Sự kiện - chuyên đề:

Đào Thị Huệ nữ doanh nhân làng Dòng

VHDN: Một ngày chớm Đông, tôi tìm về xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thăm lại làng Dòng đất học, quê hương của Doanh nhân Đào Thị Huệ. Bên ngôi chùa cổ, ông Cấn Xuân Bình – nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đọc tôi nghe bài thơ “Nhành hoa thơm” ông viết tặng người con quê nhà: “Huệ thơm hương toả gần xa/ Em người con gái quê nhà đảm đang/ Xinh tươi với tấm lòng vàng/ Trái tim nhân hậu sẵn sàng giúp ngay/ Đi lên từ đôi bàn tay/ Càng yêu cuộc sống, càng đầy niềm tin…”. 

Nữ doanh nhân – thi nhân Đào Thị Huệ.

Cùng chung cảm nhận như người lãnh đạo cao nhất của Xuân Lũng một thời, trong tâm thức người dân làng Dòng, Đào Thị Huệ là một trong những biểu tượng của lòng vị tha, nhân ái. Sinh ra, lớn lên và khởi nghiệp ngay tại quê nhà; từng trải bao biến cố của số phận, nữ doanh nhân họ Đào đầy ắp khát vọng và nghị lực vươn lên, muốn làm một điều gì có ý nghĩa cho quê hương và rộng mở trái tim nhân hậu, bao dung những hoàn cảnh gieo neo. Câu chuyện về chiếc giếng làng, về ngôi đình An Nội mà Huệ từng bỏ tiền ra xây dựng; từng tấn gạo mang về chia cho dân làng những năm đói kém, từng đồng tiền chắt chiu xây dựng quỹ khuyến học địa phương buổi ban đầu và sự cưu mang của chị với những phận đời không may mắn; chuyện về một người mẹ nuôi dạy con đến nơi đến chốn…nối tiếp nhau, được bà con nhắc lại thường xuyên như một sự ghi nhớ tấm lòng vàng.

Không chỉ với lãnh đạo địa phương, lòng nhân ái mang tên Đào Thị Huệ còn khơi lên những xúc cảm chân thành tự bao người. Đào Thị Huệ kể với tôi trong niềm xúc động không dứt về bài thơ chép tay của ai đó đã mang đến, gài bên cánh cửa tặng cô trong một sáng đầu năm mới: ĐÀO khoe sắc thắm, thắm vườn xuân/ THỊ thơm, thơm ngát cả cõi trần/ HUỆ trắng tinh khôi, xuân tinh khiết/ Người mang tên ấy hẳn quý nhân?…Ngôn xuất thành thơ nhiều trắc ẩn/ Hạnh đức như em mới thật là/ Người phụ nữ công – dung- ngôn- hạnh/ Để tiếng cho đời, phúc nhà ta…

Bìa tập thơ đầu tay của Đào Thị Huệ.

Bài thơ trên đây, đọc đến câu “Ngôn xuất thành thơ nhiều trắc ẩn”, tôi như tìm được manh mối về những tự sự được Đào Thị Huệ gửi gắm qua thơ. Đó là cách mà cô thể hiện tình cảm của mình với ngôi làng nhỏ của mình bên bờ sông Thao, nổi tiếng cả nước về truyền thống văn hóa và tinh thần hiếu học. Đó cũng là sự giãi bày lòng kính trọng, biết ơn, thương nhớ của người con đối với bậc sinh thành khuất bóng; sự yêu thương, trìu mến, hy vọng ở cháu con. Và, đó cũng là cách để cô thì thầm lòng mình về tình yêu, nỗi nhớ với một giọng điệu thơ riêng, đầy nữ tính.

Gần sáu mươi bài thơ nhỏ của Đào Thị Huệ được tập hợp trong tập “Tiếng lòng” vừa được NXB Văn hóa dân tộc ấn hành như những trang nhật ký đời mình, mà ở đó những trạng thái cảm xúc được chuyển hóa thành thi tứ, vần điệu. Trong đó, Đào Thị Huệ lại tự họa cuộc đời mình trong mấy câu thơ ngắn: Ta đã trải đến tận cùng đau khổ/ Đã đứng lên bằng chính chân mình/ Rèn thân gái băng mình trong bão tố/ Xóa đêm tàn, trỗi dậy đón bình minh.

Và: Vốn danh con gái làng Dòng/ Có tiếng chiều chồng lại khéo nuôi con/ Cuộc đời trăm suối nghìn non/ Vẹn nguyên chữ hiếu, sắt son chữ tình…

Đào Thị Huệ đã tập hợp những góc độ và cung bậc ấy của mình vào “Tiếng lòng”, để khi đọc mỗi bài trong tập người ta như thấy từng mảnh ghép của cuộc sống đủ để hình dung về một nữ doanh nhân tài năng, tinh tế, giàu tình cảm của quê hương làng Dòng đất học Lâm Thao.

Sơn Dương

 

Chia sẻ
12:39:42 09-03-2022

VHDN: Một ngày chớm Đông, tôi tìm về xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thăm lại làng Dòng đất học, quê hương của Doanh nhân Đào Thị Huệ. Bên ngôi chùa cổ, ông Cấn Xuân Bình – nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đọc tôi nghe bài thơ “Nhành hoa thơm” ông […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi