Sự kiện - chuyên đề:

Dẻo thơm hương cốm làng nghề Chi Lăng

VHDN: Thôn Thống Nhất, xã Chi Lăng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là vùng quê hiền hòa, bình dị và vào mỗi mùa lúa chín có một thứ quà quê dân dã luôn được bao người chờ đón đó chính là cốm xanh. Người dân nơi đây coi cốm như món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng, đó là sự kết tinh hài hòa giữa hương vị của đất trời và sương sớm.

Trong tiết trời thoang thoảng gió heo may, men theo hương cốm thơm mùi nếp non, chúng tôi được giới thiệu tới cơ sở sản xuất của anh Trần Đình Bường – một trong nhiều hộ làm nghề cốm phát đạt của thôn. Khi hỏi điều gì khiến anh có duyên gắn kết với nghề này, anh chia sẻ: Nghề làm cốm là nghề truyền thống của gia đình. Gia đình anh đã trải qua 3 đời, cứ thế hệ nọ truyền cho thế hệ kia làm cốm. Vì có một tuổi thơ gắn liền với tiếng chày giã cốm nên anh muốn theo để nghề không bị mai một và để lưu giữ bí quyết làm cốm sao cho thơm, ngon, mang đậm chất quê.

Nhìn quanh một lượt nơi làm việc, chúng tôi bất ngờ với diện tích tuy không quá lớn nhưng cơ sở vật chất nơi đây rất đầy đủ và hiện đại. Anh nói rằng cơ sở này thành lập từ năm 1993, hồi đó chưa hề có máy móc như bây giờ, mọi người đều phải làm thủ công nên sản lượng ra chậm và hạt cốm thường bị nát, không đạt chuẩn chất lượng đầu ra. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao, anh đã cùng người thân trăn trở, sớm hôm học hỏi, tự thiết kế ra máy giã, máy ép cốm, chảo rang cốm, tất cả đều bằng máy. Nhờ đó sản lượng cho ra mỗi ngày có thể lên tới hơn 2 tấn cốm (tương đương 3 tấn thóc), mỗi hạt cốm đều tròn, ngon và giữ được hương vị như làm thủ công.

Là cơ sở có quy mô gia đình nên chỉ có 3 – 4 công nhân làm khâu đóng gói và xuất chuyển hàng hóa. Riêng khâu tạo thành phẩm đều là những người giàu kinh nghiệm trong gia đình đảm nhiệm để đảm bảo sản phẩm đầu ra đúng chuẩn cốm ngon.

Để giữ được độ thơm và ngọt thì cốm phải được làm từ những hạt thóc non đã chọn lọc kĩ lưỡng, sau đó đem rửa sạch và mang đi ngâm. Qua một thời gian nhất định sẽ đến công đoạn làm chín rồi tách vỏ bóc cám và chạy máy để cốm được cán dẹt mỏng ra. Sau đó cốm được đưa vào xử lí, sàng lọc sạch sẽ rồi đóng gói xuất hàng. Các sản phẩm cũng rất đa dạng, như: cốm ép, cốm tròn, cốm phồng, cốm dùng để nấu chè, đồ xôi, làm chả, bánh mochi, bánh phu thê… Với chất lượng đạt chuẩn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên cốm của gia đình anh Bường được nhiều thương lái trên khắp mọi miền đất nước tìm mua.

Làm cốm là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tiêu thụ nông sản ngay tại quê hương, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Do nghề và làng nghề phát triển nên diện mạo của thôn Thống Nhất, xã Chi Lăng cũng thay đổi từng ngày. Trong mỗi hạt cốm óng ả có nỗi nhọc nhằn của cây lúa trải qua những ngày mưa bão và những giọt mồ hôi, sự vất vả của người làng nghề.

Mở gói cốm Chi Lăng bọc chiếc lá sen xanh như thấy hương gió thu ùa về.

Trần Khanh

10:23:24 10-04-2023

VHDN: Thôn Thống Nhất, xã Chi Lăng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là vùng quê hiền hòa, bình dị và vào mỗi mùa lúa chín có một thứ quà quê dân dã luôn được bao người chờ đón đó chính là cốm xanh. Người dân nơi đây coi cốm như món quà mà mẹ […]

Đối tác của chúng tôi