Sự kiện - chuyên đề:

ĐẮK LẮK: Phát huy văn hoá cồng chiêng

VHDN: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2005, là niềm tự hào của các dân tộc thiểu số thuộc 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cồng chiêng là tài sản vô giá, được các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay.

Văn hóa cồng chiêng được xem như là một kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, bên cạnh niềm tự hào là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với các cấp quản lí của 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk với việc bảo tồn và phát huy văn hoá cồng chiêng. Đồng thời đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng với cộng đồng cần phải có những hành động cụ thể nhằm khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống, trả lại cho cồng chiêng linh hồn và cuộc sống đích thực của nó.

Những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 05 và Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2022-2025, với những cách làm cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế. Với cồng chiêng, không chỉ bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa cồng chiêng, mà qua đó giúp đồng bào hiểu hơn những giá trị của các di sản văn hóa nói chung, hiểu, trân trọng và biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên bà con giữ gìn bản sắc dân tộc, đến nay nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy trong cộng đồng, như lễ cúng bến nước, lễ hỏi chồng, lễ hội cồng chiêng… Nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng như: tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống các DTTS, ngày hội văn hóa các dân tộc cũng được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 26 bộ chiêng các loại, mở 124 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các đội chiêng trẻ; phục dựng 5 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; lập 3 hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản Phi vật thể cấp quốc gia. Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có 2.089 bộ chiêng, trong đó có 1.645 bộ chiêng Êđê, 319 bộ chiêng M’nông, 118 bộ chiêng Jrai, 5 bộ chiêng Xơ đăng, 4 bộ chiêng Mường, 3 bộ chiêng Vân Kiều, 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na. Tỉnh có 3.855 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 186 nghệ nhân hát kể sử thi, 393 nghệ nhân chỉnh chiêng, 635 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, 568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc, 370 nghệ nhân tạc tượng…

Tiếp nối kết quả thực hiện Nghị quyết 05, ngày 17/12/2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua Nghị quyết số 10/2021/ NQ-HĐND về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025. Triển khai thực hiện Nghị quyết 10, giai đoạn này Đắk Lắk đặt mục tiêu huy động kinh phí là 20,3 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa đầu tư cho hoạt động bảo tồn cồng chiêng. Trong đó, tập trung cấp chiêng cho ít nhất 50 đội chiêng; cấp trang phục truyền thống cho các đội văn nghệ tiêu biểu. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, 100% buôn đồng bào DTTS có đội chiêng, đội văn nghệ; tất cả các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phục dựng được các nghi lễ, hội truyền thống gắn với các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng; các trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng… Một hoạt động nữa cũng được chú trọng là tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc Ê Đê, M’nông trong sinh hoạt cộng đồng; quan tâm chăm lo đời sống của đội ngũ nghệ nhân cồng chiêng được Nhà nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; Nghệ nhân Ưu tú và các nghệ nhân tiêu biểu. Ngoài ra, hàng  năm ngành văn hóa tỉnh cùng các địa phương tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; liên hoan văn hóa cồng chiêng; tổ chức các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với phục dựng các nghi lễ, lễ hội của đồng bào DTTS, nâng cao đời sống tinh thần và đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Một lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ người Ê Đê tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Đặc biệt, ngày ngày 24/5/ 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ khởi động thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Dự án do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (JBCIA) Hàn Quốc viện trợ 25.042 USD, tương đương 568.960.000 đồng; phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Êđê và người M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tin rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp các ngành cùng chính sách thiết thực và nguồn lực hỗ trợ như hiện nay, di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được gìn giữ, phát huy, luôn là niềm tự hào của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Nguyễn Văn Cuông

 

Chia sẻ
08:29:51 07-12-2022

VHDN: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2005, là niềm tự hào của các dân tộc thiểu số thuộc 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cồng […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi