Sự kiện - chuyên đề:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Văn hóa là lời nói phải đi đôi với việc làm

VHDN: Tính cách thuộc về bản chất cá nhân, mang tính chất ổn định, bền vững. Khi nghiên cứu về tính cách Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy ông đã thể hiện một nhân cách lớn rất rõ nét giữa sự nghiêm trang, cương nghị, quyết đoán, nhưng lại rất giản dị trong lối sống và rất nhân văn trong ứng xử giữa đời thường của một nhà lãnh đạo. Tính cách cá nhân Võ Nguyên Giáp có sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, điển hình và cá biệt, lời nói và việc làm của ông được thống nhất với nhau trong một chỉnh thể.

Năm 1946, bằng kinh nghiệm đàm phán của một chính khách, Võ Nguyên Giáp tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt (19-4-1946 đến 11-5-1946) – một hội nghị mang màu sắc chính trị, có tầm quan trọng đặc biệt vào thời điểm ấy của Chính phủ Việt Nam độc lập, với thái độ thận trọng, rõ ràng. Đoàn đại biểu Pháp có 14 người, do Georges Thierry d’Argenlieu là Đô đốc Hải quân, Cao ủy Pháp tại Đông Dương làm Trưởng đoàn, nhưng đã không tới dự. Và người được thay thế ông ta là Nghị sĩ Max André. Đoàn đại biểu Việt Nam có 12 người, do ông Nguyễn Tường Tam – Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam làm Trưởng đoàn, nhưng cũng không dự họp, người thay thế ông khi ấy, là Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Hội nghị đã diễn ra trong quá trình lịch sử phức tạp, căn bản là chính trường Việt Nam.

Không khí Hội nghị căng thẳng, mâu thuẫn ngay từ đầu, phía chính quyền Pháp ở Đông Dương vẫn khăng khăng đòi tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, không thừa nhận quyền ngoại giao độc lập của Việt Nam, tách Tây Nguyên thành khu vực riêng thuộc Pháp. Một lòng trung thành với nhân dân, Tổ quốc với tư cách đại diện đoàn Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp kiên định giữ vững lập trường hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, với tư cách phát ngôn Bộ trưởng Nội vụ ông đã khảng khái: “Việc ấy, thuộc nội trị của chúng tôi”. “Chính phủ Việt Nam đã có chương trình và thi hành chương trình ấy”. Khi đại diện Pháp nói: “Các ông không có quyền được nói trong vấn đề này”. Sự đối đầu, lập tức, ông Võ Nguyên Giáp giơ nắm tay, đứng dậy, đấm mạnh tay xuống mặt bàn, dõng dạc: “Nếu các ông cố tình phá hoại cuộc thương thuyết để tiếp tục chiến tranh xâm lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất buộc người Pháp các ông phải đền tội”. Nói đoạn, Võ Nguyên Giáp xách cặp bước ngay ra khỏi phòng…

Tinh thần bất khuất, tư tưởng dân tộc tự quyết lan tỏa… Việt Nam có chính quyền hợp pháp, có Hiến pháp năm 1946. Khẩu khí anh hùng Võ Nguyên Giáp được tiếp lửa yêu nước của đồng bào Nam Bộ (ngày 23/09/1945). Tư tưởng dân tộc Việt Nam đã được Võ Nguyên Giáp đưa lên bàn Hội nghị trù bị Đà Lạt, “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng” (Bác Hồ). Đồng bào Nam bộ, nhân dân thành phố Sài Gòn đã nhất tề đứng lên theo “Lời kêu gọi Nam bộ Kháng chiến” của Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu: “Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu !”. Chính phủ Trung ương cũng ra Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Lòng kiên quyết, dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam. Làm cho thế giới biết rằng nhân dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của Pháp một lần nữa…”. Sự chuẩn bị của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đại diện phái đoàn Việt Nam, được tiến hành theo hướng thời đại, cả về thông tin và tính chính trị, xã hội ngược lại với phía đại diện Pháp.

