Sự kiện - chuyên đề:

Có một “Huế thương” giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ

VHDN: Nhiều cụ già đang sinh sống tại xã Phú Lộc (Krông Năng, Đắk Lắk) nói, địa danh hành chính xã Phú Lộc được bắt đầu từ đặc thù của lịch sử và nó liên quan mật thiết với Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế). Bởi ở đây còn khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa đặc thù của người con xứ Huế.

 

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống, trong đó dân tộc Kinh đông nhất với 1.161.533 người. Đắk Lắk có bản sắc văn hóa đa dạng, như trường ca Đam San, Xinh Nhã, đàn đá, đàn T’rưng, đàn K’lông pút… Đắk Lắk chính là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Trong không gian văn hóa phong phú và đa dạng ấy, nổi lên có một “Huế thương” giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, đó là xã Phú Lộc (Krông Năng, Đắk Lắk). Đây là một vùng đất mà khi đến bạn như được trở về với xứ Huế yêu thương. Chuyện kể rằng, ngay sau ngày chiến tranh kết thúc, những cư dân đầu tiên của Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) đã có mặt tại đây. Và chính họ đã kéo theo gia đình, bè bạn chọn vùng đất Bazan màu mỡ này làm điểm dừng chân, sinh cơ lập nghiệp để rồi 48 năm sau, hình thành một Phú Lộc trù phú, sung túc với “nét Huế” rất riêng trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Ông Nguyễn Hoàng Khái, Chủ tịch MTTQVN xã Phú Lộc- người con xứ Huế bộc bạch: Phú Lộc (Huế) có nhiều đặc sản lắm, đặc biệt là cây dâu làng Truồi. Tôi ao ước một ngày nào đó cây dâu làng Truồi- một sản vật nổi tiếng sẽ có mặt trên vùng đất bazan màu mỡ này. Nó không chỉ góp phần đa dạng cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con, mà chúng tôi còn như thấy được cả xứ sở quê hương của mình.

Năm 2018, xã Phú Lộc đã về đích Nông thôn mới, Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao của xã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhất là về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt Phú Lộc là một trong hai địa phương cấp xã (cùng với xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh chọn triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số. Phú Lộc đang nỗ lực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền qua các ứng dụng, dịch vụ tiện ích. Điểm nổi bật trong công tác giải quyết TTHC là UBND xã Phú Lộc đã triển khai mô hình “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ sáu không hẹn”. (“Không viết” là khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả vào ngày thứ ba hằng tuần sẽ được công chức hỗ trợ ghi thay các loại giấy tờ, hồ sơ, trừ một số TTHC đặc thù theo quy định pháp luật không được viết hộ. Còn “không hẹn” là khi tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC vào thứ sáu hằng tuần, nếu đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, công chức tiếp nhận xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo ký và trả kết quả ngay trong ngày).

Một chính quyền điện tử đã hình thành và đang dần hoàn thiện sẽ tạo ra nhiều sức bật mới, hiệu quả hơn trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền nơi đây. Phú Lộc (Krông Năng, Đắk Lắk) sẽ còn phát triển nhiều hơn trong tương lai- đó điều không có gì phải bàn cãi. Song điều khẳng định, dù có biến thiên, dâu bể thế nào thì những con dân Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) giữa đại ngàn Tây Nguyên này vẫn mang nặng tâm hồn “Huế thương”!

 

Nguyễn Dỉnh

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1&2/ 2024)

16:22:16 22-01-2024

VHDN: Nhiều cụ già đang sinh sống tại xã Phú Lộc (Krông Năng, Đắk Lắk) nói, địa danh hành chính xã Phú Lộc được bắt đầu từ đặc thù của lịch sử và nó liên quan mật thiết với Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế). Bởi ở đây còn khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa […]

Đối tác của chúng tôi