Sự kiện - chuyên đề:

Chuyên gia Trung Quốc đánh giá ảnh hưởng căng thẳng thương mại với Mỹ

Giáo sư Lưu Anh của Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định rằng cộng đồng quốc tế đều cảm thấy thất vọng trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang. 

Đồng tiền giấy 100 USD (trên) và đồng 100 nhân dân tệ (phía dưới) tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh về căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, giáo sư Lưu Anh cho rằng trước hết đây là biểu hiện tập trung của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên trì chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại kể từ sau khi lên cầm quyền. Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP)… và yêu cầu đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Động thái bảo hộ thương mại của Mỹ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), dẫn đến việc Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả nào.

Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại này của Mỹ đã gây ra tác động tiêu cực cho toàn thế giới. Là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là nước xuất siêu thương mại lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ đáp trả mạnh mẽ những chính sách cứng rắn của Mỹ bằng các biện pháp mang tính tổng hợp cả về số lượng và chất lượng.

Giáo sư Lưu Anh trích dẫn nhận định của nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy cho rằng với khoảng 300 tỷ USD nhập siêu thương mại Mỹ-Trung, loại bỏ nhập siêu thương mại là bất khả thi vì đây là “căn bệnh trầm kha” trong thương mại Mỹ-Trung.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng khi đi sâu phân tích về nhập siêu thương mại Mỹ-Trung, sẽ thấy ba vấn đề nổi lên. Thứ nhất, Mỹ kiểm soát hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và hàng không vũ trụ sang Trung Quốc. Thứ hai, trong khối lượng nhập siêu thương mại của Mỹ có ít nhất 20% bị tính toán cao hơn so với giá trị thực tế. Công tác nghiên cứu, đánh giá riêng về vấn đề nhập siêu của Tổ Công tác Mỹ-Trung cũng ra báo cáo về kết quả này. Theo Sách Trắng thương mại Trung-Mỹ, có năm tỷ lệ này bị tính toán cao hơn so với giá trị thực tế trong khối lượng nhập siêu thương mại của Mỹ lên đến 70%. Cuối cùng, nhập siêu thương mại Mỹ-Trung đã được hình thành trong suốt thời gian dài.

Xét về vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu của cơ cấu ngành nghề sản xuất Trung-Mỹ cũng như phân công quốc tế, Trung Quốc là quốc gia có nguồn nhân lực lao động khá phong phú, có ưu thế so sánh rõ rệt, do đó có ưu thế nhất định trong lĩnh vực xuất khẩu, còn Mỹ cũng có ưu thế nhất định trong lĩnh vực công nghệ.

[Mỹ-Trung: Từ “khẩu chiến” đến cuộc chiến thương mại thực sự]

Xét về ảnh hưởng tiêu cực, giáo sư Lưu Anh cho hay trên thực tế, việc Mỹ nâng cao hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ làm gia tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Điều này trực tiếp tác động đến sức mua của người dân Mỹ. Khối lượng hàng hóa xuất sang Mỹ trong danh mục bị đánh thuế cao, trong đó gồm có nhôm, thép… thực ra không đáng kể. Do vậy, ảnh hưởng tổng thể của tranh cãi thương mại Mỹ-Trung là không cao và có hạn.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm trong các lĩnh vực khác xuất khẩu sang Mỹ cũng góp phần nâng cao giá thành hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ. Trong ngắn hạn, các ngành nghề, doanh nghiệp liên quan sẽ chịu một số tác động, song ông cho rằng ảnh hưởng về dài hạn là không lớn. Trên thực tế, Mỹ tiến hành cọ sát thương mại với Trung Quốc thực ra là vì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Theo giáo sư Lưu Anh, đối với Trung Quốc, ảnh hưởng của cọ xát thương mại Mỹ-Trung không lớn chủ yếu là do Trung Quốc thực tế đã chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ nội địa. Tác động tích cực ở đây là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tự chủ sáng tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản. Điều này sẽ giúp Trung Quốc sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước mạnh về sản xuất công nghiệp, khoa học công nghệ, nước mạnh về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, sản phẩm nhập nhẩu của Trung Quốc cũng sẽ ngày càng trở nên phong phú, đa dạng. Trong khối lượng sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc, sẽ càng có thêm nhiều lựa chọn, không nhất thiết phải nhập khẩu từ Mỹ. Trung Quốc cũng rất ưa thích các mặt hàng nông sản của Việt Nam, do vậy có thể xem xét nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng này từ Việt Nam.

Nhận định về tổng thể mối quan hệ Trung-Mỹ, giáo sư Lưu Anh khẳng định từ trước tới nay, quan hệ kinh tế thương mại vẫn luôn là hòn đá tảng trong quan hệ Trung-Mỹ. Lâu nay, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước vốn dựa trên nguyên tắc hợp tác cùng thắng nên đã giúp gia tăng lợi ích cho hai nước cũng như thế giới.

Hiện nay, quan hệ kinh tế hai nước cũng đang có xu thế tốt dần và sự cọ xát thương mại lần này không nên ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hai nước. Mỹ cần phải giải quyết ổn thỏa quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc vì lợi ích chung./.

theo vietnamplus

Chia sẻ
22:19:46 29-06-2018

Giáo sư Lưu Anh của Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định rằng cộng đồng quốc tế đều cảm thấy thất vọng trước tình hình căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang.  Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi