Sự kiện - chuyên đề:

Cổ tích giữa đời thường hay câu chuyện nhân văn về trái tim của người thầy giáo

“AI NÂNG CÁNH ƯƠC MƠ CHO EM”

Thuở nhỏ khi còn trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi dường như ai cũng thuộc lòng bài hát “Ai nâng cánh ước mơ cho em, là thầy cô không quản ngày đêm, ai dạy dỗ chúng em nên người, là thầy cô em ghi nhớ suốt đời, học hành chăm, sao xứng với công ơn này, lời thầy cô ghi nhớ không bao giờ quên, học tập tốt, chúng em xin làm việc tốt, tuổi trẻ góp phần xây đắp tương lai..” Mấy mươi năm rồi câu hát cũ tưởng đâu đã nằm yên trong ký ức thuở học cấp 1 trường làng. Hồi ấy, trường chúng tôi có lệ là vào đầu giờ học dành ít phút để cán bộ lớp phụ trách văn nghệ bắt nhịp cho cả lớp cùng hát một bài đồng ca nào đó trước khi vào giờ học chính thức và bài hát: “Ai nâng cánh ước mơ cho em…” như là một “nhạc hiệu” rất thường được sử dụng!

Lớn lên một chút, chúng tôi dần dần ngộ ra rằng lời bài hát cứ như là một dấu hỏi đeo đẳng suốt đời mình – để mà nhớ, mà khắc ghi về thầy cô- những người lái đò trên bến sông xưa cũ đã chắp đôi cánh ước mơ để ta bay bổng vào đời.

Thế nhưng, nhân vật trong bài viết của tôi là một thầy giáo khá đặc biệt! Sự đặc biệt ở đây không bao hàm cái gì dữ dội, cũng không ầm ĩ để truyền thông lao vào (và thầy cũng không cần như vậy), cái ấn tượng lớn nhất với tôi là việc thầy đã ky cóp, vận động từ những học trò thân yêu của mình san sẻ cho các bạn nhỏ không may mắn, thiếu mẹ, thiếu cha, nghèo khó, nương tựa nơi cửa chùa. Sự san sẻ đó có thể còn rất ít vì bản thân thầy và các học trò nhỏ của mình cũng không khá giả gì.

“Miếng khi đói bằng gói khi no”, “lá lành đùm lá rách” và có thể nói rằng trong hoàn cảnh này thì gọi là “lá rách ít đùm là rách nhiều” cũng không sai. Xong cái chính là từ công việc thiện tâm này, thầy đã truyền cho các học trò nhỏ mình một nhân cách sống đẹp, biết yêu thương, san sẽ, biết đùm bọc những bạn khó khăn, biết rung động trái tim trước những phận đời bất hạnh… Vâng! Đó chính là người đã âm thầm chắp thêm đôi cánh ước mơ cho các em nhỏ có phận đời kém may mắn, đang nương nhờ cửa Phật tại một ngôi chùa miền Trung nhỏ ở miền quê heo hút đầy nắng gió này.

TỪ TRÁI TIM NHÂN ÁI ĐÃ TÌM ĐẾN TRÁI TIM NHÂN ÁI

Đại đức Thích Đồng Khánh, trụ trì chùa Huệ Đức (thôn 4, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) là một vị sư thầy chỉ vào độ trung niên, ông xuất gia khá sớm và nguyện sẽ dâng hiến đời cho Phật đạo, xa lánh chuyện hồng trần, chuyên tâm kinh kệ và nghiên cứu y thuật, xem mạch, cắt thuốc (Đông y) để cứu người, giúp đời, rồi như một cơ duyên thiên định, những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, bị bỏ rơi… cứ lần lượt bằng nhiều con đường đã đến đây và vị sư thầy này lại giang tay chở che, đùm bọc. Gần 50 trẻ đã nương nhờ cửa Phật nơi đây, cơm chay đạm bạc, tâm hồn được nuôi dưỡng bằng tiếng kệ lời kinh, bằng lòng từ bi bác ái… Tuy nhiên, vì là chùa nhỏ, lại nằm ở miền quê xa, Phật tử gần xa biết về ngôi chùa nhỏ này cũng rất ít, gần năm mươi đứa trẻ ở đây… tất cả nhờ vào tình thương của bá tánh và sự lao động vất vả của vị sư thầy đang trụ trì tại đây.

Rồi cũng như một cơ duyên, người thầy giáo trung học- nhân vật ở phần đầu bài viết này tôi đã đề cập tìm đến đây, xúc động trước những đứa trẻ bị thiệt thòi đang nương nhờ cửa Phật này, ông đã bắt đầu một cuộc đồng hành cùng với nhà sư trụ trì lo cho các cháu. Mỗi đứa trẻ ở đây là một phận đời, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng có chung một bi kịch như nhau là thiếu vòng tay yêu thương của gia đình, cha mẹ, thiếu một đời sống bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác và trong muôn vàn cái thiếu đó thì cái thiếu một cuộc sống dù đạm bạc thôi nhưng vẫn không đủ đầy là nan giải vô cùng. Điều này cũng dể hiểu bởi sư thầy một thân một mình phải xoay sở, bươn chải để mong sao cho các bé bớt khổ thôi đã là một ước mơ quá sức rồi.

Và hai người người thầy một đạo, một đời ấy đã chung tay lại với nhau, cùng bắt tay lo cho lũ trẻ. Hàng tháng người thầy giáo trung học ấy đã cùng với học trò mình trở về chùa Huệ Đức và mang theo cả thấm lòng yêu thương đến cho các bé, khi thì gạo, dầu ăn, rau củ, khi thì bánh kẹo, mì tôm, thực phẩm… Họ đã góp nhặt những tấm lòng từ bi, nhân ái của mình, của các nhà hảo tâm do thầy đi vận động mang về san sẻ cho những phận đời kém may mắn đang nương nhờ cửa Phật nơi đây. Đặc biệt, trong số này có 7 trẻ có hoàn cảnh hơn những đứa trẻ khác được thầy trao tặng mỗi tháng 500 ngàn cho mỗi bé. Đây là số tiền mà thầy cùng các học trò mình chắt chiu dành dụm để giúp nhà chùa lo cho các bé “nếu không được bằng bạn bằng bè thì chí ít chúng cũng bớt khổ đi”- người thầy giáo này tâm sự.

Thưa bạn đọc!

Nhân vật thầy giáo trung học mà tôi nói đến chính là thầy Ngô Thanh Phong, giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh, sinh năm 1976, hiện đang dạy tại Trường PTTH Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, chúng tôi được biết hoàn cảnh kinh tế thầy Phong cũng khá khó khăn, một thân một mình nuôi con và chăm lo một mẹ già trên 80 tuổi.

Câu chuyên về hai người thầy “một đời- một đạo” cùng chung tay lo cho các bé cơ nhỡ, bất hạnh có được một nơi nương tựa, một mái ấm yêu thương cứ như là một cổ tích giữa cuộc sống vốn quá nhiều những vội vã, bon chen, sự thiện lành và lòng nhân ái đó chính là sức mạnh, là niềm tin để làm dịu đi những vết cứa đau buốt trong tầm hồn các bé không may mắn khi tuổi thơ đã nếm trải vị đắng của cuộc đời.

Họ thầm lặng truyền hơi ấm yêu thương, chung tay chắp thêm đôi cánh ước mơ cho những phận đời non trẻ!

Nguyễn Mạnh

14:29:34 09-03-2022

“AI NÂNG CÁNH ƯƠC MƠ CHO EM” Thuở nhỏ khi còn trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi dường như ai cũng thuộc lòng bài hát “Ai nâng cánh ước mơ cho em, là thầy cô không quản ngày đêm, ai dạy dỗ chúng em nên người, là thầy cô em ghi nhớ suốt […]

Đối tác của chúng tôi