Sự kiện - chuyên đề:

Đạo đức kinh doanh nhìn từ một vụ kiện

VHDN: Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ”; “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Câu nói của Người hoàn toàn đúng trong cuộc sống và đặc biệt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường hiện nay.

 

Từ một vụ kiện dân sự, Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lần nữa muốn nhắc tới đạo đức kinh doanh dưới một góc nhìn khác.

Sự việc được tóm tắt như sau: Ngày 19/12/2022, TAND quận Cầu Giấy có nhận đơn khởi kiện của ông D, đại diện Công ty H (chủ dự án Habico tower tại 288 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) về việc đòi nợ 20 tỷ đồng đối với cá nhân ông A, Chủ tịch HĐQT Công ty X. Nội dung đơn khởi kiện, ông D trình bày do quan hệ quen thân nên có cho ông A vay 20 tỷ đồng bằng miệng và sau đó gửi đơn kiện ông A về việc đòi tài sản.

Bản chất sự việc sau khi tìm hiểu tại các nguồn thông tin độc lập như sau: Năm 2008, dự án siêu tháp Habico tower là dự án đình đám nhất tại địa chỉ 288 Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Đây là dự án có quy mô vốn đăng ký 220 triệu đôla, quy mô 36 tầng nổi và 4 tầng hầm. Dự án có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư Dongriwon và Dosan là 2 nhà đầu tư Hàn Quốc) đã đổ hàng chục triệu đôla cho dự án. Dự kiến siêu dự án có những căn hộ trị giá thấp nhất là 21 tỷ đồng, cao nhất là 85 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án không thể triển khai được do có những sai phạm trong thi công gian dối và bị cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu dừng thi công ngay sau đó. Nhà đầu tư nước ngoài rút hết về nước vì mất lòng tin, ông D đại diện chủ đầu tư dự án phải gánh khoản nợ khổng lồ trên 10 triệu đôla từ Ngân hàng BIDV. Khoản nợ đã nhảy lên nhóm 5 (nợ xấu), nếu ông D không trả được nợ thì khả năng bị thu hồi dự án và không tránh được vòng lao lý khi BIDV khởi kiện ra tòa.

Do có quan hệ quen biết từ trước nên ông D đã tìm đến Công ty X và ông A nhờ giúp đỡ. Vì thương hiệu Công ty H đã mất uy tín nên ông D nhờ ông A đứng ra mua lại món nợ tại BIDV với 2 mục đích, một là giảm được số nợ phải trả BIDV, hai là giữ lại được dự án để thoái vốn.

Cuối năm 2012, tại văn phòng Công ty X, ông D đã cam kết cùng ông A và HĐQT Công ty X về việc nhờ Công ty X mua nợ, trách nhiệm ông D sẽ lo huy động các nguồn lực, nếu không huy động được thì sẽ nhờ Công ty X và trả lãi vay. Quy trình mua bán nợ được thực hiện làm 4 bước, bước đầu tiên phải nộp 1 triệu đôla (tương ứng 20 tỷ đồng). Đây chính là kế “ve sầu thoát xác” mà ông D vận dụng trong kinh doanh.

Công ty X đồng ý chỉ khi ông D thực hiện hoàn thành bước 1. Vì vậy, ông D đã huy động 20 tỷ để nộp. Sau đó, phía ông D hoàn toàn cắt đứt liên lạc để Công ty X và ông A phải khốn khổ khắc phục hậu quả Hợp đồng mua món nợ của BIDV. Kết cục là cá nhân ông A đã phải huy động và trả nợ thay cho ông D trên 75 tỷ đồng (có chứng từ hạch toán tại Công ty X).

Việc im lặng của ông D chỉ có thể được trả lời bằng sự toàn vẹn của dự án và tránh được khoản nợ 10 triệu đôla, trong khi chỉ phải trả 1 triệu đôla. Đây cũng chính là bản chất xấu xa trong đạo đức kinh doanh. Mặc dù, Công ty X và ông A đã nhiều lần mời ông D đến văn phòng Công ty để đối soát hồ sơ, nhưng ông D vẫn lẩn tránh, không đến.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, bất ngờ ông D quay lại khởi kiện đòi ông A số tiền 1 triệu đôla đã ứng trước đây. Sau khi đã tìm hiểu kỹ tài liệu và tìm đến tư vấn của Văn phòng Luật sư, các luật sư cho rằng, việc khởi kiện đòi tài sản của ông D tại tòa là không đủ căn cứ và có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ. Vì thế, cơ quan thực thi pháp luật quận Cầu Giấy cần xem xét kỹ và xét xử công A, đúng người, quy đúng trách nhiệm.

Xét thấy, vụ kiện chỉ mang tính dân sự, tuy nhiên dưới góc nhìn về đạo đức kinh doanh, với những doanh nhân còn mang trong mình suy nghĩ và hành động vô đạo đức, không coi trọng danh dự của cá nhân mình, thì hậu quả sẽ là sự giảm sút về uy tín cá nhân, uy tín doanh nghiệp, và cao hơn nữa là uy tín môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Sự việc Công ty H, ông D và Công ty X một lần nữa cho chúng ta thấy, sự hợp tác trong kinh doanh để cùng nhau mang lại giá trị lớn là một tất yếu, tuy nhiên chữ tâm và chữ tín trong kinh doanh mà mỗi doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cần giữ gìn mới mang lại giá trị cốt lõi đích thực để cùng nhau phát triển bền vững. Đạo đức, danh dự và thượng tôn pháp luật trong kinh doanh mới là điều then chốt mà các doanh nghiệp cần hướng tới.

 

Nguyễn Văn Quyền

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2024)

07:59:56 13-08-2024

VHDN: Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ”; “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. […]

Đối tác của chúng tôi