Sự kiện - chuyên đề:

Cựu chiến binh, nghệ nhân Đỗ Phi Thường: Người “ Giữ lửa” nghề mộc mỹ nghệ Chàng Sơn

VHDN: Với niềm đam mê bất tận, óc sáng tạo cùng đôi bàn tay tài hoa khéo léo, Cựu chiến binh, nghệ nhân Đỗ Phi Thường đang từng ngày, từng giờ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc mỹ nghệ tại quê hương.

Cựu chiến binh, nghệ nhân Đỗ Phi Thường đang “sáng tác” bức tranh phong cảnh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chín đời làm nghề mộc tại xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), từ nhỏ Nghệ nhân Đỗ Phi Thường đã được cha truyền dạy cho những kỹ thuật làm mộc gia truyền. Vốn có năng khiếu và niềm đam mê cộng thêm sự chỉ bảo tận tình từ người cha, tám tuổi Nghệ nhân Đỗ Phi Thường đã biết làm nghề phụ giúp gia đình.

Năm 1987 anh nhập ngũ và được “biên chế” vào Sư 316 thuộc Quân khu 2. Đơn vị anh đóng quân tại Hoàng Liên Sơn, sau đó anh được điều qua giữ chốt tại Vị Xuyên – Hà Giang, một trong những cứ điểm Trung Quốc ngày đêm bắn phá lúc bấy giờ. Chính thời gian trong quân ngũ đã tôi luyện nên một Đỗ Phi Thường có bản lĩnh “thép” của người lính cụ Hồ. Năm 1989 anh xuất ngũ trở về địa phương, nhận thấy có thể làm giàu bằng chính nghề mộc truyền thống, anh đã mạnh dạn thành lập Cơ sở sản xuất nội thất mộc tre mỹ nghệ Tràng Thành với ngành nghề chính là: Trùng tu di tích lịch sử cổ, sản xuất các sản phẩm đồ thờ, tạc tượng, tạc chân dung, chạm khắc tranh phong cảnh bằng gỗ, làm rối nước, quách tịch…Ban đầu anh gặp không ít khó khăn bởi cơ sở vật chất nhỏ hẹp, nguồn vốn ít ỏi. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của gia đình, anh em, bạn bè, đồng đội, với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, anh đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Có những thời điểm cơ sở của anh tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động, đa số họ là những bộ đội phục viên, con em cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ với mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/người/tháng.

Với đôi bàn tay tài hoa khéo léo, Nghệ nhân Đỗ Phi Thường đã để lại dấu ấn đậm nét của mình tại những nơi thờ tự tâm linh như: Chùa Chân Long, chùa Phúc Thọ… Những bức tượng do anh chế tác tại đây rất tinh xảo và có thần được mọi người khen ngợi. Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp – Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua đời, với tình cảm sâu đậm dành cho Đại tướng, anh đã mang theo bức tượng chân dung Đại tướng do mình sáng tác ra tận nhà riêng của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu để viếng và trao tặng bức tượng chân dung Đại tướng cho Ban tổ chức tang lễ. Hiện bức tượng đang được lưu giữ trưng bày tại đây.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, vui có, buồn có nhưng anh chưa bao giờ hết yêu nghề, vẫn cần mẫn như “con ong chăm chỉ” từng ngày từng giờ bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương.

Với những nỗ lực ấy, năm 2014 anh được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vinh danh là “Doanh nhân Văn hóa, hội nhập và phát triển theo tiêu chí của UNESCO Việt Nam”. Năm 2015 anh vinh dự được thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” ngành nghề chạm khắc gỗ sơn son thếp vàng… Đó chính là những phần thưởng xứng đáng, là nguồn động viên to lớn đối với anh và gia đình để anh có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc mỹ nghệ của quê hương.

Quang Vinh

21:09:35 08-07-2021

VHDN: Với niềm đam mê bất tận, óc sáng tạo cùng đôi bàn tay tài hoa khéo léo, Cựu chiến binh, nghệ nhân Đỗ Phi Thường đang từng ngày, từng giờ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề mộc mỹ nghệ tại quê hương. Sinh ra và lớn lên trong một gia […]

Đối tác của chúng tôi