyên gia trao đổi về cơ hội của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Ngoài ra, nhận thức của DN cũng là một rào cản lớn. Không phải DN nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và sẵn sàng đầu tư dài hạn cho quá trình này. Nhiều DN vẫn đặt câu hỏi liệu chuyển đổi xanh có thực sự mang lại lợi ích hay chỉ là một xu hướng ngắn hạn.

Ưu tiên phát triển tín dụng xanh

Ông Vương Thành Long, Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng chuyển đổi xanh hiện nay đã trở thành một chủ đề phổ biến, trong khi cách đây 10 năm, khái niệm này vẫn còn xa lạ với nhiều người.

Thực tế, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ hiện đại. Dù lợi ích mang lại là rất rõ ràng, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn, triển khai các công nghệ đo lường phát thải và tuân thủ các tiêu chuẩn quan trắc môi trường. Với vai trò là ngân hàng lớn nhất Việt Nam, BIDV hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy tài chính xanh.

Tính đến hết năm 2024, BIDV là tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng xanh lớn nhất tại Việt Nam với tổng dư nợ đạt khoảng 81.000 tỷ đồng. “Ngân hàng đang tích cực triển khai các chính sách nhằm giảm dần mức tài trợ cho những ngành có phát thải carbon cao, đồng thời tăng cường hỗ trợ các dự án xanh bằng các ưu đãi về lãi suất và tỷ giá. BIDV cũng đã ban hành danh mục các dự án xanh và xác định mức vốn ưu tiên dành riêng cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bền vững”, ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết ngân hàng đang triển khai nhiều sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy tín dụng xanh và hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để thực hiện các dự án xanh mà còn góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bền vững, UOB Việt Nam cung cấp các khoản vay xanh với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay truyền thống. Các khoản vay này có thể bao gồm tỷ lệ tài trợ cao hơn, lên đến 70% đối với các dự án đáp ứng tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Điều này giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng ngành, nghề và lĩnh vực, đồng thời có chính sách dài hạn để bảo đảm phát triển bền vững. Việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp DN Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.