Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho hay, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019. Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31-12-2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.

Đã cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, miền núi, hải đảo
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị.

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn đã thay đổi sâu sắc cuộc sống hằng ngày của người nông dân. Từ việc giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, điện cũng như giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng công cụ máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình nông dân, đã cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, hiện vẫn còn khoảng 154 ngàn hộ dân khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo vẫn chưa có điện. Mục tiêu mở rộng tiếp cận điện năng cho các hộ chưa có điện là một thách thức lớn đặt ra cho giai đoạn tới và cần được ưu tiên triển khai ngay sau khi huy động được nguồn lực tài chính. Thách thức là phải xác định được cách thức thích hợp nhất để cung cấp điện cho các hộ còn lại vì hầu hết là ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Hiện nay cần cân nhắc thúc đẩy giải pháp cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo do thời gian gần đây, chi phí của trang thiết bị năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể.

Đã cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, miền núi, hải đảo
Các đại biểu dự hội nghị.

Còn ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ cấp điện cho hầu hết các hộ dân nông thôn. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư còn thiếu khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Tổng vốn là rất lớn, đến nay việc huy động vốn ngân sách cho chương trình gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đầu tư cấp điện cho vùng miền núi, hải đảo. Trong khi đó, nước ta trở thành nước có điều kiện kinh tế phát triển, không còn được tiếp cận các nguồn vốn ODA ưu đãi. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị, Chính phủ báo cáo Quốc hội cân đối nợ công, ưu tiên để Chính phủ huy động các nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài bổ sung ngân sách Trung ương để thực hiện cấp phát kết hợp cho các chủ đầu tư vay lại triển khai Chương trình.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục bố trí các nguồn vốn ưu đãi để có thể nâng cấp, cấp điện tại các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi theo mục tiêu đặt ra.

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn bản; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo QĐND