Sự kiện - chuyên đề:

Dấu ấn giữa nhiệm kỳ

VHDN: Chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc ở Nghệ An đã đi được một nửa. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, nhưng với nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện và có nhiều điểm sáng…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Ju Teng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Hơn hai năm qua là quá trình mà tỉnh Nghệ An không những nghiêm khắc xác định rõ những khâu yếu, mặt yếu để kiên quyết khắc phục, mà còn là quá trình tập trung cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo. Nhiều chủ trương, biện pháp được ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị đã được thực thi. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết bám sát thực tiễn, gắn với yêu cầu phát triển đến lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm sự phối hợp, vận hành đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, trong triển khai các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, những đột phá chiến lược. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ với các huyện, thành, thị ủy và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, toàn diện. Gắn liền với đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, các Ủy viên Ban Thường vụ theo phân công làm việc với một số đảng bộ để nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nề nếp chỉ đạo cơ sở, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đảng bộ trực thuộc, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ở địa phương, sớm đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tỉnh sớm ban hành các cơ chế, chính sách và tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đã đề ra, gắn liền với chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục và tăng cường các hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quy chế phối hợp, công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành và chính quyền cơ sở tập trung hướng về cơ sở, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Thực tế cho thấy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở Nghệ An đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội; quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Đột phá kinh tế – xã hội

Trong những điểm sáng tăng trưởng của kinh tế Nghệ An 2 năm qua không thể không đề cập đến lĩnh vực thu hút đầu tư, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… đã cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Một số lĩnh vực quan trọng, từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ như: Khoa học công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch… thực sự là “đòn bẩy” tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Một thực tế đáng mừng, dù bối cảnh có nhiều khó khăn, biến động về thị trường trong nước và quốc tế, nhưng nhờ sự linh động, sáng tạo, ở lĩnh vực thu hút đầu tư, Nghệ An vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính đến hết tháng 6/2023, có thêm 65 dự án cấp mới và 81 dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.186 tỷ đồng, trong đó cấp mới là 19.714 tỷ đồng, tăng 1,32 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD. Nhiều dự án lớn được thu hút như: Dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Công ty TNHH Công nghiệp Goertek Vina; dự án sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan); dự án công nghệ Everwin Precision… Từ những dự án động lực này, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ mời gọi thêm nhiều dự án lớn vào đầu tư trên địa bàn Nghệ An.

Với sự nỗ lực vượt bậc, kinh tế Nghệ An đã phát triển khá nhanh, toàn diện, theo hướng bền vững, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới. Tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,79%, cao hơn bình quân cả nước (3,72%). Thu ngân sách ước đạt 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán. Hiện tỉnh cũng đang tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, như: Thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; triển khai 2 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh; chuẩn bị kế hoạch thực hiện và tổ chức công bố, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3%. Bằng việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, Nghệ An đã có một mạng lưới hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu du khách…

Điều rõ nét nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn là đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn. Nghệ An đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại được chú trọng phát triển. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong phần “Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025”, có nêu: “Đến năm 2025, có 82 số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 11 đơn vị cấp huyện được công nhân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới”. Để sớm đạt được chỉ tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chương trình xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay Nghệ An đã có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 07 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Tính theo lũy kế, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 309 xã nông thôn mới, 53 xã nông thôn mới nâng cao và 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội bảo đảm, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt là việc triển khai kịp thời và hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh có có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Với những kết quả đã đạt được trong hơn hai năm qua, thực sự trở thành “đòn bẩy” và động lực cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới; thể hiện vào sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu bền bỉ, bản lĩnh, sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An ngay từ những chặng đường đầu của nhiệm kỳ này nhằm thực hiện thắng lợi Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, hướng đến mục tiêu xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh và phát triển như mong muốn, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua “Phải bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An”.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2023

(Phạm Ngọc Cảnh: Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An)

14:50:11 07-07-2023

VHDN: Chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc ở Nghệ An đã đi được một nửa. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, nhưng với nhiều […]

Đối tác của chúng tôi