Sự kiện - chuyên đề:

Điện khí, điện mặt trời, điện gió… rất mang tính phong trào

Rất nhiều địa phương đề nghị điện khí, điện mặt trời, điện gió… mang tính phong trào, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Ở vị trí chủ toạ, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng là người đầu tiên đặt câu hỏi

Sáng 7/9, tại phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, khá nhiều vấn đề xung quanh quy hoạch điện lực đã được đặt ra.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển muốn biết điện than có vị trí thế nào trong sơ đồ điện VIII?

Điện than vẫn còn vai trò nhưng sẽ giảm nhiều so với tổng sơ đồ điện VII, sẽ được quản lý chặt chẽ về điều kiện môi trường và xem xét kỹ lưỡng khi đưa vào quy hoạch bổ sung, người đứng đầu ngành Công thương trả lời.

Vẫn liên quan đến điện than, trả lời một số vị đại biểu sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, điện than không phải là tội đồ. Tuy nhiên, đã điều chỉnh nhiều dự án nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch điện VII, sau khi Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt đã không còn các dự án như: Nhiệt điện Uông Bí III, Yên Hưng, Bắc Giang, Kiên Lương. Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo cũng được khuyến khích phát triển từ mức chỉ chiếm 5,6% trong Quy hoạch điện VII tăng lên 9,9% trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Về quy hoạch điện lực nói chung, cả Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và một số vị đại biểu đều nhận xét là còn xơ cứng, dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển ngành điện.

Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, chính sự xơ cứng đó, trong chừng mực đã bỏ lỡ cơ hội cho khu vực tư nhân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm nhận xét, quy hoạch bất cập kể cả nguồn điện, lưới điện, nguyên liệu đầu vào, nên mặc dù rủi ro thiếu điện dần hiện hữu, nhưng nhiều nhà máy điện không sản xuất hết công suất, dẫn đến giá thành cao; phát triển năng lượng tái tạo mặc dù còn xa so với tiềm năng, nhưng thiếu phương án đấu nối (dư thừa nguồn điện cục bộ trong khi tổng thể thiếu điện nên khó giảm giá thành).

Đại biểu Hoàng Quang Hàm muốn Bộ trưởng cho biết hướng khắc phục ra sao về quy hoạch và tỷ trọng các nguồn điện có tính đến yếu tố giá; về giá điện mặt trời, điện gió; về cơ chế phân phối khí, cấp QC… Đặc biệt là bao giờ, cụ thể là thời điểm nào thì có thể bàn đến giảm giá điện, quy hoạch hướng tới mục tiêu này (mục tiêu giảm giá điện) như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đến năm 2024, giá điện sẽ theo cơ chế thị trường thực sự, song không thể khẳng định là giá có giảm được hay  không.

“Tôi cũng bức xúc khi chưa giảm được giá, nhưng tới đây sẽ hoàn toàn công khai, minh bạch, có lên có xuống”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng nêu khá nhiều thông tin về điện gió, điện mặt trời, nhưng theo nhận xét của đại biểu Hàm và một số vị khác là chưa đủ, cần có đánh giá thuyết phục hơn.

Đánh giá chung, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, các mục tiêu theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã không đạt.

Có nhiều nguyên nhân: do giải phóng mặt bằng các dự án, do thiếu vốn, không bố trí được nguồn vốn sau khi Chính phủ không còn bảo lãnh; do một số địa phương không ủng hộ các dự án điện than. Trước đây, địa phương nào cũng đề nghị điện than, sau đó lại không ủng hộ, nay thì rất nhiều địa phương đề nghị điện khí, điện mặt trời, điện gió… rất mang tính phong trào, ông Hiển nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, theo ông Hiển, cần khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng, đảm bảo có tầm nhìn, có sự kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý, lấy hiệu quả làm chính, tránh tư tưởng cục bộ của các bộ, ngành, địa phương.

“Ví dụ, sơ đồ điện VII rất nhiều địa phương đề nghị dự án điện than (khi có quy hoạch rồi lại thực hiện không nghiêm), song lại từ chối và hiện nay nhiều địa phương lại đề nghị điện khí hóa lỏng, điện mặt trời, điện gió….”, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn lại yếu tố “phong trào” ông đã nêu trên.

Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất điện mặt trời tới năm 2020 dự kiến là 850 MW, thực tế đến tháng 8 năm 2020 đạt được 5.245 MW; công suất điện gió tới năm 2020 dự kiến là 800 MW, thực tế đến tháng 8 năm 2020 đạt được 450 MW và dự kiến vượt công suất điện gió tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong tương lai gần. Bộ trưởng Tuấn Anh đánh giá: có được các kết quả trên là nhờ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Đảng và Chính phủ và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ dẫn tới giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.
Theo ĐT
15:51:04 07-09-2020

Rất nhiều địa phương đề nghị điện khí, điện mặt trời, điện gió… mang tính phong trào, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Sáng 7/9, tại phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội do […]

Đối tác của chúng tôi