Như vậy, tính cách cũng như tầm nhìn thời đại của Anh hùng dân tộc thường xuất hiện ở bước ngoặt lịch sử, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, quyền lực nhà nước, trở thành biểu tượng sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

“Độc lập hay là chết”.

Biểu tượng “nắm đấm Võ Nguyên Giáp” đã như lời tuyên thệ “Sát Thát” ở Hội nghị Diên Hồng thời Trần… Rằng, chính bàn tay nắm đấm ấy, nó trút sấm sét bão lửa xuống đầu thực dân Pháp xâm lược trong trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Cả thế giới biết đến Việt Nam đang tiên phong chiến đấu ngoan cường giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vì phẩm giá con người mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng Tư lệnh bách chiến, bách thắng… được nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình hưởng ứng, đoàn kết với Việt Nam, “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” (Fidel Castro),…Với tính nhân văn cao cả, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ biết thắng địch bằng nghệ thuật quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa “Lấy chí nhân thay cường bạo”. Nghệ thuật “công tâm” trong tư tưởng nghệ thuật quân sự của Đức thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa và nâng lên một tầm cao mới. Không phải ngẫu nhiên mà những binh sĩ, tướng lĩnh quân Pháp ở bên kia chiến tuyến lại dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, ở cụm cứ điểm Him Lam quân Pháp bị thương vong rất lớn, ta không có điều kiện cứu chữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho ông Mạc Ninh thảo ngay một bức thư gửi cho Bộ chỉ huy quân Viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ cho phép ra Him Lam nhận binh sĩ Pháp tử trận, tạo ra một “sang chấn” đánh vào tư tưởng và tinh thần quân địch. Sau ngày chiến thắng, Đại tướng còn cho dựng hàng chục chiếc lều dã chiến để cứu chữa cho các tù, hàng binh bị thương hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Bởi, minh triết dân tộc ta là yêu nước thương nòi, “nòi” trước hết là cùng một Mẹ Việt sinh ra đồng bào, rộng hơn là “nòi” người, “Thương người như thể thương thân”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang đậm tính cách nhân ái người Việt Nam, là “Vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh” (cố Thượng tướng Trần Văn Trà). Điển hình như, trước giờ “G” phát lệnh tiến công Điện Biên Phủ có vài tiếng đồng hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho quân kéo pháo ra, chuẩn bị lại trận địa kĩ càng, để “đánh chắc, tiến chắc”, tiết kiệm xương máu một thế hệ chiến binh, tích lũy được lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kì chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “Dân tộc ta đánh giặc bắt đầu từ con số không”… Tôi hiểu là khi ấy, ta “không” quân đội, “không” tài chính, Nhà nước ta non trẻ còn trứng nước, lại đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”… Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy “Dĩ công vi thượng” làm phương châm sống, những việc khác ít làm Người bận tâm. Nhờ thế mà khi hành xử, Đại tướng luôn thể hiện uy đức, phong độ vững vàng trước mọi thế lực. Người bình tĩnh, kiên quyết xử lý sáng suốt mọi vấn đề… trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Phẩm chất, thiên tư đặc biệt, lời nói đi đôi với việc làm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Suy ngẫm về đôi nét trong văn hóa ứng xử Võ Nguyên Giáp, chúng ta học được không ít những triết lý nhân sinh quan sâu sắc về tinh thần đoàn kết của Người – Đó cũng chính là tư tưởng đoàn kết của Việt Minh, là bản chất cuộc cách mạng, là chủ nghĩa Anh hùng dân tộc Việt Nam.

Trần Minh Thu

00:49:46 26-01-2019

VHDN: Tính cách thuộc về bản chất cá nhân, mang tính chất ổn định, bền vững. Khi nghiên cứu về tính cách Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy ông đã thể hiện một nhân cách lớn rất rõ nét giữa sự nghiêm trang, cương nghị, quyết đoán, nhưng lại rất giản dị trong lối sống […]

Đối tác của chúng tôi