Sự kiện - chuyên đề:

Danh sĩ tuổi Tuất xưa và nay

VHDN: Những người sinh năm Tuất theo quan niệm dân gian Việt Nam thường được coi là thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, tài giỏi và thành đạt. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam có khá nhiều người tuổi Tuất nổi tiếng, có vai trò và tầm ảnh hưởng đối với lịch sử dân tộc. Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất, Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam xin giới thiệu đến độc giả những danh sĩ tuổi Tuất trong lịch sử dân tộc.

Lý Công Uẩn ( ảnh nguồn internet)

Lý Công Uẩn: ông sinh năm Giáp Tuất (974), quê Bắc Ninh, vị vua đầu tiên nhà Lý (hiệu là Thái Tổ). Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, ông được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ. Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọc Triều mất. Được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và hậu thuẫn của quần thần, ông được suy tôn lên ngôi năm 1010, khai sinh Vương triều nhà Lý và cho dời Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là thành Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hoá…

Trần Quốc Tuấn: ông sinh năm Bính Tuất (1226), quê Nam Định, là danh tướng đời Trần, là Anh hùng dân tộc, làm quan đến chức Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại 3 cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông, đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc giang sơn Tổ quốc. Ông để lại nhiều bài học về sự đức độ, cách xử thế, cách dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư…

 Lê Tư Thành: ông sinh năm Nhâm Tuất (1442), quê Thanh Hoá, là vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, niên hiệu Lê Thánh Tông. Ông là người cực kỳ thông minh, phong nhã, tài đức vẹn toàn, lên ngôi vua năm 18 tuổi. Với những cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời hoàng kim nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn, lập ra và là chủ soái Hội (thơ) Tao Đàn danh tiếng và để lại nhiều tác phẩm có giá trị: Hồng Đức quốc âm thi tập, Văn minh cổ suý, Xuân vân thi tập…

 Đặng Chất: ông sinh năm Nhâm Tuất (1622), quê Bắc Ninh, là danh thần thời Lê Huy Tông. Nổi tiếng thông minh, hiếu học, ông đỗ tiến sỹ năm 1661, làm quan tới chức Tham tụng (Tể tướng) và từng nhiều lần đi sứ nước ngoài. Bản tính ngay thẳng, lối sống thanh liêm, cần kiệm của ông rất được sĩ phu đương thời kính trọng.

Mạc Thiên Tứ: ông sinh năm Bính Tuất (1706), quê Kiên Giang, là danh sĩ thời Chúa Nguyễn. Tính cách cương nghị, đa tài, ông theo giúp Chúa Nguyễn, được thăng tới chức Tổng binh Đại đô đốc và có công lớn trong việc thu phục nhân tâm, khẩn hoang lập ấp ở miền Tây Nam Bộ. Ông còn khai sinh Hội thơ Chiêu Anh Các nổi tiếng và là tác giả của nhiều công trình giá trị về lịch sử, thơ ca, nghệ thuật, triết học…

Nghiêm Võ Chiêu: ông sinh năm Canh Tuất (1730), quê Hưng Yên, là danh thần đời Lê Hiển Tông. Ông rất giỏi văn chương, năm 22 tuổi đỗ tiến sỹ, làm Đãi chế ở Viện Hàn lâm rồi thăng tới chức Thị lang. Ông được nể trọng, nổi tiếng hiền lành, thường giúp người nghèo khổ.

Nguyễn Văn Cẩm: ông sinh năm Giáp Tuất (1874), quê Thái Bình, nhân sĩ thời cận đại. Từ nhỏ ông đã là thần đồng, giỏi thơ phú, khiến vua Tự Đức khen ngợi, ban danh hiệu Kỳ Đồng (đứa bé kỳ lạ thông minh). Sẵn lòng yêu nước, lại được ngưỡng mộ, năm 13 tuổi nhân dân tôn ông làm thủ lĩnh phong trào kháng Pháp. Giặc đàn áp, bắt đưa sang Algeria, cho vào học khoa lý hoá ở một trường trung học. Năm 1896 ông về nước gia nhập phong trào khởi nghĩa của Mạc Đình Phúc. Ông cũng liên kết với khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Giặc phát hiện, bắt ông đem bỏ tù chung thân tại quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương.

Bạch Thái Bưởi: ông sinh năm Giáp Tuất (1874), quê Hà Tây, là một đại doanh nhân. Thuở nhỏ nhà nghèo, cha mất sớm, phải giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, sau được một nhà giàu nhận về làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Năm 21 tuổi ông làm thư ký cho một hãng buôn của Pháp, ít lâu sau, ông tự đứng ra kinh doanh, mở nhà in lớn tại Hà Nội. Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực hàng hải, thương thuyền, trở thành đại gia nổi tiếng, được giới doanh nghiệp gọi là “Chúa sông miền Bắc”. Công ty ông có 30 tàu buôn lớn nhỏ, chiếm lĩnh phần lớn thị phần buôn bán đường thuỷ Việt Nam, cạnh tranh với các thương thuyền Pháp, Anh và Trung Quốc. Ông có nghị lực cao, chí khí lớn, giỏi kinh doanh, lại giàu đức độ và lòng từ thiện, nên được coi là doanh nhân giỏi của lịch sử kinh tế nước nhà.

Tạ Quang Bửu: ông sinh năm Canh Tuất (1910), quê Nghệ An, giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học. Lúc nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, du học ở Pháp, Anh. ra trường về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hoá học. Ông cũng hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ quốc phòng. Sau năm 1954, là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi làm Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp…

Nguyễn Tuân: ông sinh năm Canh Tuất 1910, quê Hà Nội, là nhà văn hiện đại. Đi nhiều, hiểu rộng, cộng tác đắc lực với hệ thống báo chí, sáng tác thể loại văn học đa dạng và sôi nổi tham gia hoạt động sân khấu điện ảnh. Cả con người, phong cách, tác phẩm đều toát lên những điều mới lạ, độc đáo, quý phái mà dân dã, dễ mến, dễ yêu. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại những tác phẩm văn chương nổi tiếng: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tuỳ bút kháng chiến, Người lái đò Sông Đà…

Nguyễn Tấn Tuấn

08:34:29 23-01-2018

VHDN: Những người sinh năm Tuất theo quan niệm dân gian Việt Nam thường được coi là thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, tài giỏi và thành đạt. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam có khá nhiều người tuổi Tuất nổi tiếng, có vai trò và tầm ảnh hưởng đối với lịch sử dân […]

Đối tác của chúng tôi