Sự kiện - chuyên đề:

Dịch COVID-19: Châu Âu hạ nhiệt, châu Á đối mặt nguy cơ làn sóng thứ 2

Trong khi châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, châu Á lại đang thật sự đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, khi hàng loạt ca COVID-19 mới được phát hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran,…

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 17/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 8.256.257 ca, trong đó có 445.937 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận 4.306.089 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 54.593.

Châu Âu tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành dữ dội ở châu Mỹ, đặc biệt là Brazil và Mỹ. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 16/6 cảnh báo châu Mỹ đang nhanh chóng tiếp cận mốc 4 triệu người mắc bệnh COVID-19, với hai nước dẫn đầu về số người nhiễm bệnh là Mỹ và Brazil với các tỷ lệ lần lượt 54% và 23% tổng số ca tại lục địa này.

Trong khi đó, châu Á – nơi khởi phát đại dịch cuối năm 2019, đang thật sự đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, khi hàng loạt ca COVID-19 mới được phát hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Indonesia…

Ngày 16/6, Brazil đã ghi nhận số ca nhiễm mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kỷ lục trong 24 giờ với 34.918 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này lên 923.834 người.

Số số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã lên tới 45.456 người, tăng thêm hơn 1.470 trường hợp trong 24 giờ qua. Trước đó số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận từ hôm 30/5 với 33.274 trường hợp.

Bất chấp những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương của Brazil đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, mở rộng các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao. Brazil là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong nhiều nhất thế giới, với 2.208.400 người mắc bệnh và 119.132 ca tử vong. Sau vài ngày có dấu hiệu thuyên giảm, số ca tử vong và mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ đã tăng mạnh trở lại. Dù vậy, bang New York – tâm dịch lớn nhất của Mỹ, ghi nhận số ca nhập viện và tử vong trong ngày thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây.

Thành phố New York hiện cũng là nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp, giảm xuống còn 1,3% trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác trong bang còn thấp hơn. Tuy nhiên, có thể số ca mắc bệnh tại Mỹ sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, như là hậu quả của làn sóng biểu tình bất chấp dịch bệnh đang lây lan mấy ngày qua trên khắp nước Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết lệnh đóng cửa biên giới giữa Canada và Mỹ sẽ tiếp tục được kéo dài tới ngày 21/7. Thủ tướng Trudeau khẳng định biện pháp mới nhằm bảo vệ người dân ở cả hai nước trong bối cảnh cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Biên giới giữa Mỹ và Canada đã được đóng đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu bắt đầu từ đêm ngày 20/3 và được kéo dài từ đó đến nay.

Bộ Ngoại giao Mexico thông báo nước này và Mỹ đã nhất trí kéo dài lệnh hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung thêm 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Các hạn chế đi lại đã được cả hai nước áp đặt vào giữa tháng Ba và được gia hạn vào tháng Năm. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chính phủ hai bên đã quyết định kéo dài đối với sự lưu thông không thiết yếu qua biên giới chung.

Dich COVID-19: Chau Au ha nhiet, chau A doi mat nguy co lan song thu 2 hinh anh 1
Chuyển thi thể các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Guayaquil, Ecuador. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Chính phủ Chile quyết định gia hạn “tình trạng thảm họa” thêm 90 ngày do số ca nhiễm đang tiếp tục tăng. Hiện nước này ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm, trong đó 3.362 ca tử vong. Tỷ lệ ca nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh trong tháng Năm và đầu tháng Sáu, trung bình hơn 5.000 ca/ngày trong những tuần gần đây. Tình hình đã buộc chính quyền phải ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô Santiago với hơn 6 triệu dân.

Tổng thống Ecuador Lenín Moreno cũng tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn đến ngày 13/8 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Với việc gia hạn tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Ecuador sẽ có quyền huy động các lực lượng vũ trang và duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm lệnh giới nghiêm, cũng như đình chỉ quyền như tự do hội họp.

Ecuador là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ Latinh, với hơn 47.943 ca nhiễm bệnh, tính đến hết ngày 16/6. Chính phủ Ecuador cũng thông báo khoảng 2.600 trường hợp tử vong khác “có khả năng” do nhiễm COVID-19.

Tại châu Phi, Mauritania cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ qua. Cơ quan y tế Mauritania cho biết nước này đã ghi nhận thêm 170 trường hợp mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 2.057 người.

Tổng giám đốc y tế công Mauritania – Tiến sĩ Sidi Ould Zahaf cho biết trong số 1.190 ca xét nghiệm được thực hiện trong 24 giờ qua, 170 trường hợp cho kết quả dương tính. Trong đó, 140 trường hợp mới đã được phát hiện tại thủ đô Nouakchott – tâm dịch ở Mauritania.

Ngoài ra, Mauritania cũng ghi nhận thêm hai trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này là 93 người và số ca được chữa khỏi là 373 trường hợp. Hiện chính quyền Mauritania đã quyết định gia hạn thêm hai tuần thời hạn đối với các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 20h đến 6h, việc đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng và trong giao thông, cũng như cấm giao thông đi lại giữa các tỉnh thành.

Dich COVID-19: Chau Au ha nhiet, chau A doi mat nguy co lan song thu 2 hinh anh 2
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 15/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại châu Á, đại dịch bất ngờ nóng trở lại ở nhiều nước khi nguy cơ về một làn sóng dịch thứ hai đang ngày một biểu hiện rõ hơn.

Ngoài ổ dịch mới bùng phát tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Ấn Độ cũng là nước đang ở trong tình trạng báo động với số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong vòng 24 giờ qua (2.006 trường hợp).

Quốc gia Nam Á này cũng ghi nhận 11.135 ca dương tính mới, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ lên lần lượt 354.161 và 11.921 trường hợp. Xu thế đáng lo ngại là tỷ lệ các ca mắc bệnh mới và tử vong đang có xu thế tăng mạnh những ngày qua ở Ấn Độ.

Tại Trung Đông, chính quyền Iran ghi nhận số ca tử vong tăng lên 9.065 ca sau khi xác nhận thêm hơn 100 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Trong 24 giờ qua, thêm 2.563 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại Iran lên 192.439 ca kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ngày 19/2./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ
10:01:30 17-06-2020

Trong khi châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, châu Á lại đang thật sự đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, khi hàng loạt ca COVID-19 mới được phát hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran,… Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi