Sự kiện - chuyên đề:

Tổ công tác của Thủ tướng: Doanh nghiệp vẫn kêu ‘khổ nạn’ thủ tục

Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng các bộ đã quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn có ý kiến phàn nàn về “khổ nạn” cấp phép, xin – cho, “quy định chung chung ai kiểm tra cũng được”.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 21/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc với 14 bộ, cơ quan về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và việc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh.

Các Bộ được kiểm tra gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế.

Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng thể chế, đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành các văn bản quy định chi tiết, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

“Chúng ta đã cắt giảm khá tốt nhưng nhiều ý kiến cũng nói cần xem xét hết sức thực chất về hiệu quả cắt giảm, nhất là khi các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ vừa qua”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Thời gian qua, các Bộ đã rất quyết liệt, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các phương án, ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

“Về mặt cơ học đã cố gắng rất quyết liệt, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ. Một ví dụ, theo Bộ Tài chính, việc đơn giản các điều kiện kinh doanh đã góp phần gia tăng số doanh nghiệp thành lập, như cùng với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh bảo hiểm, trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu bảo hiểm đã tăng tới 152% so với cùng kỳ…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung khẳng định các cải cách trong nhiệm kỳ này đã được doanh nghiệp, xã hội đánh giá rất cao và có tác động thực sự, như đầu tư trong nước tăng nhanh như một động lực góp phần cho tăng trưởng. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng nhanh hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài. Từ đó, mới có được tốc độ tăng trưởng GDP như vừa qua…

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị càn triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn các nhiệm vụ cải cách, đẩy mạnh truyền thông để làm nóng không khí cải cách, tác động tới niềm tin, kỳ vọng của xã hội.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những ý kiến đề nghị cần xem xét thực chất hơn nữa hiệu quả của việc cắt giảm này. Trước lãnh đạo 14 bộ, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới hàng loạt ý kiến từ nhiều phía.

Nhiều nơi cắt giảm còn hình thức

Cụ thể, có ý kiến nói trong 6 tháng đầu năm nay, cải cách quản lý kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, chủ yếu vẫn từ tiền kiểm sang hậu kiểm chứ không phải giảm số lượng mặt hàng cần kiểm tra như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.

Có ý kiến cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, một số việc đã được giao tại nhiều nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng nhưng các bộ chậm sửa đổi, nhất là việc sửa đổi các văn bản pháp luật; thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có nơi kéo dài tới 3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho doanh nghiệp thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới một số ví dụ như mặt hàng radar thu phát sóng (Bộ TT&TT và GTVT quản lý), dàn lạnh (Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ LĐ-TB&XH), nguyên liệu sữa (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế)…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn có tình trạng điều kiện kinh doanh hóa thân vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, “khổ nạn” cấp phép, xin cho còn nguyên thậm chí còn nặng nề hơn, rồi thủ tục “chào hỏi” qua biên giới tức thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa…”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.

Tổ công tác cũng nhắc tới các ý kiến lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cho rằng chi phí kinh doanh không chính thức giảm nhưng còn ở mức cao; hay có đơn vị cắt giảm thủ tục chạy theo cơ học, chạy theo thành tích, cắt giảm rất nhiều mà không chú ý vấn đề quản lý…

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa mang lại lợi ích rõ ràng, chỉ tháo gỡ những vướng mắc nhỏ, chưa tạo tác động sâu rộng và đã đến lúc phải đi vào cắt giảm những vấn đề khó, thực chất.

Quy định chung chung “ai kiểm tra cũng được”

Nhiều vướng mắc cụ thể cũng được Tổ công tác nêu rõ tại buổi làm việc. Với Bộ Công Thương, đó là thủ tục kiểm tra formaldehyte với sản phẩm dệt may. “Hiện có 6 nghìn doanh nghiệp dệt may, nhưng tỷ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyte rất nhỏ, mà lại kiểm tra 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng này, vậy có thể thay đổi phương thức kiểm tra không, như quản lý rủi ro, phân luồng xanh, đỏ, vàng để có hình thức kiểm tra phù hợp?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.

Với Bộ LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới quy định các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô phải có  đủ nhân lực, phương án về an toàn vệ sinh lao động theo pháp luật về lao động. Đề nghị Bộ nghiên cứu, xem xét, Tổ trưởng cho rằng đây là quy định dẫn chiếu nhưng chung chung, rất khó cho doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng “ai kiểm tra cũng được, hạch kiểu gì cũng được”.

Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trong quý III năm 2019. “Phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhưng không vì lý do đấy mà đặt ra rào cản, kìm hãm phát triển”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Cho tới nay, Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02, một số bộ khác như Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này.

Tổ công tác đề nghị các Bộ giải trình về các văn bản còn nợ đọng (nếu có), khẩn trương lên phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đăng tải công khai về các điều kiện đã cắt giảm, đồng thời trả lời về ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội về các khó khăn, vướng mắc với phương án xử lý cụ thể…

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đã báo cáo cụ thể về số điều kiện, thủ tục được đơn giản hóa, cắt giảm, đánh giá chất lượng việc đơn giản hóa, cắt giảm qua số ngày công và số tiền tiết kiệm được cho doanh nghiệp và xã hội; phương án tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện, thủ tục trong thời gian tới… Kết quả kiểm tra sẽ được tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sắp diễn ra.

Lượng văn bản quy định chi tiết cần ban hành còn rất lớn

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, từ đầu năm tới nay, Tổ công tác đã tiến hành 2 buổi làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, qua đó đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản này. Nếu tại buổi kiểm tra tháng 3/2019 có tới 32 văn bản nợ đọng thì tới buổi kiểm tra tháng 5 đã giảm còn 21 văn bản và tới nay còn 14 văn bản.

Tuy nhiên, trong số 14 văn bản này, có 6 băn bản nợ  đọng quá lâu, thậm chí có văn bản đã chậm trễ tới 8 tháng. Trong khi đó, luật đã có hiệu lực mà không có hướng dẫn kịp thời thì rất khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, trước thời điểm 15/11 năm nay, cần ban hành 16 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ tháng 1/1/2020. Sau đó, còn phải ban hành 12 nghị định chi tiết hướng dẫn các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2020.

Theo VGP

Chia sẻ
15:39:51 21-08-2019

Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng các bộ đã quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn có ý kiến phàn nàn về “khổ nạn” cấp phép, xin – cho, “quy định chung chung ai kiểm tra […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi