Theo hãng tin Anadolu, ngày 23-9, trong một cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Ankara đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán với Hy Lạp để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước tại Đông Địa Trung Hải. Thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, ông Recep Tayyip Erdogan hy vọng rằng, Hy Lạp sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngoại giao lần này. Về phần mình, bà Ursula von der Leyen hoan nghênh việc hai nước nhất trí xúc tiến đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: “Điều này cần thiết cho sự ổn định ở Đông Địa Trung Hải và cho mối quan hệ mang tính xây dựng với Liên minh châu Âu (EU)”.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, kết quả của cuộc đàm phán với Hy Lạp sẽ phụ thuộc vào các bước đi mà Athens sẽ thực hiện trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa hai bên. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và giảm leo thang căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải. Ông Jens Stoltenberg cho rằng, các tranh chấp cần được giải quyết trên tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia thành viên của NATO cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hy vọng Hy Lạp tận dụng cơ hội đàm phán để giảm căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải.Ảnh: Reuters.

Những tuyên bố trên được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi Ankara và Athens nhất trí nối lại các cuộc đàm phán nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, cuộc đàm phán sẽ sớm được diễn ra tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, thời gian cụ thể của sự kiện này chưa được công bố. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis từng cho biết, ông sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên ở Địa Trung Hải.

Từ lâu, hoạt động tìm kiếm khí đốt tại Đông Địa Trung Hải được coi là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trong khi Athens luôn khẳng định hoạt động của Ankara là bất hợp pháp thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng, nước này đang tiến hành thăm dò khí đốt trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình. Vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai bên nhằm giải quyết tranh chấp tại vùng biển có nhiều trữ lượng khí đốt này đã diễn ra vào năm 2016. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trở nên xấu đi sau khi Ankara nối lại hoạt động thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải từ tháng 8 vừa qua. Giữa lúc căng thẳng, Athens và Ankara còn tiến hành các cuộc tập trận hải quân riêng rẽ ở khu vực này.

Tranh cãi giữa hai bên đe dọa đến mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như gây chia rẽ trong nội bộ NATO. Đối với EU, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng. Bởi vậy, dù đe dọa áp đặt trừng phạt trong trường hợp Ankara có các động thái làm leo thang căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải để bảo vệ Hy Lạp-quốc gia thành viên EU, khối này vẫn tích cực thúc đẩy đối thoại giữa hai bên. Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp-hai nước thành viên của NATO bất hòa khiến liên minh quân sự này rơi vào thế khó. NATO đã phải tiến hành các cuộc tham vấn để tránh việc hai nước thành viên xảy ra xung đột quân sự.

Nhờ sự can thiệp kịp thời của EU và NATO, căng thẳng giữa Ankara và Athens đã dịu đi phần nào. Gần đây, Ankara đã rút tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của nước này khỏi Đông Địa Trung Hải về cảng Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để mở đường cho các hoạt động ngoại giao với Hy Lạp. Khi nói đến những nỗ lực hóa giải bất đồng giữa hai nước trên, không thể không nhắc đến Đức, quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2020 và cũng là nước thành viên quan trọng trong NATO. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định, sự leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các bên. Theo ông Heiko Maas, hai nước này cần bình tĩnh và thực hiện những biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng.

Rõ ràng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại, giảm đối đầu trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả đàm phán để giải quyết căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải trong thời gian tới phụ thuộc hoàn toàn vào việc hai bên có thể nhượng bộ lẫn nhau hay không.

Theo QĐND