Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Không phải gánh nặng mà là cơ hội

Chiến lược phát triển bền vững gắn kết chặt chẽ với mục tiêu kinh doanh được nhìn nhận là điều kiện tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững, xem đây là cơ hội thay vì là gánh nặng.

Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, cũng như doanh nghiệp tại lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2023 (CSI 2023), sáng 31/5.

Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết trong hoạt động kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng là một thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại lễ phát động

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại lễ phát động

Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiêp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho hay: Kinh doanh bền vững giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của Chính phủ, khách hàng, các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan khác.

Ông Nguyễn Quang Vinh dẫn chứng, nếu nhìn vào những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO… Đây là những doanh nghiệp vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác.

Hay thử nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư hiện nay, cũng có thể thấy đó là những xu hướng tập trung vào tính bền vững. Mới đây, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát về “thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.

Phát triển bền vững là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

Phát triển bền vững là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Về phía các nhà đầu tư quốc tế, họ cũng muốn ưu tiên dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các dự án có định hướng bền vững. “Như vậy, khi nhìn từ góc độ đó, doanh nghiệp sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp” – ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Đánh giá lợi ích khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) Nguyễn Duy Giang cho biết:  Hiện nay, phát triển bền vững không còn là ý niệm nữa, mà đã bước sang giai đoạn phải làm. Việc doanh nghiệp đi trên con đường phát triển bền vững, hướng đến môi trường và cộng đồng, xã hội cũng là một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Vì vậy, bên cạnh việc duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế, PVPower không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, công khai minh bạch trong điều hành và công bố thông tin. PV Power luôn cam kết triển khai chiến lược phát triển bền vững trên đầy đủ các phương diện kinh tế – môi trường – xã hội.

Cùng chung quan điểm, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) Đoàn Mai Hương cho biết, SASCO tập trung vào các mục tiêu trọng tâm, kết nối chặt chẽ với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SGDs), hài hoà giữa lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Trong chiến lược phát triển, SASCO kiên định tiêu mục tiêu bền vững, thực hiện duy trì tăng trưởng kinh doanh đi đôi với phát triển con người, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; SASCO thực hiện cạnh tranh lành mạnh qua đó thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển không chỉ cho hôm nay mà quan trọng là hướng đến sự bền vững, tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

Vấn đề phát triển bền vững hiện đã ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến các doanh nghiệp Việt Nam, từ ngành hàng thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp đến các ngành hàng phi thực phẩm như da giày, may mặc, điện tử. Gần đây, các nhãn hàng lớn của thế giới công bố những mục tiêu phát triển bền vững dẫn đến thách thức là nếu doanh nghiệp Việt không có lộ trình cụ thể để đáp ứng thì sẽ bị mất các đơn hàng gia công lớn.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho hay, nếu vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho “các ông lớn”, thì giờ đây, câu chuyện đó đã trở nên sát sườn, thực tế hơn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp có sự hưởng ứng thực hiện xu hướng và yêu cầu của phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn chờ những thông tin, định hướng rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Vũ Kim Hạnh, doanh nghiệp nào cũng cần và phải thực hiện phát triển bền vững. Nhưng trong giai đoạn khó khăn này,  việc phát triển xanh, bền vững phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn, lại phải đeo đuổi thêm các tiêu chuẩn xanh nữa thì rất khó.

Trả lời cho vấn đề này, Phó Chủ tịch VCCI Phạm Quang Vinh cho rằng, câu trả lời nằm ở cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ, tiếp sức kịp thời, đồng bộ để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn mà DN đang đối mặt. Theo Khảo sát của Ban IV thì doanh nghiệp đã đề xuất hàng loạt các kiến nghị như giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hay tăng đàm phán thương mại để đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống.

Còn về phía doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững. Cùng với tư duy đó, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh”, có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Bộ Chỉ số CSI 2023 có tích hợp các chỉ số định lượng phục vụ mục đích đánh giá quá trình thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp qua giai đoạn 3 năm từ 2020 – 2022 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Theo Báo Kinh tế & Đô thị

Chia sẻ
09:37:02 01-06-2023

Chiến lược phát triển bền vững gắn kết chặt chẽ với mục tiêu kinh doanh được nhìn nhận là điều kiện tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững, xem đây là cơ hội thay vì là gánh nặng. Đây là nhận […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi