Doanh nghiệp cần vốn và chính sách ổn định
Trong thời gian qua, Chính Phủ đã có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, mở cách cửa cho DN Việt hội nhập sâu rộng hơn, tuy nhiên để kinh tế tư nhân có cơ hội vươn lên và phát triển bền vững thì Chính phủ cần quyết liệt và tháo gỡ những rào cản của thị trường hơn nữa để tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch và lành mạnh cho cộng đồng DN, tạo động lực thực cho DNTN phát triển.
Ông Phan Văn Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Phong cho biết, cái khó lớn nhất đối với DNTN hiện nay vẫn là vốn. Đối với ngành ô tô sự cạnh tranh đã khốc liệt, cộng với chính sách thay đổi bất thường, không đồng nhất, mỗi năm, mỗi ngành lại thay đổi, lại bổ xung những quy định mới, DN chỉ biết chạy theo vòng quanh. Do vậy, để lực lượng DNTN phát triển cần nhất là hỗ trợ về vốn và chính sách ổn định.
Bà Trần Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HMC Việt Nam cũng cho hay, DN hiện đang xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang thị trường Nhật Bản. Để tiếp cận được thị trường DN phải tự “bơi”, tự khảo sát thị trường và tìm kiếm đối tác, nguồn hàng và giá phải có sức cạnh tranh hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines. Do vậy, DNTN muốn cạnh tranh và đứng vững trên thị trường rất cần cơ chế chính sách ổn định để yên tâm đầu tư và xúc tiến thị trường. Khi những thủ tục hành chính được cải thiện,minh bạch, chính sách hướng đến người dân và DN thì DN sẽ phát triển bền vững.
Trên thực tế, những năm qua, DNTN vẫn gặp nhiều rào cản gia nhập thị trường, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan và những thách thức, khó khăn về quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn … Thách thức là vậy, nhưng nếu doanh nghiệp không nỗ lực, tự “bơi”, tự đổi mới thì rất khó tồn tại.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (Đồng Nai) cho biết, hiện chủ trương chính sách của CP tương đối tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, tiềm năng, tiềm lực của kinh tế tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thì còn thiệt thòi hơn rất nhiều. Theo ông Hưng, khó khăn thường trực của doanh nghiệp tư nhân là nguồn lực, vốn và công nghệ. Doanh nghiệp hiện phải chịu lãi suất 8-10%, lãi suất đầu vào lớn hơn các nước ASEAN (chỉ vào khoảng 4-5%), nên rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, lại yếu về quản trị, kỹ năng và thái độ làm việc. Về công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải sử dụng công nghệ đi sau các nước. Trong nước, số vốn đăng ký của doanh nghiệp tư nhân khiêm tốn chỉ từ 10-20 tỷ đồng. Từ đó đưa đến hiệu suất và hiệu quả kinh doanh khiêm tốn.
Cải cách thực chất để DNTN lớn mạnh thực sự
Ths Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet cho rằng, Chính phủ đưa ra các Nghị quyết, giải pháp hỗ trợ DNTN phát triển nhưng quan trọng là người thực hiện và sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Dưới góc độ lữ hành, ông Nguyễn Tiến Đạt kiến nghị Nhà nước, Chính phủ cần giữ vai trò nhạc trưởng, điều phối các nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Bởi xây dựng hạ tầng kết nối như hạ tầng giao thông và các điểm đến phải nhà nước đầu tư chứ tư nhân không thể làm được.
Để cho doanh nghiệp tư nhân lớn được và phát triển đúng tầm mức, ông Hưng đề nghị cần có sự thay đổi thực chất về đối thoại chính sách giữa các cấp với doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực tiễn doanh nghiệp hoạt động và căn cứ trên nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, cơ khí hay CN hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu thường thiếu mặt bằng sản xuất nhưng do nguồn lực yếu và thiếu nên không có được mặt bằng để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI lại “tốt vốn, tốt công nghệ và tốt thị trường đầu ra” thì dễ dàng có được mặt bằng rộng, tốt hơn, thuế lại được ưu đãi.
“Công nghiệp hỗ trợ của chúng ta tại sao chưa phát triển? Đó là vì các cơ sở cơ khí hay SX nhỏ và vừa của Việt Nam hiện vẫn làm ở quy mô hộ gia đình, chỉ khoảng trên dưới 10 người, không có địa bàn hoạt động, không có nguồn lực nên mãi chẳng lớn được. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI chọn các nhà cung cấp, mời chào cùng vào đầu tư để làm nhà cung cấp các sản phẩm CN hỗ trợ theo các dự án đầu tư lớn của họ sang Việt Nam nên chuỗi liên kết vẫn là những doanh nghiệp FDI với rất nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân vốn là các doanh nghiệp với quy mô nhỏ và yếu về vốn Công nghệ lẫn trình độ quản trị. Lúc đó, cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ VN sẽ mất đi, doanh nghiệp đã yếu lại không có “cơ” lớn”, ông Hưng phân tích. Vì vậy, ông đề xuất, với những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của từng tỉnh, từng khu, từng vùng địa phương nên đề xuất sẽ xây dựng những cụm công nghiệp hỗ trợ, hay các khu công nghiệp họp lại đề xuất các cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó với mặt bằng của mỗi doanh nghiệp có thể chỉ cần từ 1.000 -2.000m2. Nên ưu đãi giá thuê mặt bằng, chi phí cho cơ sở SX của doanh nghiệp sẽ giảm đi, được như vậy thì doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và có cơ hội phát triển.
“Để làm được điều này, các bộ, cấp có thẩm quyền phải cởi trói về quy định thành lập cụm công nghiệp tối thiểu 10ha mới được xây dựng cụm công nghiệp mà có thể từ 5-10ha cũng có thể thành lập được. Khi doanh nghiệp dần lớn thì có khả năng lựa chọn đầu tư cho sự phát triển mở rộng. Chứ không cần đợi doanh nghiệp đủ vốn, lớn mạnh có đủ tiềm lực mới vào được cụm hay khu công nghiệp thì sẽ rất lâu và thui chột ý tưởng đầu tư, cơ hội kinh doanh”, ông Hưng đề xuất.
Cũng theo ông Hưng, nếu làm được sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà rộng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt lớn lên. Một doanh nghiệp tư nhân hoạt động tốt họ chỉ cần 10 – 50 nhân viên như ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp…liên kết với doanh nghiệp làm hàng SX và xuất nhập khẩu, sẽ giải quyết thêm được nhiều việc làm, Chính phủ sẽ thu thêm được thuế, môi trường đầu tư khởi nghiệp tạo sức lan toả.
Trân Trân
VHDN: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là động lực phát triển của nền kinh tế, tại các Nghị quyết đều nhấn mạnh tới vai trò của kinh tế tư nhân, theo đó có rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ dành cho khu vực này. Tuy nhiên, khó khăn thực tế vẫn rất nhiều, những vướng […]