Sự kiện - chuyên đề:

Đại đức Thích Minh Không: “Đạo đức trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thành toàn sự nghiệp”

VHDN: Thầy cảm ơn câu hỏi của Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đây như một nỗi niềm băn khoăn lo lắng cho sự phát triển, tồn vong, thịnh vượng của các doanh nghiệp đã, đang và sẽ là nhân tố tích cực đóng góp cho cục diện kinh tế đất nước. Thầy ước mong tha thiết là, chính sách cởi mở của Nhà nước luôn tạo điều kiện quan tâm và bảo hộ cho các doanh nhân, doanh nghiệp được ưu tiên về thủ tục pháp lý nhanh gọn. Khi doanh nghiệp có sự cố về người, tài sản ở trong và ngoài nước thì Nhà nước luôn dõi theo, tháo gỡ những vướng mắc kịp thời để doanh nghiệp sớm ổn định trở lại. Một doanh nghiệp tử tế, có tâm tình đóng góp cho đất nước mà phải tự bơi, tự gục ngã và tự đứng dậy trong tuyệt vọng, mất mát, thì không thể cam tâm được. Một doanh nghiệp tử tế tồn tại mà đổ vỡ, phá sản, kéo theo bao người mất việc làm, bao gia đình lâm cảnh khó khăn, kinh tế đảo lộn, bao biến động xã hội phát sinh…

Thưa Đại đức Thích Minh Không, như mọi người đều biết kinh doanh là nghề đối đầu với nhiều thách thức lớn, mà thách thức lớn nhất đối với một doanh nhân có lẽ là giữ được đạo đức, giữ được lương tâm nghề nghiệp. Là một người tu hành, Thầy có thể chia sẻ cho cộng đồng phật tử (doanh nhân) nói riêng và giới doanh nhân nói chung có cơ hội thấu hiểu về lời Phật dạy trong kinh doanh để người phật tử và doanh nghiệp biết làm việc thiện, giữ trọn đạo đức trong kinh doanh?

Đại đức Thích Minh Không: Là một doanh nhân khi thành lập doanh nghiệp thì mong cầu chính đáng là phải có doanh thu, mà doanh thu phụ thuộc vào doanh số đầu ra sản lượng hàng hóa, dịch vụ. Song, nếu doanh nghiệp không trung thực hoặc thiếu sót hoặc phóng đại về sản phẩm, về dịch vụ thì không giúp cho doanh nghiệp có chỗ đứng và lẽ tất yếu không sớm thì muộn sẽ không có cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại để cạnh tranh với thị trường nói chi là sự phát triển bền vững. Không trung thực trong kinh doanh chính là vi phạm đạo đức và điều này theo quy luật vận hành nhân quả tự nhiên, cho dù Chư Phật có ra đời hay không, có hiện hữu hay không hiện hữu nơi thế giới này thì nhân vẫn như vậy, quả vẫn như vậy, duyên vẫn như vậy, nghiệp vẫn như vậy, báo vẫn như vậy, ứng vẫn như vậy. Nhân, duyên, nghiệp, quả, báo, ứng… vẫn như vậy chẳng phải do Phật tự nói ra, mà tất cả vốn là quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh quan và thế giới quan một cách tự nhiên như bóng theo hình, người làm, trời nhìn. Có điều, Chư Phật hay chính Đức Phật đã tìm ra nguyên lý này và chỉ ra cho con người phải thuận theo quy luật vận hành của trời đất mà sống tốt, sống có ích không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh. Cũng như doanh nghiệp làm chủ mình, làm chủ kinh tế của mình và không đánh mất sự ủy thác tin tưởng giao phó của bao con người trong cộng đồng xã hội. Trái ngược đạo đức trong kinh doanh hay trong mọi hành vi thuộc về lẽ phải là tự đào mồ chôn mình.

