Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vốn là công việc chủ yếu của cơ quan nhà nước, được ban hành theo “thẩm quyền” “trình tự”, “hình thức” và “thủ tục” được quy định trong Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Trong hệ thống nhà nước có 12 đầu mối từ Trung ương tới địa phương, từ ngành ngang đến ngành dọc, có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có pháp luật về kinh doanh.

Chính phủ được cấu thành bởi 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ, hàng trăm Cục, Tổng cục, Vụ, cơ quan trực thuộc. Rất khó thống kê hết mỗi ngày “sản xuất” và “lưu thông” bao nhiêu văn bản liên quan đến kinh doanh.

Điều kiện kinh doanh rườm rà là thứ trói buộc doanh nghiệp khủng khiếp hơn bất cứ rào cản nào hiện tại. Là nguồn cơn phát sinh sự tốn kém (chi phí không chính thức), mất mát chi phí cơ hội, thời gian, mà thứ oái oăm nhất có lẽ là làm nản lòng doanh nhân.

Một thời im ắng, các Bộ ngành, địa phương cho mọc ra hàng ngàn điều kiện kinh doanh, đến khi nhìn lại sự èo uột của cộng đồng doanh nghiệp sau nhiều năm nỗ lực mới tá hỏa, thì ra chính điều kiện kinh doanh quá rối rắm gây “tắc đường” nghiêm trọng.

CIEM (Viện quản lý kinh tế Trung ương) thống kê, riêng điều kiện kinh doanh – nếu tập hợp lại thành cuốn nó sẽ dày cỡ 900 trang, chưa tính quy định về hồ sơ, thủ tục! Không hề mỏng hơn bất cứ tác phẩm khảo cứu chuyên ngành nào, cá nhân, doanh nghiệp nào đủ thì giờ và sự kiên nhẫn để xem hết?

Giấy phép con là một vấn nạn

Không ít doanh nghiệp tìm cách lách luật hoặc làm chiếu lệ để đáp ứng yêu cầu của những quy định xa rời thực tế, vô tình họ trở thành kẻ phạm pháp trong mắt nhà chức trách. Nhưng không thể lách được các khoản chi phí để hợp lý hóa cái không cân thiết.

Riêng đối với ngành công thương, có đến 700 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh, con số này với ngành tài chính là 490 và với ngành giao thông là 376… Những con số nói trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh không hề thoải mái chút nào nếu không muốn nói là rất “chật trội”.

Không ít ông chủ doanh nghiệp mừng vui rớt nước mắt khi một điều kiện kinh doanh phi lý nào đó được bãi bỏ. Đáng lẽ ra nhà chức trách phải thấy được “sản phẩm” của mình là dư thừa, họ phải chịu trách nhiệm về việc này chứ không thể ngồi một chổ điều khiển bằng cơ chế “xin – cho”.

Từ những phản hồi…ngoài phòng lạnh, phải cắt giảm đến 2/3 điều kiện kinh doanh hiện hành doanh nghiệp mới “dễ thở”, tức là cứ 3 điều kiện kinh doanh thì có 2 không cần thiết.

Một con số sai lệch với thực tế quá lớn, ban hành dễ nhưng giảm đi quá khó. Thậm chí giảm chẳng bao nhiêu nhưng lại tăng lên chóng mặt. Dẫn chứng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra là “có những bộ giảm 11 điều kiện kinh doanh ở nghị định nhưng tăng 115 điều kiện kinh doanh ở chỗ khác. Như thế là không được, là trói thêm”. 

Giảm giá một que kem cũng cần có hồ sơ, động đến đâu nhùng nhằng đến đó, trong khi không ai chịu hiểu nỗi thống khổ của doanh nhân, doanh nghiệp, thứ họ để vuột qua tầm tay không chỉ là tiền!

“Trình độ cài cắm của nhiều Bộ, ngành bây giờ đã đạt đến trình độ thượng thừa!” – đây là nhận xét của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI đưa ra sau quá trình theo dõi tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn khổ vì bị thanh tra, kiểm tra. Song trong quá trình đi tìm hiểu về những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, hầu hết các doanh nghiệp đều xin không nêu danh tính. Bởi mỗi khi họ xuất hiện công khai nói về những cách hành xử không đúng của công chức thừa hành thì họ lại tiếp tục… bị hành.

Để ra được Nghị định hoặc quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh có thể phải mất vài năm. Tuy nhiên khoảng thời gian vài năm có thể giết chết hàng vạn doanh nghiệp.

Ai chịu trách nhiệm về thiệt hại không đáng có này?

theo enternews