Sự kiện - chuyên đề:

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về Sách giáo khoa

Trong phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về kinh tế – xã hội vào sáng 4/11, câu chuyện biên soạn, lưu hành SGK tiếp tục được nhiều ĐBQH quan tâm, tranh luận.

Đề nghị điều tra hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo…

ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) giơ biển tranh luận lại với ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) về phát biểu trong phiên thảo luận chiều qua liên quan đến nội dung SGK.

Là người công tác trong ngành giáo dục, ĐB Thảo khẳng định 2/3 nội dung trong bài phát biểu của bà hôm qua tập trung vào đề xuất giải pháp để cho ngành được tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về Sách giáo khoa
ĐB Đặng Thị Phương Thảo.

Về sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra, bà Thảo giải thích, thực chất kiến nghị của bà là cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu đối với các hành vi in ấn trái phép làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo quyền tác giả, quyền xuất bản.

Kiến nghị này xuất phát từ 2 căn cứ, đó là tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua chưa được dẹp bỏ. Hai là xuất phát từ chính cử tri địa phương băn khoăn về tình trạng này làm cho con em người dân mất tiền mua phải SGK giả,.

Phát biểu sau đó, ĐB Phạm Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề: “Học tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, mà bài học đầu đời đã khiến các con sợ học thì có khác gì một sự ngược đãi với tâm hồn trẻ thơ. Có Hội đồng thẩm định SGK cấp quốc gia nào mà thẩm quyền còn thua giáo viên? Chẳng có ở đâu lại cho phép giáo viên thay ngữ liệu khác phù hợp hơn so với SGK”.

“Cá nhân tôi đã mua sách về đọc, ghi chép, liệt kê từng nội dung mà mình chưa hiểu thấu, gặp gỡ giáo viên và phụ huynh để thảo luận, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn về ngôn ngữ, tâm lý. Tôi tin, họ có thừa năng lực, đủ phẩm chất và tâm thức để có góc nhìn khoa học, thấu đáo trong giáo dục trẻ”, ĐB cho hay.

Nữ ĐB tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: “Xin đừng trút thêm gánh nặng, áp lực cho đội ngũ giáo viên, bởi chính họ cũng cần được bảo vệ trong sự cố này”.

Đổi mới căn bản giáo dục: Cần có sự chia sẻ

Tranh luận sau, ĐBQH Ngô Thị Minh cũng phát biểu về vấn đề SGK, vừa nhận chức Thứ trưởng GD-ĐT được 2 tháng nên bà chia sẻ với những lo toan, trăn trở của 2 nữ ĐBQH.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về Sách giáo khoa
ĐB Ngô Thị Minh.

Theo bà đổi mới chương trình SGK là việc lớn và rất khó, Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến của cử tri và giải trình trước QH.

“Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông đang chuyển rất mạnh từ truyền thụ kiến thức một chiều cho học sinh sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Việc đổi mới này đòi hỏi có 1 chương trình tổng thể các môn học đã được công bố”, nữ ĐB nêu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết SGK đang biên soạn theo chủ đề và một chủ đề có thể dạy 2-3 tiết. Dạy theo chủ đề học sinh sẽ có nhiều nhìn nhận, góc tiếp cận khác nhau.

Qua đại dịch Covid-19, các em 5 tuổi có đến 6 tháng nghỉ ở nhà và không có thời gian chuẩn bị nên “những lo toan chia sẻ của các ĐB rất đúng”. Nhìn thẳng vào chặng đường theo nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, theo bà cần có sự đồng thuận chia sẻ với ngành giáo dục khi Bộ trưởng cũng đã có hứa hẹn và đã chỉ đạo quyết liệt trong ngành.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về Sách giáo khoa
ĐB Nguyễn Ngọc Phương.

Cùng xuất phát từ ngành giáo dục, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ: “Quá trình thực hiện, tôi tin tưởng rằng Bộ GD-ĐT thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và có sự góp ý của các GS,TS và ban chỉ đạo”. Đây là lần đầu tiên thực hiện nên không thể tránh khỏi sai sót cần phải rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên hiện nay có nhiều đối tượng đẩy sự việc nặng nề thêm và phủ nhận thành tích của Bộ GD-ĐT.

ĐBQH tiếp cận, lắng nghe những bức xúc của người dân, để khi cần giải thích thì phải giải thích nhưng cũng phải ghi nhận thành tích của ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT. “Việc gì chưa thỏa mãn thì trao đổi, có kiến nghị nhưng theo phải có nhận thức để góp ý mang tính xây dựng theo Nghị quyết 29”, ĐB tỉnh Quảng Bình phân tích.

“Bộ GD-ĐT đã có giải trình, tiếp thu ngày hôm qua. Đây là những điểm cần lưu ý, rút kinh nghiệm, đừng đẩy sự việc lên mức độ khiến người dân mất niềm tin về Bộ GD-ĐT, rồi đề nghị trì hoãn theo tôi đó là điều không cần thiết”, ĐB Phương nhấn mạnh.

Tranh luận tiếp, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương (người tranh luận với ĐB Thảo vào chiều qua) khẳng định: “Nói ở đây không phải để bênh Bộ GD-ĐT nhưng phải nói khách quan”.

Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về Sách giáo khoa
ĐB Bùi Văn Phương.

Theo ông Phương SGK tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có sai sót, nhưng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu. Việc này khắc phục được, đó là giáo viên sẽ sửa lại khi giảng dạy đến bài đó.

ĐB tỉnh Ninh Bình sau đó đọc lại phát biểu tại nghị trường của ĐB Thảo hôm qua và cho rằng việc chuyển cơ quan điều tra việc in sách lậu là hoàn toàn chính xác, ông không có ý kiến.

“Tôi chỉ băn khoăn chuyện một số lỗi trong SGK lớp 1 mà phải chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định, của tác giả, chủ biên… thì có gì đó quá mức”, ĐB vẫn giữ nguyên quan điểm.

Phát biểu tại Quốc hội, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải hết sức lưu ý bởi những sai sót ấy có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

“Tôi đã chỉ đạo Bộ tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để nghe góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến chưa đúng thì phản hồi lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả vì tương lai đất nước và của con cháu” – Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Phó Thủ tưởng nói, trước đây chúng ta 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, Chương trình và sách giáo khoa gần như không phân biệt và coi như bắt buộc. Tôi hỏi các cô giáo ví như thế nào cho dân dễ hiểu, nên nói với tôi là trước đây chúng ta quy định 1 bộ sách giáo khoa như quy định đồng phục 1 áo màu, 1 kiểu, còn bây giờ nhiều bộ sách giáo khoa là chỉ cần áo dài, còn chất liệu, kiểu dáng khác nhau. Nhưng không có nghĩa là áo dài mới ấy nhìn thì không phải là áo dài và phải đẹp hơn áo dài đồng phục.

Dù có một hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ và không hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của các nhà khoa học, giáo viên, nhân dân.

Theo vietnamnet

14:38:47 04-11-2020

Trong phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về kinh tế – xã hội vào sáng 4/11, câu chuyện biên soạn, lưu hành SGK tiếp tục được nhiều ĐBQH quan tâm, tranh luận. Đề nghị điều tra hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo… ĐB Đặng Thị Phương […]

Đối tác của chúng tôi