Với bối cảnh xâm lấn đạo đức hiện tại, tình trạng xã hội Việt Nam nói riêng, thì báo động đỏ về thực phẩm bẩn, sản phẩm không an toàn, hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang là vấn nạn, nhức nhối lớn đối với quốc gia, dân tộc. Chúng ta cần phải đánh giá và nhìn nhận, Nhà nước cũng cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh vì lợi ích riêng tư cá nhân sẵn sàng bất chấp đến sự tổn hại đối với nhân sinh xã hội, vô pháp vô thiên làm ảnh hưởng đến khối đại doanh nghiệp của đất nước. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì tất yếu sản phẩm, hàng hoá phải chất lượng và an toàn tuyệt đối đến với người dùng.

Đạo đức trong kinh doanh chính là lương tâm của nghề nghiệp. Là người có nhân cách và lương tâm thì không bao giờ dùng những thủ đoạn gian xảo, dối trá, gạt gẫm nhằm đạt được lợi ích riêng tư cá nhân để mưu đồ trục lợi. Không đánh tráo sản phẩm, vi phạm bản quyền, phá giá, chạy thuế, trốn lậu thuế, làm tổn hại đến môi sinh, môi trường và sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng, không đối xử không công bằng với khách hàng, hay coi khách hàng là đối tượng để lợi dụng kiếm tiền bất chính, bất chấp tất cả không trừ lợi ích của nhân sinh xã hội. Đã có nhiều câu chuyện bất nhẫn từ hoa trái, rau màu, thực phẩm v.v… khu vực để người thân, người nhà sử dụng được coi là “thực phẩm sạch”, sẽ có chỉ số “an toàn”. Còn bán, chuyển giao cho khách hàng sẽ là hàng hoá, sản phẩm kém chất lượng hoặc thậm chí thực phẩm, sản phẩm độc hại mà nhà cung cấp vì lợi ích tham cầu thương mại vẫn nhẫn tâm, bất chấp đạo đức, sẵn sàng gieo rắc bệnh tật cho nhân sinh xã hội. Đương nhiên, đây là tội ác trong kinh doanh cần phải được pháp luật xử trị nghiêm minh, đưa vào khung hình phạt nặng nếu cố tình, cố ý, có chủ đích, hoặc thực hiện hành vi một cách mờ ám và có tổ chức.

Một doanh nhân điều hành một doanh nghiệp mà nhân cách tỏa sáng, trung thực trong kinh doanh thì tất yếu theo quan điểm góc nhìn từ lăng kính nhân quả của đạo Phật, doanh nhân sẽ tạo dựng được phước báu lớn vì hằng sinh, hằng sản cho xã hội những sản phẩm tốt và ưu việt. Lẽ đương nhiên doanh nghiệp đó sẽ được xã hội nhìn nhận, đánh giá và tin tưởng gửi gắm. Nhờ đó doanh nghiệp có chỗ đứng trong xã hội, đó chính là chìa khóa của sự thành công. Các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh không mang lòng hẹp hòi đố kỵ, không sử dụng những thủ đoạn đê hèn nhằm dã tâm triệt hạ đối phương thì cũng là đạo đức đàng hoàng, tử tế trong nghề nghiệp, trong kinh doanh. Vẫn biết, thương trường vốn là chiến trường và thực tế tính cạnh tranh rất khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng thay đổi mẫu mã, hình thức, nội dung chất lượng sản phẩm để phù hợp và thích ứng với người dùng. Đây cũng chính là yếu tố cấp thiết của xã hội mà doanh nhân cần phải cập nhật thời đại để lèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình bền vững trước sức mạnh cạnh tranh. Đạo đức trong kinh doanh sẽ là nền tảng để một doanh nghiệp trường tồn và phát triển. Nếu một khi doanh nhân điều hành doanh nghiệp vướng vào những hành vi kinh doanh phi đạo đức thì doanh nghiệp sẽ đánh mất uy tín và khi đó người dùng sẽ tìm tới sản phẩm của một doanh nghiệp khác và lẽ đương nhiên doanh nghiệp làm ăn phi pháp sẽ đổ vỡ. Nên nói, chính nghĩa còn có lúc phải điêu đứng huống hồ phi nghĩa.

Thưa Thầy, kinh doanh là đề tài mà Đức Phật đã chỉ dạy cho hàng tại gia cư sĩ phật tử. Vậy Đức Phật đã khuyên dạy cư sĩ phật tử kinh doanh như thế nào? (Những nghề nào Đức Phật khuyên không nên làm? Vì sao không nên kinh doanh những nghề này?).

