Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nghiệp cần chủ động phòng tránh rủi ro thương mai

VHDN: Để phòng tránh rủi ro thương mại, doanh nghiệp (DN) cần kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cẩn trọng thanh toán quốc tế, cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan Thương vụ, Phòng Thương mại và các tổ chức hỗ trợ khác…

Việt Nam hiện đang có thế mạnh về xuất nhập khẩu, trong 2 năm gần đây mặc dù chịu tác động từ dịch COVID-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên sân chơi khi mở rộng thì đồng nghĩa với rủi ro với những tranh chấp thương mại nhiều hơn. Điển hình về vụ lừa đảo trong thương mại quốc tế đối với DN Việt Nam gần đây là vụ việc 76 contener hạt điều của 5 DN Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Italia bị mất bộ chứng từ gốc. Đến thời điểm này sự việc 76 container hạt điều đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa, nhưng đó cũng là “bài học kinh nghiệm” cho các DN ngành điều nói riêng và DN XK của Việt Nam nói chung.

Chia sẻ về sự ứng phó với rủi ro trong thương mại quốc tế, ông Bạch Thăng Long, Phó TGĐ Thường trực Tổng Công ty May 10 cho rằng, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh XK, May 10 đã lựa chọn các thị trường lớn, hệ thống tài chính thanh toán mạnh và linh hoạt. Với quy mô sản xuất lớn, May 10 không tập trung vào 1 hoặc 2 khách hàng lớn mà tập trung vào nhiều khách hàng lớn (các nhãn hàng lớn…), phân bổ/ chia nhỏ nguy cơ rủi ro có thể xảy ra nếu 1 trong các khách hàng kinh doanh khó khăn hoặc gặp vấn đề về tài chính/ phá sản.

Về điều khoản thanh toán đối với hàng XK, May 10 áp dụng các điều kiện thanh toán mang tính an toàn cao như thanh toán bằng thư tín dụng L/C, TT trả trước… thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn có uy tín. Đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu, “Chúng tôi kết hợp kiểm tra toàn bộ các giải pháp kiểm tra về thông tin thanh toán từ phía các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kong… ví dụ như: thanh toán lần đầu cần kiểm tra số tài khoản ngân hàng của các nhà cung cấp bằng các hình thức: gọi điện trực tiếp, qua fax, qua các phần mềm chat trực tiếp, qua khách hàng chỉ định/ bảo lãnh đặt NPL… Đảm bảo chắc chắn an toàn thì chúng tôi mới thực hiện thanh toán”, ông Bạch Thăng Long cho hay.Ông Trần Thanh Quyết, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICHAM) cho rằng, thách thức lớn nhất của DN Việt Nam hiện nay là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp rất dễ xảy ra. Rất nhiều DN chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với đối tác cho đến hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều DN chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hoà giải thương mại. Nhiều DN còn ít sử dụng luật sư thường xuyên để được tư vấn trong quá trình soạn thảo hợp đồng hoặc giải quyết tranh chấp thương mại. Đặc biệt, khi đưa sản phẩm ra nước ngoài, rất nhiều DN đã xảy ra việc tranh chấp nhãn hiệu dẫn đến không được bảo hộ tại quốc gia đó. Nguyên nhân là DN không đăng ký bảo hộ tại quốc gia đó dẫn đến việc có thể bị mất nhãn hiệu của chính mình tại thị trường quốc tế. Đơn cử như, nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên đã bị một công ty tại Mỹ đăng ký trước. Sau 2 năm thương thảo công ty tại Mỹ cũng trao trả lại quyền bảo hộ; và nhận làm đại lý phân phối sản phẩm cà phê Trung Nguyên của Việt Nam tại Mỹ. Nước mắm Phan Thiết đã bị một công ty ở Mỹ đăng ký thương hiệu từ năm 1999. Thương hiệu thuốc lá Vinataba Việt Nam đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước trong ASEAN.

Về các biện pháp phòng tránh rủi ro thương mại, ông Trần Thanh Quyết cho rằng, DN cần kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cẩn trọng thanh toán quốc tế trong đó lưu ý phương thức D/P, cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan Thương vụ, Phòng Thương mại và các tổ chức hỗ trợ khác. rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi. Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Dự báo rủi ro trong thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới, để phòng ngừa vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI) Nguyễn Công Cường cho rằng, các DN Việt Nam cần phải hoàn thiện mình, phải có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Các DN phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp tại các thị trường. Đặc biệt, để phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế, các DN cần dựa vào các DN đi trước. Bên cạnh đó, tổ chức hội cũng là kênh hỗ trợ DN hội viên hiệu quả để hạn chế các rủi ro khi tranh chấp, đồng thời cũng cần cẩn trọng khi giao kết hợp đồng.

Theo Tạp chí VHDNVN tháng 5/2023 – Mỹ Dung

 

09:47:53 17-05-2023

VHDN: Để phòng tránh rủi ro thương mại, doanh nghiệp (DN) cần kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cẩn trọng thanh toán quốc tế, cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp […]

Đối tác của chúng tôi