Sự kiện - chuyên đề:

CUỘC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

KIẾN NGHỊ NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ ĐỂ ĐẨY NHANH, ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG

VHDN: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị với Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo nhằm tăng cường, đẩy mạnh xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Đến nay, Cuộc vận động đã được triển khai tới 63 tỉnh thành nhưng mới ở cấp độ vĩ mô, mới đến được với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp lớn ở các địa phương. Trên cơ sở những hợp tác đã ký kết với các địa phương, chúng tôi sẽ triển khai Cuộc vận động sâu hơn, rộng hơn”. Đó là tâm sự của ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hoá Kinh doanh” và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực “Cuộc vận động Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam”.

Năm nay là hơn 4 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, Cuộc vận động đã để lại những dấu ấn nào nổi bật?

Ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hồ Anh Tuấn: Trong buổi lễ công bố Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam (7/11/2016) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động. Ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 248/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động (BTC 248) bao gồm một số bộ, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí, các hội, hiệp hội doanh nghiệp lớn…, nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai Cuộc vận động đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi xác định, sự nghiệp xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam là một quá trình có nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành lâu dài, kiên trì, khoa học, và phải được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị, cũng như sự nỗ lực của từng doanh nghiệp vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của chính họ và cộng đồng. Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, Cuộc vận động được triển khai theo hướng Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với  chính quyền các địa phương tổ chức các hội nghị triển khai để phổ biến và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đồng thời kết hợp với các ban, ngành, các chuyên gia, nhà  quản lý, các hội xã hội – nghề nghiệp tiến hành công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các doanh nghiệp, qua đó động viên cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp.

Sau hơn 4 năm triển khai Cuộc vận động, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan và sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực của BTC 248, Hiệp hội Phát triển VHDNVN, Cuộc vận động Xây dựng VHDN Việt Nam đã bước đầu đi vào cuộc sống.

Vậy, để triển khai Cuộc vận động, BTC 248 và Hiệp hội đã tổ chức những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn: Sau khi xác định mục tiêu, chiến lược, chúng tôi đã triển khai Cuộc vận động tại các khu vực: Tháng 7/2018 tại Quảng Ninh với 9 tỉnh phía Bắc; tháng 9/2018 tại Sơn La với 7 tỉnh Tây Bắc; tháng 11/2018 tại Thừa Thiên-Huế với 17 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; tháng 4/2019 tại Cần Thơ với 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; tháng 8/2019 tại Thành phố Hà Nội với 9 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và tháng 10/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh với 8 tỉnh miền Đông Nam bộ. Hơn 4 năm qua, Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và BTC 248 đã triển khai Cuộc vận động rộng khắp tại 6 khu vực, gồm 63 tỉnh, thành phố và tháng 9 năm 2019 đã tổ chức triển khai tại một số nước Châu Âu: Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc, tham gia Diễn đàn lần thứ 11 của Cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Ba Lan với 13/33 nước thuộc khu vực Châu Âu tham dự. Các sự kiện nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã tổ chức triển khai Cuộc vận động, tiêu biểu như: Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An…

Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT phát biểu tham luận tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hoá Kinh doanh”.

 

Đi liền với tổ chức các hội nghị triển khai tại các khu vực trên cả nước và Châu Âu, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hội nghị với sự tham gia của đại diện các hội, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, giới truyền thông, doanh nghiệp… tại các địa phương, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Đắk Lắk, Đồng Tháp… để tuyên truyền về Cuộc vận động, đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho Bộ tiêu chí Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp Văn hoá tiêu biểu”.

Cuối năm 2019, chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Cuộc vận động. Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động, nhưng chúng tôi cũng đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo, sự kiện thiết thực để Cuộc vận động tiếp tục lan tỏa. Đặc biệt, tháng 11/2020, chúng tôi đã tổ chức thành công diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hoá Kinh doanh” và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực “Cuộc vận động Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam”. Diễn đàn vừa là sự kiện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau 4 năm triển khai Cuộc vận động, vừa chung tay cùng Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, đồng thời khích lệ, động viên những doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, đóng góp tích cực cho Cuộc vận động…

Để Cuộc vận động tiếp tục lan toả, thời gian tới BTC 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Ông Hồ Anh Tuấn:Tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hoá Kinh doanh”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình từng nhấn mạnh: “Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, cùng với việc doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh; xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp cần phải xây dựng, phát triển Văn hóa Doanh nghiệp, xác định đây là vấn đề cốt lõi, là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển”.

