Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ gas, mỗi khâu đều phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số seri, tên khách hàng… Ghi chép này không chỉ ghi khi bán hàng mà phải thực hiện khi thu hồi vỏ bình về.

Việc quay vòng vỏ chai gas sẽ không thu hồi vỏ theo số thứ tự seri được. Doanh nghiệp tăng lượng nhân sự lên gấp đôi, gấp ba lần chưa chắc xử lý xuể. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cửa hàng bán lẻ khi giao gas tận nhà còn phải cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng (kể cả hướng dẫn trực tiếp về an toàn sử dụng gas) cho chủ nhà, biên nhận giao gas và phải có chữ ký xác nhận của chủ nhà. Quy định này ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas “đứng ngồi không yên” bởi nguy cơ gia tăng chi phí.

Nói như bà Đinh Ngọc Thiên Nga, đại diện Công ty Petro Anpha thì việc thương nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh phải lập sổ theo dõi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì lượng gas tiêu thụ hằng ngày lên tới cả ngàn bình. Việc quay vòng vỏ chai gas sẽ không thu hồi vỏ theo số thứ tự seri được. Doanh nghiệp tăng lượng nhân sự lên gấp đôi, gấp ba lần chưa chắc xử lý xuể.

Nói lên khó khăn của doanh nghiệp mình, ông Hà Thanh Tùng, giám đốc công ty gas Đông Tùng, Hà Giang nói rằng, nếu áp dụng vào ngày 1/8 khiến doanh nghiệp tương đối khó khăn bởi quy định này sẽ tạo thêm cho doanh nghiệp… một khối lượng công việc khổng lồ. “Tôi hiểu rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có sổ theo dõi gas để đảm bảo được sự an toàn, thế nhưng việc ghi chép như vậy sẽ khiến doanh nghiệp rất tốn thời gian”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, sổ theo dõi là điểm hoàn toàn mới của Nghị định 87 so với các văn bản quy phạm pháp luật từng có trong lĩnh vực. Góc nhìn của cơ quan quản lý là qua khâu luân chuyển hàng hóa thì phải lập sổ theo dõi. Quy định này khắc phục được tình trạng trước nay là không theo dõi hoạt động theo chuỗi, không kiểm soát từng khâu nên khi xảy ra tình trạng mất an toàn, các bên liên quan không nhận trách nhiệm…

Nhưng, mới nên sẽ khó. Việc còn lại tìm cách thực hiện sao cho thuận lợi. Nếu làm thủ công ghi chép bằng tay thì phù hợp với cửa hàng bán lẻ, bán khoảng 30-40 bình/ngày. Còn thương nhân chiết nạp với công suất cả ngàn chai thì sẽ gặp khó khăn.

“Do vậy, chúng tôi kiến nghị, cơ quan quản lý cần có hành lang pháp lý thuận lợi để chúng tôi vừa tuân thủ được quy định, vừa đảm bảo năng suất lao động. Việc thực thi cũng cần có lộ trình, không thể áp dụng từ ngày 1/8 như nghị định yêu cầu”, đại diện Anpha Petro nói. Công bằng mà nói, so với Nghị định 19 thì nghị định này đã tháo bỏ các điều kiện kinh doanh của thương nhân như sở hữu vỏ bình, bồn chứa… Nhưng, chỉ với bằng ấy quy định được bãi bỏ thì sợi dây vướng chân doanh nghiệp vẫn chưa thật sự được gỡ.

Trước Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí được ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh khí muốn được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực khí hóa lỏng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nghị định 16/2016. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh khí gas phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3; có số lượng chai chứa khí gas (LPG) thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L (khoảng 100.000 vỏ bình 12kg)…

Quy định này, trên thực tế đã đẩy rất nhiều doanh nghiệp rơi vào “bước đường cùng”, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải phải “từ bỏ cuộc chơi”… Trên thực tế, chiến đấu với các điều kiện kinh doanh thật sự là một cuộc không hề dễ dàng. Để những quy định vô lý như trên được bãi bỏ, VCCI đã cùng cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội… trong suốt hơn 2 năm trời ròng rã.

Thời điểm hiện tại mới là những ngày đầu tháng 8/2018. Sẽ là quá sớm để khẳng định rằng, việc Nghị định 87 hôm nay yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas phải ghi chép đầy đủ thông tin về vỏ bình gas từ khi xuất xưởng đến khi thu hồi… sẽ làm khó doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi? Quá sớm để khẳng định rằng những quy định này sẽ đẩy doanh nghiệp “rơi vào bước đường cùng” nhưng “gánh nặng” chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải chịu lại là nguy cơ hiện hữu.

Theo enternew