Giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tăng vọt
Nhắc đến Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) người ta nghĩ ngay đến doanh nghiệp (DN) hàng đầu về dịch vụ viễn thông, sản xuất thiết bị viễn thông, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất của thế giới và đã là DN viễn thông tầm cỡ quốc tế. Nói đến Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhiều người nhớ đến những sản phẩm từ sữa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hay nhắc đến Vietnam Airlines, người ta lại nghĩ ngay đến hãng hàng không dịch vụ 4 sao, đẳng cấp quốc tế… Viettel, Vinamilk hay Vietnam Airlines không đơn thuần là những cái tên DN, mà đã là những thương hiệu rất giá trị. Đây cũng là lý do vì sao các DN này đều góp mặt trong tốp đầu bảng xếp hạng 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 được Brand Finance-công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đánh giá.
Theo bảng xếp hạng do Brand Finance công bố thì tổng giá trị 50 thương hiệu Việt Nam trong danh sách này lên tới 11,27 tỷ USD. Trong đó, top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 gồm các DN: Viettel, Vinamilk, VNPT, Vinhomes, Sabeco, Petrovietnam, Mobifone, Vinaphone, Vietnam Airlines, Thaco Trường Hải. Trong bảng xếp hạng này, Viettel được đánh giá là DN danh giá hàng đầu của Việt Nam, với giá trị thương hiệu đạt gần 2,6 tỷ USD (gấp 2 lần DN đứng thứ hai). Đặc biệt, giá trị của thương hiệu Viettel năm 2017 tăng gấp gần 3 lần so với lần công bố trước đó của Brand Finance (năm 2016) và Viettel chiếm gần 22,8% tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 được Brand Finance xếp hạng. Trong top 500 thương hiệu viễn thông thế giới, Viettel xếp hạng 49, đứng thứ 17 tại châu Á và đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Đây cũng là giá trị thương hiệu cao nhất mà một thương hiệu Việt Nam đạt được từ trước đến nay.
Thời gian qua, Viettel liên tục đổi mới, các kết quả sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu phát triển của Viettel không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Với sự hiện diện tại 10 quốc gia ở 3 châu lục (Á, Phi, Mỹ), Viettel là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho năng lực hội nhập mạnh mẽ của DN Việt Nam. Tại tất cả quốc gia mà Viettel đầu tư, Viettel còn gắn chặt việc phát triển sản xuất kinh doanh với thể hiện trách nhiệm xã hội, gây thiện cảm đối với cộng đồng địa phương. Đáng chú ý, với chiến lược thương hiệu đầy sâu sắc của mình, không chỉ thương hiệu công ty mẹ-Viettel có giá trị cao, mà thương hiệu của Viettel tại các thị trường nước ngoài cũng rất có giá trị (ví dụ Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Halotel tại Tanzania…), nếu bán đi cũng thu được hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD mỗi thương hiệu…

Vietnam Airlines là một trong những thương hiệu tốp đầu của Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc.
Các DN nêu trên không chỉ là điển hình về thành công trong xây dựng thương hiệu mà còn là điển hình về bảo hộ thương hiệu của DN. Không chỉ thương hiệu DN mà thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng thăng hạng mạnh. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng mạnh từ khoảng 133 tỷ USD năm 2013 lên 203 tỷ USD trong năm 2017. Trong bảng xếp hạng này, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được xếp thứ 45, tăng 5 bậc so với năm 2016, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh (A+). Việt Nam đứng thứ 5/10 quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất.
Phải nhận thức đầy đủ về giá trị của thương hiệu
Để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. 15 năm qua, Bộ Công Thương là cơ quan thường trực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hoạt động hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin, nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Mặc dù DN Việt Nam đã có chuyển biến về nhận thức đối với xây dựng thương hiệu nhưng các chuyên gia đều cho rằng, công tác này ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương, nông sản là một điển hình, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng hằng năm. Tuy nhiên, tại thị trường nước ngoài, các sản phẩm này chỉ được ghi nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam chứ chưa được gắn một thương hiệu cụ thể. Mặt hàng phi lê cá tra, cá ba sa cũng tương tự. Hiện nhiều loại hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu với số lượng lớn, nhưng do chưa có thương hiệu nên giá trị không cao. Do đó, thời gian tới, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các DN để đạt tiêu chuẩn quốc gia; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; đồng thời nhận được hỗ trợ, quảng bá cung cấp thông tin về thị trường; tham gia các lớp nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu… Cục XTTM dự kiến phối hợp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số ngành hàng thế mạnh, có kim ngạch xuất khẩu tốt, như: Tôm, cá tra và ba sa. Đồng thời, soạn thảo thông tư hướng dẫn có liên quan tới lĩnh vực XTTM để xây dựng và quản lý thương hiệu một cách tốt nhất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng thương hiệu thành công, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, DN phải nhận thức đầy đủ về giá trị của thương hiệu, đồng thời chú trọng đến văn hóa, đạo đức kinh doanh, loại bỏ hành vi gian lận và liên kết cùng hướng tới mục tiêu chung, nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo qdnd