Và để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó, đưa Cuộc vận động đi sâu vào đời sống, trong năm 2021, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, như: Năm 2017, chúng tôi đã ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nhưng sau nhiều lần thảo luận, xin ý kiến, chúng tôi thấy rằng cần sửa đổi thành Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam để đảm bảo sự bao quát, bao hàm một phạm vi rộng lớn hơn. Tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hoá Kinh doanh” vừa qua, chúng tôi cũng kiến nghị vấn đề này và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã hoan nghênh và đồng ý về những điều chỉnh này.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là chúng tôi tiếp tục hoàn thành Bộ công cụ đo lường Văn hóa Doanh nghiệp để đánh giá sự ảnh hưởng của việc xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Tức là chúng tôi sẽ xây dựng những tiêu chí để doanh nghiệp thực hiện theo và để họ thấy mình được hưởng lợi những gì khi áp dụng theo những tiêu chí đó, như: kết quả sản xuất kinh doanh tốt lên thế nào, giá trị thương hiệu phát triển ra sao, giá trị cốt lõi tăng lên ra sao… Qua đây, chúng tôi muốn chỉ ra rằng, khi doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động thì doanh nghiệp có lợi gì về mặt doanh thu, lợi nhuận, thương hiệu, đoàn kết nội bộ…

Thứ ba, chúng tôi sẽ đề nghị với Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo nhằm tăng cường, đẩy mạnh việc xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp trong thời gian tới để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Thứ tư, sau 5 năm triển khai Cuộc vận động, năm 2021 sẽ là lần đầu tiên chúng tôi có những đánh giá về kết quả đã đạt được của Cuộc vận động, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng 5 năm tiếp theo sẽ triển khai những hoạt động gì để Cuộc vận động không ngừng lan tỏa, đi vào cuộc sống. Và trước tiên chúng tôi sẽ trao danh hiệu “Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu”, để tôn vinh, khen thưởng, động viên những doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ căn cứ vào Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh, Bộ công cụ đo lường Văn hóa Doanh nghiệp để lượng hóa cụ thể, đánh giá một cách khoa học, bài bản và chính xác khi tôn vinh doanh nghiệp.

Nhiệm vụ thứ năm là, tiếp tục triển khai Cuộc vận động một cách bài bản. Đến nay, Cuộc vận động đã được triển khai tới 63 tỉnh thành nhưng mới ở cấp độ vĩ mô, mới đến được với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp lớn ở các địa phương. Trên cơ sở những hợp tác đã ký kết với các địa phương, thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai Cuộc vận động sâu hơn, rộng hơn để đưa Cuộc vận động đến với cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần sự chung tay của nhiều đơn vị, như: các trung tâm huấn luyện, các công ty đào tạo, các trường đại học…

Cuối cùng, chúng tôi cũng sẽ xin phép thành lập Quỹ hỗ trợ Xây dựng và Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở tự nguyện đóng góp kinh phí. Tôi cho rằng, khi các doanh nghiệp thấy có ích, thấy xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp giúp phát triển kinh doanh tốt hơn thì họ sẽ tham gia đóng góp cho Quỹ để không chỉ tạo động lực cho chính mình mà còn góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nước nhà. Chúng tôi sẽ xin phép các cơ quan chức năng để thành lập Quỹ theo đúng các quy định của Nhà nước. Quỹ được thành lập nhằm tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp trong cả nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, các chương trình, sự kiện để từng bước đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống…

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc ông một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Phan Anh

 

 

Chia sẻ
15:44:09 31-01-2021

VHDN: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị với Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo nhằm tăng cường, đẩy mạnh xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Đến nay, Cuộc vận động đã […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi