Sự kiện - chuyên đề:

Công ty cà phê Đắk Uy (Kon Tum): Người lao động cần thực hiện nghiêm hợp đồng giao nhận khoán

VHDN: Tại công ty cà phê Đắk Uy, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, một số công nhân có diện tích thu bói niên vụ 2020 2021 không thực hiện nghiêm túc hợp đồng giao khoán giai đoạn 2018 2020 đã ký với công ty,tự ý đưa sản phẩm về nhà, gây thất thoát tài sản của công ty. Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọngtới việc giao nộp sản phẩm thu bói niên vụ 2020 – 2021.

Hợp đồng giao nhận khoán giữa công ty và người lao động là rõ ràng

Đầu năm 2020, công ty đưa ra phương án thu sản phẩm cà phê bói năm thứ 2 với 3 mức thu: 2 tấn/ ha; 1,5 tấn/ha; 1 tấn/ha nhưng công nhân không thống nhất.Đảng ủy, Ban Giám đốc tổ chức họp với cán bộ chủ chốt công ty và các đội sản xuất bàn đưa ra mức thu phù hợp nhằm bảo đảm 3 lợi ích của người lao động, công ty và Nhà nước. Ngày 26-3-2020, Hội nghị đại biểu người lao động năm 2020 của công ty đã thảo luận và thống nhất “Sản phẩm cà phê thu bói trong thời kỳ vườn cây kiến thiết cơ bản được nộp về công ty 100%(Nghị quyết số 119/NQ-HNNLĐ, ngày 26-3-2020 của công ty cà phê Đắk Uy).

Để có cơ sở cho việc định sản, công ty triển khaiđánh giá, phân loại vườn cây theo các mức: A, B, C nhằm xác định số cây có quả và số cây không quả trên mỗi vườn cây. Sau đó, tiến hành lấy mẫu một số diện tích và lấy bình quân chung để xác định sản lượng. Căn cứ vào kết quả định sản, tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn công ty ngày 1-12-2020, tiếp thu các ý kiến tham gia, nhằm tạo động lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa công ty và người lao động, bù đắp một phần cho việc tái đầu tư cho vườn cây, công ty quyết định mức thu theo tỉ lệ: Công ty: 52,5% và người lao động: 47,5% (không thu 100% sản lượng theo Nghị quyết số 119/NQ-HNNLĐvà hợp đồng giao nhận khoán), vì trong quá trình chăm sóc vườn cây, ngoài phần đầu tư cơ bản của công ty, người lao động cũng bỏ thêm vật tư, phân bón, công sức thâm canh; trong đó, phần sản lượng công ty thu về, công ty sẽ trả tiền công hái và tiền vận chuyển cho người lao động.

Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị đại biểu người lao động, ngày 1-12-2020, Công ty ban hành Quyết định 311/QĐ-CT “Về việc thu sản phẩm cà phê bói năm 2020” để triển khai nhưng người lao động không chấp hành và cho rằng, công ty không có sự bàn bạc, định sản quá cao? Sau khi triển khai phương án thu hoạch và chỉ tiêu giao nộp sản phẩm cà phê bói thì người lao động không chấp hành, có thái độ thách thức, chống đối. Người lao động đã tự ý thu hoạch sản phẩm trên vườn cây nhận khoán khi chưa có chủ trương của Ban Giám đốc và vận chuyển sản phẩm về nhà hoặc đi tiêu thụ mà không giao nộp sản phẩm về công ty theo hợp đồng đã ký. Có những lao động sau khi thu hoạch xong chỉ nộp về công ty 77 kg cà phê quả tươi, trong khi đó, chỉ tiêu nghĩa vụ giao nộp là 2.090 kg. Một số lao động không chấp hành sự chỉ đạo của công ty và đội sản xuất, không giao nộp sản phẩm, khi đoàn kiểm tra của công ty và đơn vị đến kiểm tra lô nhận khoán thì bị  lăng mạ, xúc phạm, thách thức.

Để ổn định tình hình, sau nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo công ty với người lao động, ngày 30-12-2020, Công ty ban hành Quyết định 342/QĐ-CT “Về việc thu sản phẩm cà phê bói năm 2020” để thay thế cho Quyết định 311/QĐ-CT, ngày 1-12-2020. Theo đó, mức thu được điều chỉnh: Đối với diện tích cà phê tái canh được thu theo các mức A,B,C, tương ứng là: 2,5; 1,5; 1,0 tấn cà phê quả tươi/1ha; tỉ lệ ăn chia cũng được điều chỉnh theo mức: Công ty thu 34%; người lao động hưởng 66%. Đối với diện tích cà phê chuyển đổi từ cây cao su, mức thu tương ứng là: 3,5; 2,5; 1,5 tấn cà phê quả tươi/1ha; tỉ lệ ăn chia là: công ty: 26% và người lao động: 74%; trong đó, phần sản lượng công ty thu về, công ty sẽ trả tiền công hái và tiền vận chuyển cho người lao động.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Biền, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cà phê Đắk Uy cho biết, hợp đồng giao khoán đối với người lao động tại công ty được xây dựng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP, ngày2712 2016 của Chính phủ. Việc tái canh cà phê của công ty được thực hiện trên cơ sở phê duyệt dự án, dự toán chi phí tái canh chuyển đổi của Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Công ty triển khai việc tái canh và được đăng ký diện tích tái canh theo lộ trình, phù hợp điều kiện của từng người lao động. Toàn bộ chi phí tái canh vườn cà phê, từ nhân công đến vật tư, phân bón, giống… đều do công ty đầu tư 100%. Hàng tháng, công ty tổ chức nghiệm thu khối lượng công việc mà người lao động đã làm, chi trả tiền lương cho người lao động 100% theo khối lượng nghiệm thu thanh toán. Việc thu sản phẩm cà phê bói trên diện tích tái canh được công ty họp và bàn bạc với người lao động để đưa ra mức thu sản phẩm hợp lý. Tuy nhiên, người lao động vẫn không chấp nhận. Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn công ty đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã Hà Mòn, báo cáo tình hình, tổ chức đối thoại với người lao động. Tại Hộinghị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên Đảng bộ công ty ngày 10-12-2020, sau khi nghe báo cáo, đồng chí Ka Ba Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà cho biết: “Thường trực Huyện ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp đối với những lao động không thực hiện đúng hợp đồng giao nhận khoán và một số vướng mắc khác của Công ty cà phê Đắk Uy”.

Thực tế năng suất cà phê

Qua tìm hiểu thực tế tại một số hộ nhận khoán, chúng tôi thấy, việc công ty xác định sản lượng trên vườn cây có sự sai lệch nhưng là tương đối sát với thực tế tại vườn cây. Người lao động phản ánh vườn cây năm thứ 2 có năng suất thấp, nhưng thực tế tại vườn cây của bà Lê Thị Định thu được 10,372 tấn; vườn cây của ôngBùi Quốc Chí thu 11,083 tấn; vườn cây của ông Vũ Thanh Huyền (nguyên Giám đốc công ty) thu được 9,5 tấn. Tất cả những hộ trên đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm giao nộp sản phẩm cho công ty. Qua đó, có thể thấy rằng, năng suất tại các vườn cây là tốt, đánh giá chất lượng vườn cây là tương đối sát. Tuy nhiên, một số người lao động đã phủ nhận thực tế, không chấp hànhhợp đồng giao nhận khoán đã ký kết. Lãnh đạo công ty cho biết thêm, rất tiếc là những ý kiến không đồng ý, công ty không nhận được bất kỳ một kiến nghị bằng văn bản hay ý kiến trực tiếp nào từ người lao động, mà công nhân tự ý đưa sản phẩm về nhà, không chấp hành Nghị quyết Hội nghị đại biểu người lao động và hợp đồng giao nhận khoán, gây bất ổn, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị của công ty và làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh

Theo ông Phạm Thế Cương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty cà phê Đắk Uy, quan điểm của Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty là thực hiện nhiệm vụ chính trị của công ty là bảo toàn vốn của Nhà nước, tập trung sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt quan tâm, chăm lo lợi ích, quyền lợi chính đáng nhằm không ngừng nâng cao đời sống của người lao động. Vì vậy, hầu hết, chủ trương, giải pháp sản xuất, kinh doanh của công ty đều thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Tổng Công ty cà phê Việt Nam.

Ông Nguyễn Cao Biền, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cà phê Đắk Uy cho biết, lãnh đạo công ty luôn muốn được tiếp thu những ý kiến đóng góp với tinh thần xây dựng; sẵn sàng đối thoại, bàn bạc với người lao động để tìm được tiếng nói chung, vì sự ổn định và phát triển của công ty. Ông khẳng định, mọi chủ trương, nhiệm vụ quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của công ty đều được tuân thủ theo đúng quy định. Tuy có vướng mắc, khó khăn nhưng tổng kết nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2020, công ty tổ chức thu sản lượng hoàn thành kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo Công ty cà phê Đắk Uy mong muốn có một số ít người lao động có thể chưa nắm rõ quy định, pháp luật và tình hình thực tế tại công ty, chỉ nghe tuyên truyền chưa đúng nên có thái độ chưa hợp tác hãy có văn bản đề nghị hoặc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc,thống nhất, cùng đưa ra mức giao nhận khoán phù hợp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, công ty và người lao động./.

Nguyễn Khánh Ngọc

10:52:35 16-07-2021

VHDN: Tại công ty cà phê Đắk Uy, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, một số công nhân có diện tích thu bói niên vụ 2020 – 2021 không thực hiện nghiêm túc hợp đồng giao khoán giai đoạn 2018 – 2020 đã ký với công ty,tự ý đưa sản phẩm về nhà, gây thất […]

Đối tác của chúng tôi