Đại đức Thích Minh Không: Đức Phật đã chỉ dạy cho các hàng cư sĩ phật tử tại gia rất nhiều điều lợi ích trong cuộc sống, như làm thế nào để trở thành một quân vương tốt, cũng như một nhà điều hành đất nước tốt, một nhà chấp pháp tốt, một quan tòa tốt, một bề tôi tốt, một người Thầy tốt, một người trò tốt, một người chồng tốt, một người vợ tốt, cho đến đạo làm cha, làm mẹ, làm con, trách nhiệm bổn phận đối với quốc gia xã hội…

Về kinh doanh Đức Phật cũng lân mẫn (gần gũi sáng suốt) chỉ dạy cho các thương nhân cách làm giàu và duy trì tăng trưởng bền vững. Có thể nói, tất cả những gì hữu ích cho con người, cho tha nhân, Đức Phật cũng vì lòng đại từ mẫn chỉ dạy đầy đủ. Cũng như giới luật Phật môn hình thành đều có duyên khởi, dựa trên nền tảng khách quan toàn diện lịch sử, tùy phạm tùy chế. Như vậy, giới luật mà Đức Phật chế định cho hàng đệ tử xuất gia thực sự không có khe hở nào để chốn chạy được dù chân tơ kẽ tóc, còn giới điều cho hàng cư sĩ Phật tử tại gia thì nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đối với doanh nhân hay trưởng giả cư sĩ, về kinh doanh Đức Phật chỉ dạy cách làm giàu chân chính để chống lại cái nghèo, từ cái nghèo vật chất dẫn đến cái nghèo tinh thần, một khi đã nghèo tinh thần con người trở nên thật nhút nhát, nhu nhược, thiếu tự tin và có thể sẵn sàng làm nô lệ cho người ta sai khiến, dễ bị đối xử bất công, khinh chê và miệt thị, dễ bị mua chuộc bằng mọi hình thức. Đức Phật cũng từng cho rằng, nghèo khổ là một tai ương. Song, Phật cũng khuyên dạy chúng sinh dù ở hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa, tuyệt nhiên không vì nhất thời khốn khổ mà kinh doanh tà mạng.

Có lần Đức Phật hỏi các đệ tử. “Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, đối với người đời, nghèo có phải là tai ương không?” Chúng hội đồng thanh đáp: “Thưa thế tôn, phải ạ”. Phật lại hỏi: “Đã nghèo còn mang thêm nợ thì có phải là tai ương không?”. Chúng đệ tử liền đáp “Thưa phải”. Phật lại hỏi: “Người đang mắc nợ lại vay thêm nợ nữa thì có phải là tai ương không?”. Chúng đệ tử liền đáp: “Thưa phải”. Phật nói: “Đến lúc đó chủ nợ đến đòi nợ, người ấy không trả nổi bị chủ nợ làm nhục thế có phải là tai ương không?. “Chúng đệ tử đáp: “Thưa thế tôn, phải ạ”.

Trong Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống và Kinh Cứu – La – Đàn – Đầu thuộc Trường Bộ Kinh, có miêu tả rằng: nghèo khổ do thiếu thốn về vật chất và do bởi thiếu thốn về vật chất nên phát sinh ra tệ nạn xã hội như trộm cắp, giết người, làm mất sự ổn định của xã hội. Đức Phật khuyên nếu muốn cho con người từ bỏ cái ác tính phạm tội, các tổ chức cộng đồng xã hội cần phải giúp dân chúng cải thiện tình trạng kinh tế gia đình, như giúp hạt giống và công cụ cần thiết cho người nông dân, cho các nhà buôn vay tiền không lãi làm vốn, trả tiền công thích đáng cho các công nhân làm việc. Việc trị tội bằng hình phạt như ở tù hay xử tử các tội nhân đều không mang lại kết quả tốt.

Đức Phật thường khuyên nhủ hàng cư sĩ phật tử tại gia nên cố gắng làm việc bằng chính công sức của mình để cải thiện tình trạng kinh tế gia đình, làm cho gia đình sung túc, giàu có của cải. Nhưng đối với hàng đệ tử xuất gia, Phật lại khuyên đừng để tài, (tiền tài, vật chất) sắc, (sắc dục) danh, (danh vọng địa vị) thực, (ăn uống) thuỳ, (ngủ nghỉ) làm vướng mắc, làm chi phối đến đời sống tu hành của người xuất gia tu sĩ.

Có năm điều mà Phật dạy tại gia cư sĩ phật tử không nên kinh doanh, còn gọi là kinh doanh phi pháp được dẫn trong Tăng Chi Bộ Kinh:

1. Không buôn bán vũ khí: (Vũ khí sẽ dẫn đến sát thương, gây chiến tranh, đổ máu, hoại mạng sống, làm cho sinh linh đồ than).

2. Không buôn bán người: (Buôn bán người sẽ làm nhân thân chia lìa thống khổ, tạo ra ái biệt ly khổ, (yêu thương mà phải xa lìa là khổ), gây khổ đau cho gia đình vì mất người thân, thật vô cùng tàn ác như rắn độc, gây xáo trộn cho xã hội).

3. Không buôn bán thịt: (Việc buôn bán thịt thì sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tạo nghiệp sát sinh).

4. Không buôn bán rượu: (Rượu là chất nhạy cảm kích thích cực độ nếu sử dụng quá liều, rượu là thứ làm say thần trí, mất kiểm soát, mất lý trí, gây ra nhiều tội khác, đảo lộn thị phi đen trắng).

5. Không buôn bán thuốc độc: (Những thứ đoạt đi mạng sống của con người, gây ảo giác, nghiện ngập, hoang tưởng, buông bỏ sự nghiệp, phát sinh biến động tai hại, con đường dẫn đến trộm cắp, cướp giật, hoại mạng nhân sinh. Thuốc độc khác là thứ thuốc để con người ngày nay làm ra thực phẩm, sản phẩm độc hại khi người tiêu dùng tiếp xúc hoặc sử dụng hoặc ác tâm dùng để cho vào đồ ăn, thức uống đầu độc giết hại mạng người. Thứ thuốc độc khác được ví như là thuốc phiện, ma túy các loại).

Cho đến việc kinh doanh quan tài, Phật cũng khuyên nhắc cư sĩ phật tử, vì người kinh doanh buôn bán nghề này lúc nào cũng chỉ trông ngóng, mong cầu thôi thúc có khách đến mua, có nhiều người chết để buôn vào bán ra kiếm lời thuận lợi.

Lại nữa, cho đến làm nghề môi lái (môi giới cưới hỏi). Phật chỉ ra, nếu môi giới để nam nhân và nữ nhân họ đến được với nhau thì đôi khi phải nói sai sự thật hoặc nịnh ngôn, xảo ngữ, nếu sau họ sống được với nhau thì không bàn tới, không nhắc tới, nhưng hôn nhân môi giới thì phần lớn là đổ vỡ do quá trình sống bị phá vỡ bởi không phải lương duyên tự nhiên, còn nếu họ đến với nhau mà trở thành gánh nặng cho nhau, cuộc sống liên tiếp bất hòa, bất nhất đánh đập, chửi bới cãi lẫy làm khổ nhau hoặc thậm chí giết hại nhau, dẫn đến kẻ còn người mất, gia đình tan nát, hai họ mâu thuẫn, tất cả những nguyên nhân sâu xa họ sẽ đổ hết lên đầu, sẽ oán hận người mai mối đã tạo ra cuộc hôn nhân nghiệt ngã này. Vì thế Phật khuyên tại gia cư sĩ phật tử không nên kinh doanh những nghề này.

Cầu nguyện thế giới hòa bình và nhân sinh an lạc.

Cảm ơn Thầy về cuộc trao đổi!

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2023

(Hạnh Dương)

09:08:18 09-08-2023

VHDN: Thầy cảm ơn câu hỏi của Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đây như một nỗi niềm băn khoăn lo lắng cho sự phát triển, tồn vong, thịnh vượng của các doanh nghiệp đã, đang và sẽ là nhân tố tích cực đóng góp cho cục diện kinh tế đất nước. Thầy […]

Đối tác của chúng tôi